| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân uống nước nhiễm phèn nặng

Thứ Sáu 31/03/2023 , 11:41 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH_ Nhiều năm qua, ngư dân vùng biển bãi ngang huyện Lệ Thủy đã phải dùng nước sinh hoạt nhiễm phèn nặng…

Từ máy bơm xả ra một vòi nước nhìn bằng mắt thường cũng đã thấy màu ngà. Mùi hôi phèn bốc lên thật nặng. Ông Trần Kinh Trung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngư Thủy Bắc (huyện Lệ Thủy- Quảng Bình) cho hay: “ Khoảng mười năm trở lại đây, tình trạng nước sinh hoạt của bà con vùng biển bị nhiễm phèn ngày càng nặng hơn. Và chúng tôi chỉ biết động viên bà con đưa nước qua hệ thống lọc thủ công rồi dùng sinh hoạt hàng ngày”.

Nước khe, suối cũng khô cạn…

Vùng cát ven biển phía nam của tỉnh Quảng Bình nhiều năm trước được xem là nơi có lượng nước ngọt ngầm dồi dào và trong sạch do được lọc tự nhiên qua nhiều lớp cát dày. Ông Ngô Văn Bắc (một lão ngư đã ngót 80 tuổi)  cho hay “Cách đây chừng 20 năm, trên đồi cát ven biển mái đổ về biển luôn có những khe nước lớn. Ngay tại xã Ngư Thủy Bắc, có đến 5 khe nước lớn chảy từ đồi cát ra biển. Những khe nước ngọt mát này cung cấp cho người dân nước sinh họat hàng ngày. Nước chảy quanh năm và suối nào cũng sâu đến quá đầu gối người lớn và rộng hơn chục mét. Những gia đình ở xa suối thì đào giếng trên cát lấy nước dùng. Giếng chỉ đào sâu khoảng một mét là nước từ cát rịnh ra, đầy lên trong văn vắt, uống ngọt lịm. “Mọi người cứ nghĩ là nguồn nước ngọt mát này là vô tận và dùng không biết đến bao giờ hết”- ông Bắc bồi hồi nhớ lại.

Ngư dân vùng biển xã Ngư Thủy Bắc sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm phèn nặng. Ảnh: T.P

Ngư dân vùng biển xã Ngư Thủy Bắc sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm phèn nặng. Ảnh: T.P

Nhưng đến bây giờ, sau khoảng 20 năm, cả 5 con suối này dần cạn và dần biến mất chỉ để lại vết tích là những lằn sâu trên đồi cát. Có những con suối đã khô cạn, có suối chỉ có nước vào mùa mưa và lượng nước cũng chỉ chảy ri rỉ chứ không được nhiều. Ở một con suối lớn, khi dự án đường ven biển đi qua, thợ xây dựng đang đào hố móng xây cầu thì nước chảy ra cũng đã đổi màu ngà và váng dầu cứ nổi dềnh lên. “Cái khe này hồi trước đi một mình là không dám lội qua vì sợ nước cuốn trôi đó. Bữa nay thì cạn dòng quanh năm thôi”- ông Bắc nói.

Xã Ngư Thủy Bắc có 607 hộ dân đang dùng nước giếng khoan bị nhiễm phèn. Trong đó, hơn nửa số hộ bị nhiễm phèn nặng nên đối diện với rất nhiều khó khăn về nước sạch cho cuộc sống. Nhiều hộ gia đình phải mua nước đóng can 20 lít về để dùng cho bữa ăn. Một số gia đình có điều kiện kinh tế khá hơn thì mua máy lọc nước về sử dụng.. Gia đình ông Trần Văn Lịch dành dụm tiền mua cái máy lọc nước gần 5 triệu đồng. Ông Lịch cho hay: “ Nước từ giếng khoan bơm lên bể lọc thủ công (gồm cát sạn, than đá…), sau đó lấy nước đã lọc này đưa vào máy lọc nước. Tuy nhiên, chỉ một tuần sau là cọc lọc  đã bị tắc do phèn đóng cặn, phải thay lọc mới. Vì vậy tiền mua cọc lọc này cũng tốn kém lắm. Chắc cũng không dám dùng nữa”- ông Lịch nói.

22

Nước được bơm từ độ sâu trên 20 m bốc lên mùi hôi và có màu vàng nhạt. Ảnh: T.P

Tương tự như ở Ngư Thủy Bắc, người dân xã Ngư Thủy cũng gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sạch để dùng. Vốn sinh sống trên vùng cát từng được xem là nơi lý tưởng về nguồn nước ngầm tinh khiết song thời gian gần đây, nước ngọt khai thác trong lòng điệp trùng núi cát cũng bị nhiễm phèn đến mức báo động. Ông Nguyễn Hữu Hiền, Chủ tịch xã Ngư Thủy cho biết, toàn xã có gần 1.500 hộ dân, nhưng đã có quá nửa số hộ phản ánh nước sinh hoạt tự khai thác tại chỗ bị nhiễm phèn nặng. “Hiện nay bà con gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm nguồn nước hợp vệ sinh để dùng.

Trong khi đó, chính quyền chúng tôi cũng chưa có được giải pháp gì để hỗ trợ vì muốn có nguồn nước sạch thì phải có kinh phí rất lớn”- ông Hiền chia sẻ thêm.

