Lớn nhỏ đều bị hốt
Ông Nguyễn Thanh Rân, cán bộ phụ trách thủy sản xã Tam Tiến (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cho hay, toàn xã có 161 phương tiện đánh bắt trên biển, trong đó có đến 63 phương tiện hành nghề giã cào, đánh bắt bằng phương pháp thả ngư lưới cụ xuống đáy biển và rồi nổ máy cho tàu kéo. Cứ mỗi lần như vậy, san hô bị phá vỡ, hải sản to nhỏ… để nằm gọn trong lưới.
Theo ông Rân, từ năm 2014, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 28 về quy chế Quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, trong đó có nêu rõ việc không cấp phép cho tàu giã cào đóng mới, đồng thời tuyên truyền chuyển đổi nghề và quy định vùng đánh bắt.
“Quyết định đã hạn chế số tàu đóng mới trên địa bàn, trong gần 2 năm qua không có tàu đóng mới. Đây là một quyết định rất kịp thời, tuy nhiên chỉ mới bước đầu hạn chế số tàu đóng mới, để bà con chuyển đổi sang nghề khác là rất khó khăn”, ông Rân bày tỏ.
Mấy hôm nay, con tàu hành nghề giã cào của ngư dân Hồ Tăng Trấn (SN 1969, trú thôn Tân Bình Trung, xã Tam Tiến) hỏng máy nên phải phải neo ở âu thuyền Tam Tiến để cùng thợ máy từ Bình Định ra sửa chữa. Con tàu của ông Trấn có công suất 260 CV mang số hiệu QNa-90116TS được ông cùng 2 ngư dân khác hùn vốn mua lại cách đây khoảng 3 năm với số tiền hơn 800 triệu đồng.
Con tàu giã cào của ngư dân Hồ Tăng Trấn
Tàu giã cào công suất nhỏ của ông Nguyễn Hữu Pháp đánh bắt gần bờ
“Gia đình tôi có truyền thống đi tàu giã cào. Từ đời cha tôi đi rồi, đến đời tôi, con tôi cũng theo nghề giã cào. Con tàu của tôi là xác tàu thứ 7 hành nghề giã cào. Thông thường, tôi đi chuyến biển khoảng 7 ngày, mỗi chuyến biển như vậy, trừ chi phí cũng cho thu nhập khoảng 25 triệu đồng”, ông Trấn chia sẻ.
Khi được hỏi việc đánh bắt theo phương pháp giã cào có ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển tầng đáy không? Ông Trấn thẳng thắn thừa nhận là có ảnh hưởng, nhưng ông lý giải rằng biết làm sao chừ (?).
Để giảm sự tàn phá của phương pháp đánh bắt giã cào, ông Trấn dùng loại lưới có mắt to từ 10cm trở lên, chứ không dùng loại mắc lưới nhỏ; đồng thời ông cũng đánh bắt ở khu vực biển cách bờ tầm 40 - 50 hải lý. Nơi đó nước sâu 100m, để thả cào xuống đấy biển, ông nối thêm dây. Mỗi lần cào chừng 6 tiếng.
Triệt tiêu giã cào
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Nam cho biết, toàn tỉnh hiện có 201 tàu giã cào hoạt động. Từ năm 2014, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, quy định tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên khai thác thủy sản tại vùng khơi và vùng biển cả, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng lộng.
Một dụng cụ đưa xuống đáy biển để cào
Tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính từ 20 - 90CV khai thác thủy sản tại vùng lộng và vùng khơi, không được khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ và vùng biển cả.
Đối với tàu cá lắp máy có tổng công suất máy chính dưới 20 CV hoặc tàu không lắp máy khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ, không được khai thác thủy sản tại vùng lộng, vùng khơi và vùng biển cả.
Ông Tấn cho biết thêm, Sở NN-PTNT cũng đã lập quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Chủ trương chung là đẩy mạnh phát triển tàu công suất lớn (trên 90CV), hạn chế tàu công suất nhỏ và tiến tới xóa bỏ nghề giã cào.
“Quảng Nam đã thành lập đề án chuyển đổi nghề giã cào, đào tạo nghề và có chính sách hỗ trợ ngư dân. Đồng thời, cơ quan chức năng còn thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra; nếu phát hiện tàu vi phạm vùng đánh bắt gần bờ, giã cào dùng mắt lưới nhỏ thì xử phạt theo quy định. Sắp tới sẽ phân vùng bờ cho các địa phương quản lý...”, ông Tấn nói.