| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân miền Tây vươn khơi bảo vệ chủ quyền

Thứ Sáu 10/08/2012 , 10:45 (GMT+7)

Từ nhiều năm nay, ngư dân ở một số tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL đã quen việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản ở các ngư trường trên vùng biển Tây.

Từ nhiều năm nay, ngư dân ở một số tỉnh ven biển khu vực ĐBSCL đã quen việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản ở các ngư trường trên vùng biển Tây. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đã có một số ngư dân mạnh dạn đầu tư thêm trang thiết bị, dụng cụ phục vụ khai thác… với số tiền lên đến hàng tỷ đồng để tham gia đánh bắt cá ở ngư trường nước sâu trên vùng biển Đông, thuộc quần đảo Trường Sa.

>> Sức trẻ trên biển cả
>> Đội tàu “khủng” của một ngư dân
>> Phải hiện đại tàu cá
>> Đóng tàu lớn vươn khơi
>> Tiếp sức ngư dân
>> Giữ ngư trường cho con cháu
>> Ngư dân không đơn độc
>> Ngư dân không nao núng

Tỉnh Cà Mau là địa phương có nhiều cửa biển lớn, thuận lợi cho việc ra khơi của ngư dân nên nghề biển phát triển rất mạnh. Riêng tại thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời hiện đã có đội tàu hùng hậu lên đến hơn 1.300 chiếc, trong đó số lượng tàu có công suất lớn, khai thác xa bờ trên 300 chiếc.

Đến thị trấn Sông Đốc vào những ngày này chúng tôi được nghe nhiều bà con ngư dân kể về ông Huỳnh Thanh Bình, một ngư dân dám bỏ ra số tiền hơn tỷ đồng để đầu tư dụng cụ đánh bắt ở vùng biển nước sâu thuộc biển Đông. Nhiều bà con khẳng định, đây là lần đầu tiên một ngư dân ở miền Tây làm được.

Tiếp chúng tôi, ông Bình hồ hởi kể về chuyến biển đầy thắng lợi. Ông cho biết, sau gần một tháng lênh đênh trên vùng biển ở các đảo thuộc khu vực Trường Sa ông thu hoạch được hơn 4 tấn cá ngừ đại dương, bán tại chỗ được trên 500 triệu đồng, sau khi đã trừ hết mọi chi phí, còn lãi hơn 200 triệu đồng. Ông Bình chia sẻ: “Đây là chuyến biển vô cùng thành công. Tuy nhiên, ở những ngày đầu ra khơi nhiều anh em ngư phủ cũng lo ngại vì tình hình trên biển Đông, nhưng tôi nói đó là vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế biển của nước mình thì mình đánh chứ có ăn cắp, ăn trộm của ai đâu mà sợ. Ra đến nơi đánh bắt, mọi chuyện diễn ra êm xuôi, anh em ngư phủ hăng hái tham gia đánh bắt không còn bận tâm chuyện gì khác”.

Ngư dân Phạm Văn Giới nói: “Từ trước đến giờ chỉ thấy cá ngừ đại dương trên ti vi, trên báo chứ chúng tôi chưa tận mắt nhìn thấy chúng. Lần này anh Bình mang về 10 con cá ngừ đại dương chiêu đãi anh em, bà con họ hàng để cho mọi người mở mang tầm mắt và hiểu biết thêm về nguồn lợi kinh tế biển của nước ta. Trong thời gian sắp tới, chắc chắn nhiều ngư dân ở thị trấn này cũng đầu tư ghe tàu tham gia đánh bắt ở các vùng biển nước sâu như anh Bình đã làm được”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Thanh Bình cho biết, trong thời gian sắp tới ông sẽ bỏ tiền đầu tư, cải tiến hệ thống lưới kéo, nâng cấp máy móc và các trang thiết bị cần thiết khác để tiếp tục cùng các ngư dân bám biển ở quần đảo Trường Sa. 

Tại Kiên Giang, địa phương có đội tàu lớn nhất cả nước hiện nay, nhiều ngư dân cũng đã đưa tàu ra khai thác trên vùng biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Ông Năm Dẫn (Dương Thế Dẫn) ở TP Rạch Giá, đang sở hữu 9 chiếc tàu thì có 4 chiếc công suất lớn làm nghề cào đôi đều thường xuyên có mặt trên biển Đông. Ông Năm Dẫn chia sẻ: “Biển Đông ngư trường rộng lớn, nước sâu nên tôm cá nhiều, đặc biệt là những loài có giá trị kinh tế cao. Chính nhờ vươn ra ngư trường này mà năm qua đội tàu của tui khai thác được trên 1.000 tấn cá các loại, lợi nhuận đạt trên 2 tỷ đồng”. Với thành tích này, năm 2011, ông Năm Dẫn đã vinh dự được Hội Nghề cá Việt Nam tặng danh hiệu “Chất lượng vàng thủy sản Việt Nam năm 2011”.

Ông Nguyễn Vân Thanh, Chủ tịch Hội Nghề Cá Kiên Giang cho biết, nhiều năm qua ngư dân Kiên Giang đã đầu tư đóng tàu công suất lớn để vươn ra xa, nhưng chủ yếu là ở phía nam biển Đông. Ngư dân Kiên Giang đã quen với nghề cào nên cũng không thể khai thác ở những vùng biển nước quá sâu. Bây giờ đã có ngư dân miền Tây dám mạnh dạn ra vùng nước sâu để câu cá ngừ đại dương mang lại hiệu quả cao. Chắc chắn điều này sẽ tác động đến suy nghĩ của các ngư dân khác trong định hướng đầu tư khai thác, để ngày càng vươn xa hơn, vừa có thu nhập tốt hơn vừa giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Để hỗ trợ cho ngư dân trong việc ra khơi đánh bắt, đặc biệt là ở những vùng biển xa, mới đây Liên đoàn Lao động tỉnh Kiên Giang đã thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá với 91 ngư dân ở TP Rạch Giá đăng ký tham gia. Bà Trần Thị Ái Nhân, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá hiện nay là rất cần thiết, vì người lao động trên biển thường gặp rất nhiều rủi ro như thiên tai, tai nạn trên biển, bị tàu nước ngoài bắt giữ… Khi tham gia vào nghiệp đoàn họ sẽ được bảo vệ tốt hơn, được hỗ trợ nếu không may gặp rủi ro”.

Ông Trần Minh Thống, Phó Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang nhấn mạnh: “Kiên Giang là tỉnh có ngư trường rộng lớn với trên 63 ngàn km2, có đội tàu khai thác hơn 11 ngàn chiếc với trên 82 ngàn lao động thường xuyên trên biển. Việc thành lập nghiệp đoàn nghề cá không chỉ tạo điều kiện phát triển kinh tế biển, ổn định đời sống ngư dân mà còn góp phần bảo vệ an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo của tổ quốc”.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Bình luận mới nhất