| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân TT- Huế ngao ngán tàu giã cào

Thứ Ba 22/08/2017 , 08:38 (GMT+7)

Gần đây, cuộc sống ngư dân vùng ven biển tỉnh Thừa Thiên - Huế trở nên vất vả, khó khăn khi họ phải đối mặt với tình trạng nhiều đội tàu giã cào các nơi khác tràn vào đánh bắt dưới hình thức “tận diệt” thủy, hải sản ven bờ, cũng như làm hư hỏng ngư lưới cụ của họ.

12-01-57_1
Tàu giã cào ngày đêm hoạt động trên vùng biển Phú Vang.

Tìm về vùng biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang vào một ngày giữa tháng 8, chúng tôi tận mắt chứng kiến cảnh rất nhiều thuyền, gọ, thúng đánh cá của bà con ngư dân ở đây phải nằm bờ. Nguyên nhân do nhiều tàu giã cào từ các tỉnh khác ngang nhiên đến khai thác thủy sản một cách tận diệt, đã làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản ven bờ, đồng thời còn phá hỏng ngư lưới cụ của người dân.

Dẫn tôi ra phía chiếc thuyền của mình đang nằm phơi trên bờ cát, ngư dân Nguyễn Rô (45 tuổi, thôn Trung An, Phú Diên) tỏ vẻ lo lắng: “Đầu năm 2013, vợ chồng tui vay mượn khắp nơi gần 40 triệu đồng để sắm ngư lưới cụ. Tuy nhiên, khi đang ăn nên, làm ra thì xuất hiện nhiều tàu giã cào công suất lớn đánh bắt gần bờ làm hỏng hết lưới cụ. Tui phải cho thuyền nằm bờ suốt một tuần nay”.

Được biết, không chỉ có gia đình anh Nguyễn Rô mà hàng chục ngư dân trên địa bàn thôn Trung An cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Hồ Luyến (thôn Trung An, Phú Diên) cho hay: “Gần 5 tháng nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 10 chiếc tàu giã cào ngoại tỉnh công suất lớn tập trung tại vùng biển địa phương đánh bắt hải sản. Nếu họ đánh bắt đàng hoàng thì mình không nói gì chứ đằng này, họ vừa đánh bắt tận diệt, vừa phá hỏng ngư lưới cụ, chúng tôi rất bức xúc”.

“Nhiều lần muốn ngăn chặn nhưng vì tàu của mình nhỏ quá không đối đầu lại được. Giờ chỉ hy vọng chính quyền vào cuộc, không để họ vì lợi ích cá nhân mà phá hoại môi trường biển, đồng thời để các tàu nhỏ có điều kiện khai thác hải sản, đảm bảo cuộc sống lâu dài”, ông Luyến cho biết thêm.

Trao đổi với ông Nguyễn Quang Dân, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, ông Dân cho biết: “Tàu giã cào hoành hành gần bờ đã ảnh hưởng rất lớn đến nghề đi biển của bà con. Các tàu, thuyền loại nhỏ của ngư dân địa phương không thể hoạt động được. Bà con trong xã đã phải vay mượn để sắm ngư lưới cụ, thế nhưng chưa làm được bao nhiêu thì bị tàu giã cào phá nát”.

12-01-57_3
Nhiều thuyền cá của ngư dân xã Phú Diên (Phú Vang) nằm bờ do tàu giã cào phá hỏng ngư lưới cụ.

Ông Dân cho biết thêm, thời gian qua, lực lượng biên phòng đã triển khai các biện pháp tuần tra, tuy nhiên các tàu giã cào hoạt động rất cảnh giác, khi thấy tàu của đơn vị chức năng từ xa thì liền bỏ chạy. Vì vậy, lực lượng biên phòng đang tìm cách để bắt được các tàu này và xử phạt thật nặng để có tính răn đe cao hơn.

Theo ông Nguyễn Văn Bôn, Trưởng phòng Thanh tra Pháp chế (Chi cục Thủy sản tỉnh), để xử lý triệt để tàu giã cào rất khó xử lý bởi phần lớn các tàu đều chống đối, thách thức, đe dọa, trong khi đó lực lượng chi cục rất mỏng. Còn ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh cho biết, lực lượng kiểm ngư chỉ có 7 người trong khi quản cả vùng biển quá rộng lớn.

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.