| Hotline: 0983.970.780

Ngừng cấp phép tàu ra khơi để ứng phó bão số 1

Thứ Hai 17/07/2023 , 11:33 (GMT+7)

QUẢNG NINH Người dân Quảng Ninh đang tích cực gia cố lồng bè, đảm bảo an toàn tài sản khi bão số 1 (TALIM) đến gần. Cùng với đó, tỉnh đã ngừng cấp phép tàu ra khơi.

Gia cố lồng bè ứng phó bão số 1

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào hồi 6h sáng ngày 17/7, bão số 1 ở vào khoảng 20 độ Vĩ Bắc, 113,3 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất 103-133 km/h, cấp 11-12, giật cấp 15.

Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc với tốc độ khoảng 15 km/h. Dự báo, khoảng chiều 17/7, Bắc vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh dần lên cấp 6 đến 7, sau tăng lên cấp 8 đến 9, vùng gần tâm bão cấp 10 đến 11, giật cấp 14. Biển động dữ dội.

Người dân nuôi trồng thủy sản trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh khẩn trương gia cố lồng bè phòng, chống bão TALIM. Ảnh: Cường Vũ.

Người dân nuôi trồng thủy sản trên vùng biển tỉnh Quảng Ninh khẩn trương gia cố lồng bè phòng, chống bão TALIM. Ảnh: Cường Vũ.

Ông Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, ngay sau khi có thông tin về bão TALIM, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung thông tin về diễn biến bão cho nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh bão và các hình thái thiên tai do ảnh hưởng của bão; rà soát lại số lượng tàu thuyền trên địa bàn tỉnh (đặc biệt là tàu xa bờ), giữ liên lạc thường xuyên với các phương tiện để thông tin về hướng di chuyển của bão để chủ động đi ra khỏi vùng nguy hiểm.

Đồng thời, tổ chức gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, di dời người lao động trên các lồng bè lên bờ. Toàn tỉnh có 14.500 ô lồng nuôi thủy sản, tất cả đã được triển khai gia cố, đưa người lên bờ từ chiều 16/7. 

Anh Phạm Văn Thường (huyện Vân Đồn) cho biết, ngay khi nhận được tin báo của lực lượng chức năng, gia đình đã huy động toàn bộ nhân viên nhanh chóng gia cố lồng bè nuôi cá song. "Do số lượng lồng lớn nên chúng tôi làm việc liên tục không nghỉ để tránh trường hợp xấu nhất có thể xảy ra khi bão về", anh Thường chia sẻ.

Ông Nguyễn Sỹ Bính (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) chia sẻ, mặc dù trang trại nuôi biển của HTX đang sử dụng vật liệu HDPE có thể chống chịu được với bão cấp 12 nhưng toàn bộ các thành viên trong HTX vẫn chủ động gia cố, không chủ quan trước bão gió, tránh thất thoát tài sản trên biển.

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ninh, khoảng 5 năm trở lại đây, các hộ nuôi biển trên địa bàn tỉnh không xảy ra tình trạng bị thiệt hại do mưa bão, vì người dân ý thức được việc bảo vệ tài sản khi bão đổ bộ bằng hành động cụ thể như gia cố lồng bè, chủ động đưa người lao động lên bờ để tránh bão, thường xuyên cập nhật tin tức về bão để chủ động phòng, chống bão.

Trong tối 16/7, Đồn Biên phòng Cô Tô đã tổ chức bắn pháo hiệu thông báo cho các chủ tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết và tìm nơi trú ẩn an toàn; đồng thời cảnh báo các tàu thuyền không ra khơi khi có mưa bão trên biển.

Lực lượng Biên phòng phối hợp với các cơ quan, đơn vị địa phương tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó với bão số 1. Đồng thời, duy trì trực đủ quân số 24/24h, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

Mặt khác, tổ chức đưa khách du lịch từ các khu du lịch biển về đất liền an toàn; sẵn sàng lực lượng, phương tiện thực hiện hỗ trợ, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tạm ngừng cấp phép tàu ra khơi

Báo cáo nhanh của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, tính đến 6h ngày 17/7, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 5.188 tàu/26.183 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động di chuyển vòng tránh. Hiện không còn tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm. Tuy nhiên, cần quan tâm đến các tàu nhỏ, tàu du lịch đi về trong ngày.

Đồn Biên phòng đảo Trần tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó với bão TALIM. Ảnh: Cường Vũ.

Đồn Biên phòng đảo Trần tuyên truyền, vận động người dân chủ động ứng phó với bão TALIM. Ảnh: Cường Vũ.

Để bảo đảm an toàn cho tàu thuyền đang hoạt động trên vùng biển Quảng Ninh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị Sở Giao thông vận tải, Cảng vụ hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ đường thủy nội địa, UBND các địa phương ven biển xem xét tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện thủy ra khơi (có thể xem xét, cho phép các tàu được chạy về nơi tránh trú và kết thúc công việc này trước 18 giờ ngày 17/7/2023); tạm ngừng cấp phép cho các phương tiện du lịch biển, lưu trú qua đêm tại các điểm du lịch trên biển. Thời gian tạm ngừng bắt đầu từ 15 giờ, ngày 17/7/2023.

Sáng 17/7, 231 tàu xa bờ đã về nơi neo đậu, tránh trú; 5.774 chiếc tàu gần bờ hoạt động ven bờ đã neo đậu tại các bến cá, vụng kín gió trong tỉnh; một số tàu đang hoạt động đã và đang về neo đậu tại các khu tránh trú, vùng kín gió trên địa bàn tỉnh và khu bến cá Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng).

"Đến thời điểm này, các địa phương và lực lượng vũ trang của tỉnh Quảng Ninh đã chuẩn bị lực lượng gồm: 1.228 cán bộ chiến sỹ và lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, 27 ô tô các loại, 12 tàu, 32 xuồng. Lực lượng hiệp đồng các đơn vị của Quân khu III, Bộ Quốc phòng với 1.435 cán bộ chiến sỹ, 41 ô tô, 8 tàu, 27 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ", ông Vũ Văn Diện cho biết.

Xem thêm
Việt Nam - Indonesia hợp tác thúc đẩy an ninh lương thực

Chiều 19/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan hội đàm với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Insdonesia Andi Amran Sulaiman.

Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi đoàn viên công tác nơi biên giới hải đảo

Ngày 17/5, Công đoàn Bộ NN-PTNT thăm hỏi, tặng quà đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại Công đoàn cơ sở thành viên Chi cục Kiểm ngư vùng V.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.