| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Bình Thuận kỳ vọng vụ cá Nam

Thứ Sáu 07/06/2024 , 10:50 (GMT+7)

Thời điểm này, ngư dân Bình Thuận đang tất bật chuẩn bị vươn khơi khai thác vụ cá Nam, đây là vụ khai thác chính trong năm.

Kỳ vọng vụ cá nam

Những ngày cuối tháng 5 vừa qua do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, các cảng cá như Phú Hải, Cồn Chà (TP Phan Thiết), Phan Rí Cửa (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) ít nhộn nhịp cảnh tàu thuyền thay phiên vào cập bờ bốc dỡ thủy sản bán. Tuy nhiên sau khi theo dõi thời tiết ổn định, bám biển an toàn, ngư dân lại tranh thủ vận chuyển lương thực, thực phẩm, tiếp thêm nhiên liệu, đá lạnh để tiếp tục vươn khơi khai thác vụ cá Nam.

Ngư dân Bình Thuận chuẩn bị lương thực để vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam. Ảnh: KS.

Ngư dân Bình Thuận chuẩn bị lương thực để vươn khơi đánh bắt vụ cá Nam. Ảnh: KS.

 

Theo các ngư dân, vụ cá Nam bắt đầu từ tháng 4 - 9 âm lịch, đây là vụ khai thác thủy sản chính trong năm của ngư dân ven biển Bình Thuận nên hầu hết đều hi vọng mùa cá năm nay sẽ bội thu.

Đang vận chuyển lương thực xuống tàu sau hơn một tuần nằm bờ, ngư dân Phan Văn Chi (khu phố 2, phường Phú Hài, TP Phan Thiết) cho biết, tàu của ông chuyên hành nghề vây rút chì. Từ đầu năm đến nay, ngư trường vắng cá nên tàu của ông chỉ bám biển được vài chuyến. Mỗi chuyến biển đi từ 2 – 3 ngày, ông thu về khoảng 30 triệu đồng. Mỗi tháng bạn tàu được chia từ 5 – 7 triệu đồng, thấp hơn so với năm ngoái bởi chi phí nhiên liệu hiện nay cho chuyến biển khá cao, trung bình phí tổn hơn 100 triệu đồng/tháng.

Do đó, ông hi vọng từ nay đến 7 âm lịch là thời điểm đánh bắt chính trong năm, thời tiết thuận lợi, ngư trường xuất hiện nhiều cá nổi như nục, bạc má, chỉ vàng, trích… sẽ giúp ngư dân có lãi nhiều hơn.

Ngư dân Nguyễn Phát Huy ở khu phố 5, phường Phú Hài cho biết, tháng trước hầu hết các tàu thuyền vươn khơi nhưng sản lượng đánh bắt chưa nhiều. Bước sang tháng 6, các tàu lần lượt vươn khơi và kỳ vọng khai thác đạt sản lượng khá, giá bán ổn định.

Giám sát chặt tàu cá

Theo Sở NN-PTNT Bình Thuận, trong 5 tháng đầu năm, toàn tỉnh khai thác thủy sản đạt gần 87.500 tấn, bằng 36,6% kế hoạch năm, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước.

Để khai thác thủy sản hiệu quả, ngành thủy sản tỉnh đã khuyến khích các chủ tàu khai thác xa bờ lắp đặt hệ thống bảo quản sản phẩm sau thu hoạch bằng bột xốp Polyuethane (PU) cũng như lót hầm tàu cá bằng inox để giảm hao tổn, bán thủy sản được giá.

Đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Đội tàu khai thác thủy sản của tỉnh Bình Thuận. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Chi cục Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phổ biến cho nhiều chủ tàu trong tỉnh mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học như đèn led, trang bị máy dò ngang, máy tời thủy lực, máy thông tin liên lạc tầm xa để nâng cao năng lực đánh bắt thủy sản. Bên cạnh đó, khuyến cáo ngư dân đánh bắt hải sản theo mô hình tổ đội, đoàn kết sản xuất trên biển và tăng cường các dịch vụ hậu cần nghề cá, giảm chi phí, tăng hiệu quả lao động.

Đến nay, tỉnh Bình Thuận có 132 tổ đoàn kết khai thác thủy sản gồm hơn 1.300 tàu, hơn 6.000 thuyền viên và 5 nghiệp đoàn nghề cá; 32 tàu dịch vụ hậu cần hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp và 17 tàu dưới hình thức hợp tác xã.

Ngoài khuyến khích ngư dân vươn khơi khai thác vụ cá Nam, tỉnh Bình Thuận cũng đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về phòng, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NN-PTNT vừa qua, ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết, việc ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đang được các đơn vị chức năng và địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, vừa tuyên truyền, vận động, vừa yêu cầu ký cam kết.

Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác thủy sản. Ảnh: MV.

Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực quản lý chặt chẽ đội tàu khai thác thủy sản. Ảnh: MV.

Song song đó, thường xuyên thống kê, lập danh sách đưa vào giám sát đặc biệt các tàu cá có nguy cơ cao và cử cán bộ, chiến sĩ, đảng viên trên địa bàn phụ trách theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 giờ tại Trung tâm Giám sát tàu cá để nhắc nhở chủ tàu duy trì tín hiệu thiết thị giám sát hành trình tàu cá khi hoạt động trên biển; cảnh báo, phát hiện tàu cá vượt ranh giới trên biển và yêu cầu kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tổ chức kiểm điểm tại cộng đồng và công khai rộng rãi.

Ngoài vụ việc 1 tàu cá bị Malaysia bắt giữ hồi đầu năm 2023 bị xử phạt 900 triệu đồng, đến nay Bình Thuận không phát sinh thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Tại buổi làm việc mới đây với tỉnh Bình Thuận, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT lưu ý Bình Thuận cần tiếp tục giám sát chặt chẽ đội tàu và tình trạng mất kết nối thiết bị giám sát hành hình trên biển, đặc biệt vào mùa cá Nam là thời điểm các tàu cá dễ vi phạm vùng biển nước ngoài.

Xem thêm
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Kiên Giang Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE giúp ngư dân hạn chế rủi ro, nâng cao sản lượng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.

Khám bệnh, tặng quà cho ngư dân Tiền Giang

Chương trình thực hiện nhiều hoạt động thiết thực tại tỉnh Tiền Giang như tặng quà cho 200 ngư dân, học bổng cho 200 thiếu nhi và khám chữa bệnh miễn phí 500 người dân.