Do đó, hầu hết ngư dân Bình Định nhân dịp này sửa chữa, cải hoán lại con tàu của mình để chuẩn bị cho những chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán nhằm đánh bắt hiệu quả hơn.
Cải tiến ngư lưới cụ
Toàn tỉnh Bình Định hiện có hơn 6.200 tàu cá, tổng công suất trên 1,8 triệu CV; trong đó, tàu cá công suất lớn, có chiều dài từ 15m trở lên có khoảng 2.900 chiếc chuyên đánh bắt xa bờ với các nghề câu cá ngừ đại dương và lưới vây đánh bắt cá ngừ sọc dưa, tạo việc làm cho khoảng 43.000 lao động trên biển.
Ngư lưới cụ của nghề lưới vây của ngư dân Bình Định đã được cải tiến |
Lão ngư Bùi Thanh Ninh (SN 1959) ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), người đang điều hành 1 tập đoàn tàu cá công suất lớn gồm 15 chiếc chuyên hành nghề lưới vây rút chì, cho biết: Nguồn lợi thủy sản ngoài biển xa ngày càng cạn kiệt, biển thường xuyên vắng cá. Cá càng ngày càng nhát nên thường lặn sâu dưới biển, không kéo nhau đi thành đàn trên cạn như trước đây. Do đó, đối với nghề lưới vây rút chì, nếu tàu nào vẫn sử dụng lưới có chiều sâu ngắn như trước đây thì khó mà có được những mẻ lưới đầy cá. Muốn đánh bắt được hiệu quả trong bối cảnh “biển đói” như hiện nay thì các tàu hành nghề lưới vây phải cải hoán tàu, thay đổi ngư lưới cụ cho phù hợp.
“Để chuẩn bị cho những chuyến biển trong năm mới 2019, nhất là những chuyến biển xuyên Tết Nguyên đán 2019, tôi đã cho cải hoán toàn bộ những tàu hành nghề lưới vây trong tập đoàn tàu cá 15 chiếc của mình. Trong đó, tôi đã cho thanh lý 4 tàu cá có chiều dài 18m cho những đồng nghiệp đánh bắt các nghề khác, thay vào đó là đóng mới 4 tàu công suất lớn hơn, có chiều dài từ 21 đến 23m, mỗi chiếc đầu tư trên 3 tỷ đồng, để có thể chở được tấm lưới to, có chiều sâu dài hơn nhằm đánh bắt hiệu quả trong tình hình khó khăn hiện nay”, lão ngư Bùi Thanh Ninh, chia sẻ.
Cũng theo lão ngư Bùi Thanh Ninh, trước đây, độ sâu tấm lưới của những chiếc tàu hành nghề lưới vây rút chỉ của ông chỉ chừng 80 – 90m, rộng khoảng 350m thì hiện nay độ sâu của lưới đã tăng đến 120 – 130m, rộng 600 – 700m. “Lưới thả càng sâu và chiều rộng càng lớn thì dễ đánh bắt được những đàn cá “nhát” đi dưới độ sâu của biển”, ngư dân Ninh phân tích.
Ngư dân Nguyễn Công Tý, thuyền trưởng tàu cá chuyên hành nghề lưới vây mang số hiệu BĐ 94439TS ở thôn Xuân Thạnh, xã Mỹ An (huyện Phù Mỹ), cho biết thêm: “Tấm lưới của tàu tôi đánh dài đến 600 sải, chiều đứng 70 sải. Để kéo được tấm lưới xuống sát biển, đáy lưới phải được gắn 120 khoen bằng đồng bọc chì, mỗi khoen nặng 10kg. Trọng lượng cả tấm lưới gần 7 tấn, trong đó riêng khoen nặng 1,2 tấn, lưới nặng 5 tấn, còn lại là dây cáp”.