Chúng tôi ghé vào gia đình chị Võ Thị Vĩnh (thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc), thấy trên sân nhà và bậc thềm lát đá nhưng bị chuyển sang màu sẩm tối. Chị Vĩnh giải thích: “Đó là do tôi lấy nước giếng bơm lên lau nhà. Ở bậc thềm và sân để nước ướt chứ không lau khô. Qua nhiều lần, phèn đóng lại thay đổi luôn màu gạch và bám chắc nên rất khó tẩy chùi được”.

Nước phèn, hôi cũng phải…dùng

Khi ở nhà ông Lịch, máy bơm đang bơm nước nên ông kéo vòi xả nước vào chậu nhôm. Khi chậu nhôm đầy nước thì màu trắng nước đã chuyển sang màu ngà và mùi phèn bốc lên rất khó chịu. Ông Lịch bảo khoảng 5 năm trở lại đây thì nước bơm lên là cảm nhận được mùi phèn. Trước đó thì dùng nước suối hay nước giếng là nước trong mát lắm. Tưởng chổ giếng khoan bị nhiễm nên ông Lịch kêu người khoan góc khác. Cứ vậy đến mủi khoan thứ 5 thì ông đành chịu. Giếng khoan ở độ sâu 15 mét đụng phèn, ông Lịch bảo thợ khoan gí sâu thêm đến 20 mét phèn vẫn nổi váng. Khoan sâu thêm đến độ sâu 20m đụng đá giàn mà phèn vẫn hoàn …phèn nên ông Lịch chấp nhận sống chung.

33

Phèn đóng trên tường do nước bơm bắn ra như một lớp sơn. Ảnh: T.P

Để thử, ông Lịch lấy ly thủy tinh rót đầy nước vừa bơm lên và cho nắm trà mạn vào. Một lúc sau, nước trong ly đã chuyển sang màu sẫm như pha cà phê. Ông Vĩnh lắc đầu: “Ghê chưa. Nước vậy mà bà con phải chấp nhận dùng đó chứ có phải nhà ai cũng có điều kiện mà mua nước can và máy lọc nước mô”.

Có phải mạch nước ngầm đã bị tụt?

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngư Thủy Bắc Trần Kim Trung cho biết, ở địa phương chưa có công trình cấp nước sạch tập trung mà bà con thường khoan giếng trong cát lấy nước để dùng. Thời gian gần đây, nguồn nước ngầm trong cát bị cạn kiệt và nhiễm phèn nặng đã ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. Bà con cũng hoang mang, lo sợ bị bệnh tật, nhất là lớp trẻ do sử dụng nước không bảo đảm chất lượng trong thời gian dài.

44

Khai thác mạch nước ngầm để phục vụ các dự án ở vùng cát. Ảnh: T.P

Theo nhiều ngư dân thì hiện mạch nước ngầm trong cát đã tụt thấp xuống 2-3 mét so với trước đây. Nước ngọt trong cát giảm xuống thì phèn bốc lên rất nhiều.

Thử tìm nguyên nhân nguồn nước ngầm sụt giảm, ông Trần Kim Trung cho rằng, cần phải có nghiên cứu khoa học, bài bản nhưng theo cảm nhận của ông, bên cạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu thì còn có thể do người dân nuôi cá nước ngọt đã khai thác nguồn nước ngầm một cách vô tội vạ, mạnh ai nấy khoan giếng, bơm nước mà không tuân thủ khuyến cáo của chính quyền và cơ quan chức năng. 

Theo ông Trần Th. một chuyên gia lĩnh vực chuyên ngành ở tỉnh Quảng Bình thì, dãy cát ven biển được phân chia chạy theo hai mái Đông- Tây. Mái phía Đông có những mạch nước ngầm, nước suuối chảy đổ ra biển. Mái phía Tây nước chảy đổ về làng mạc, khu dân cư ở  và theo suối ra sông Kiến Giang. Mạch nước ngầm ở mỗi mái được đảm bảo bằng lượng mưa hàng năm, được giữ lại trong cát bởi có sự che phủ của thảm thực vật, cây bản địa như rười, cỏ quăn và rừng phi lao. “Những năm gần đây, hệ sinh thái bị phá vỡ nhiều do đầu tư xây dựng hệ thống đường công tác của dự án điện gió, đường tránh lũ, các dự án xây dựng và sân “gôn”…của dự án FLC Quảng Bình. Thảm thực vật, cây bản địa và rừng phi lao phòng hộ ven biển bị triệt phá khá nhiều. Diện tích rừng ít ỏi còn lại thì không được bồi bổ, trồng thêm. Từ đó, góp phần không nhỏ cho việc tạo nên những vùng “tiểu sa mạc” trên vùng cát. Mất thảm thực vật và thêm việc khai thác mạch nước ngầm vô tội vạ của các dự án đã hút kiệt mạch nước ngầm nên bị tụt xuống  2-3 mét là điều không thể tránh khói. Có thể trong thời gian tới, mực nước ngầm còn tụt nhiều thêm”- ông Trần Th. nhìn nhận.

55

Mạch nước ngầm trên vùng cát được khai thác để sử dụng như nguồn vô tận. Ảnh: T.P

Cũng theo ông Trần Th., không chỉ mạch nước ngầm trên cát vùng biển Quảng Ninh, Lệ Thủy hướng đông bị tụt mà cả hướng tây cũng bị tương tự. “Nhiều con suối nước chảy như thác đổ ra sông Kiến Giang bây giờ cũng khô khốc. Đào cát dưới lòng suối  gần cả mét mới có cát ẩm”- ông Trần Th. nói thêm.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.