| Hotline: 0983.970.780

Người đàn bà vùng bãi mỗi năm bỏ túi 500-600 triệu đồng

Thứ Ba 15/12/2020 , 08:29 (GMT+7)

Chị là Đào Thị Chiến ở xóm Chí Thiện xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội.

Về làm dâu xứ này từ năm 1988 nhưng bởi đất đai chật hẹp, vợ chồng chị tuy cặm cụi làm ăn, lo toan cuộc sống nhưng mãi mà không khấm khá lên được. Hồi ấy, khi nghe ở vùng Diễn có giống bưởi quý, mỗi quả bán được 40-50.000đ tương đương cả nửa tạ thóc chị liền tìm đến tham quan, học hỏi kỹ thuật.

Nghiên cứu chán chê rồi chị mới bàn với chồng thuê lại 8.000m2 đất của 11 hộ dân trong làng để trồng cây ăn quả, trở thành gia đình đầu tiên của xã Sài Sơn di thực thành công cây bưởi Diễn đến vùng bãi sông Đáy.

Lúc đầu, lập trang trại chị chỉ dám trồng một nửa diện tích là bưởi còn một trồng đu đủ Đài Loan. Giống đu đủ ấy quả sai từ gốc đến ngọn, mỗi cây phải buộc ba chiếc cọc chống vì mỗi mùa cho tới 3-4 thúng.

Vụ đầu tiên bán quả lãi đủ để cho họ sắm một chiếc xe máy Dream Thái trị giá 33 triệu đồng-một tài sản rất to hồi ấy. Tuy năng suất cao nhưng giống đu đủ cao sản của Đài Loan chỉ cho thu hoạch hai vụ là tàn. Khi đã tàn thì không thể trồng lại được ngay mà phải chuyển sang đối tượng cây trồng mới vì trong đất đã có sẵn mầm bệnh.

Chị Chiến dùng các biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: NNVN.

Chị Chiến dùng các biện pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: NNVN.

Lần này chị quyết định trồng cam Canh-cũng là một loại cây đặc sản cho thu nhập rất khá, đầu ra thuận lợi nhưng đó đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc rất khó. Nếu không đáp ứng được cho nó dễ thành “cam bung” quả bị khô đã đành mà cây còn có sức đề kháng rất yếu, lắm sâu, nhiều bệnh nên tháng nào hầu như chị cũng phải đeo bình trên lưng đi phun thuốc đôi ba lần, rất độc hại. Do đó sau 4 năm trồng cam Canh chị quyết định phá bỏ hết để chuyên tâm cho cây bưởi Diễn.

Chồng chị làm cán bộ huyện, công việc khá bận rộn nên một mình chị đảm nhiệm hết cả vườn bưởi rộng gần 1 ha với 300 gốc từ phun thuốc, làm cỏ, bón phân chỉ trừ những lúc cắt tỉa hay thu hoạch mới phải thuê thêm người. Không chỉ thế, chị còn tiên phong trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất vào sản xuất. 4 năm về trước chị đã bắt đầu học thụ phấn bổ sung cho bưởi để tránh tình trạng mùa màng thụ động, phó mặc tất cho ông trời dẫn đến năm được, năm mất.

Khác với nhiều nơi dùng phấn của bưởi chua hay bưởi khác loại tuy cũng đậu quả nhưng chất lượng không được thơm ngon giống như nguyên bản, chị dùng chính phấn của bưởi Diễn để thụ. 2 năm về trước chị quyết định sản xuất theo định hướng hữu cơ, chỉ dùng thuốc sinh học, phân hữu cơ còn từ bỏ tất các loại hóa chất độc hại.

Chị kể, trước đây bản thân mình và một số bà con đã thử ngâm ngô, đậu để bón cho cây nhưng khổ nỗi rất nặng mùi. Từ khi có chuyên gia nông nghiệp về hướng dẫn, làm các mô hình thực nghiệm chị đã biết cách ủ phân với các loại chủng vi sinh giống như các cụ xưa ủ men rượu, rất hiệu quả mà mùi lại thơm tho. Chị còn tỉ mẩn chế dịch tưới dinh dưỡng thay cho bón kali hóa học để tăng độ ngọt cho quả.

Niềm vui được mùa. Ảnh: NNVN.

Niềm vui được mùa. Ảnh: NNVN.

Gần đến mùa thu hoạch, hai vợ chồng chị lại ngủ trong túp lều dựng ngay trong vườn bưởi để tiện cho việc trông coi. Thời kỳ cuối năm này, khách đến thăm ai cũng mê khu vườn bởi mỗi gốc bưởi như một cây bonsai khổng lồ với tán lá xanh thẫm, quả chín vàng ruộm trông rất thích mắt lại còn ngào ngạt mùi hương. Cây nào cây nấy đều được bàn tay người chăm cắt tỉa, hạ tán cẩn thận nên dù đều đã trên 20 năm tuổi nhưng khách vẫn có thể đứng ở ngay dưới đất với tay lên thu hái quả được.

Nhờ chất đất thịt, nhờ cách chăm sóc đặc biệt nên dù bưởi của chị mới trẩy xuống ăn đã ngon ngọt rồi, tôm giòn và ráo, không có vị the còn để chừng 10 ngày trở ra khi vỏ quả đã héo, bên trong đã xuống nước, chất lượng lại càng thêm tuyệt. Đã ngon lại sạch nên bưởi chị luôn được thương lái đặt mua buôn luôn cả vườn. Vườn bưởi Diễn 7-8 năm nay đều đều cho gia đình chị thu nhập 600-700 triệu trong đó tổng chi phí cả vụ bỏ ra không quá 50 triệu.

Sài Sơn là xã có diện tích cây ăn quả khá lớn, những mô hình trang trại như của chị Đào Thị Chiến đã tốt nhưng có lẽ sẽ còn hiệu quả hơn nếu chúng được tập hợp trong một HTX chuyên ngành. Bởi khi ấy họ có thể giảm được chi phí đầu vào, làm theo một quy trình kỹ thuật chung và cùng tìm kiếm thị trường, xây dựng nên thương hiệu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP chưa bắt kịp xu thế người tiêu dùng

ĐBSCL Giữa chủ thể OCOP và các đơn vị thương mại, siêu thị đã có buổi trao đổi về năng lực cung cầu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL.

Bình luận mới nhất