Tiếp sức cho biển
Từ khi nghề lưới vây rút chì của ngư dân Bình Định cải tiến ngư lưới cụ, nghề đúc khoen inox – chì của anh Đào Tấn Minh ở khu vực Bả Canh, phường Đập Đá (TX An Nhơn) lập tức nổi đình nổi đám. Hàng loạt tàu nhỏ được cải hoán thành tàu lớn, tàu công suất lớn đóng mới nườm nượp, hầu hết là tàu hành nghề lưới vây. Tàu nhỏ nâng cấp thành tàu lớn thì lưới nhỏ phải đổi thành lưới lớn, khoen lưới cũng phải thay đổi theo. Do đó, cơ sở sản xuất khoen của anh Minh có đến hàng chục công nhân mà làm ngày làm đêm vẫn không đủ hàng cung ứng. “Với sự phát triển của nghề lưới vây bây giờ, đối với những tấm lưới lớn tôi phải làm đến 1,5 tấn khoen. Mỗi khoen nặng 15kg, vị chi là 100 khoen cho 1 tấm lưới”, anh Minh cho hay.
Trước đây, anh Minh vốn làm nghề đúc khoen bằng đồng. Nhưng trong những chuyến về biển gặp gỡ ngư dân để tìm hiểu, điều anh Minh nghe thường xuyên là những lời than thở của ngư dân chuyên làm nghề lưới vây về khoản chi phí làm khoen lưới bằng vật liệu đồng. Vậy là anh Minh tìm tòi, nghiên cứu sản xuất khoen bằng inox và chì để giảm chi phí cho ngư dân.
“Hiện nay, khoen làm bằng đồng có giá hơn 110.000 đ/kg, chì bọc bên ngoài có giá hơn 42.000 đ/kg. Từ khoản chênh lệch khá xa, tôi không ngừng trăn trở với ý nghĩ phải làm sao để giảm giá thành làm khoen cho ngư dân, mà chất lượng không kém đi. Sau nhiều nghiên cứu, tôi quyết định dùng vật liệu inox để làm khoen thay cho đồng”, anh Minh cho biết.
Những vòng khoen để kéo lưới xuống sát đáy biển đón cá |
Hiện sản phẩm khoen inox – chì cho nghề lưới vây rút chì của anh Minh có mặt hầu hết ở các vùng biển trên khắp cả nước, thế mà chưa bao giờ chủ nhân của nó phải nghe một lời phàn nàn nào của ngư dân. Anh Minh giải thích thêm: “Tôi dùng ống inox rỗng ruột quấn tròn, kích cỡ tương tự như vòng khoen làm bằng đồng bọc chì. Khi ngư dân mua vòng khoen, tôi bán kèm chì thỏi. Mang về, họ nấu chì đổ vào ruột vòng khoen inox, thế là tấm lưới của họ được gắn những vòng khoen có sức nặng tương tự khoen đồng, giá thành lại rẻ hơn một nửa, chất liệu inox lại bền hơn đồng. Đặc biệt, khi thả lưới xuống đáy biển, sự va chạm của các vòng khoen inox-chì không phát ra âm thanh to như vòng khoen bằng đồng nên lũ cá ít bị đánh động, không chạy tránh vùng lưới bủa”.
Theo tính toán của các ngư dân, 1 tấm lưới cỡ lớn phải làm đến 100 cái khoen, nặng 1,5 tấn. Với cái giá nói trên, nếu làm khoen bằng đồng thì phải mất đến 165 triệu đồng. Bây giờ làm khoen bằng inox-chì giá thành chỉ có 52.000 đ/kg, vị chi chỉ tốn khoảng 78 triệu đồng/100 khoen, giảm hơn một nửa chi phí so với trước đây.
Không chỉ sản xuất khoen, hiện anh Minh còn sản xuất nhiều ngư cụ khác của nghề biển. Không chỉ có tuýp, láp, cảo khoen cung ứng cho nghề lưới vây; đến cả đến poli, ròng rọc, nhông, tời trang bị cho các tàu cá được làm bằng các chất liệu nhôm, gang, đồng, chì… anh đều làm tất.
“Hiện nay, cá ngừ sọc dưa đang đứng ở mức giá 27.000đ – 28.000đ/kg, đây là cái giá khá cao, bên cạnh đó giá nhiên liệu giảm hơn nhiều so với năm 2018, mong cho mùa mưa bão nhanh qua để tôi cho 15 chiếc tàu của tôi đồng loạt mở cửa biển vươn khơi chuyến biển đầu năm mới, chuyến biển tiếp theo sẽ đánh bắt xuyên Tết Nguyên đán 2019”, lão ngư Bùi Thanh Ninh bày tỏ. |