| Hotline: 0983.970.780

Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi Bái Thượng từ nguồn vốn vay ADB

Thứ Tư 06/12/2023 , 16:16 (GMT+7)

Thanh Hóa Đập Bái Thượng không chỉ là công trình mang dấu ấn lịch sử mà mà còn góp phần cấp nước sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, thủy điện, nuôi trồng thủy sản cho nhiều huyện.

Đảm bảo đời sống cho 3,6 triệu người dân 

Ông Khương Bá Luận băn khoăn mãi với ý nghĩ tìm lại lịch sử về đập Bái Thượng (Thọ Xuân, Thanh Hóa) mà chưa thể nào dứt ra được. Điều khiến ông tiếc nhất là hầu hết các tài liệu chép sử có liên quan tới con đập này chủ yếu thông qua truyền miệng.

Ông Luận thú thực, từ khi đảm nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu, ông đã kết nối với các nguồn tin tại Cục Văn thư lưu trữ nhà nước để tìm tài liệu về công trình thế kỷ này nhưng vẫn chưa có manh mối. Mục đích của ông là để thế hệ sau biết về giá trị lịch sử, kinh tế, xã hội hết sức lớn lao mà đập Bái Thượng đã mang lại.

Ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Khương Bá Luận, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu. Ảnh: Quốc Toản.

Dù là lớp người “hậu sinh khả úy”, nhưng hiểu biết về đập Bái Thượng khó ai qua được ông Luận. Theo lãnh đạo công ty, hơn nửa thế kỷ trở về trước, toàn bộ người dân vùng hạ lưu sông Chu chỉ sống nhờ cây lúa. Sản xuất nông nghiệp phó mặc cho ông trời, bởi vậy, chuyện lúa chết đỏ đồng vì khô hạn, hay ngập lụt vì mưa lũ xảy ra như... cơm bữa. Người nông dân quanh năm bán mặt cho đát, bán lưng cho trời vẫn không đủ ăn.

Những năm đầu của thế kỷ XX, để phục vụ cho chính sách khai thác thuộc địa, chính quyền thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng công trình thủy lợi ở thượng nguồn sông Chu mang tên đập Bái Thượng. “Nói đến đập đập Bái Thượng thì dân trong ngành thủy lợi hầu như ai cũng biết. Đây là hệ thống thủy lợi đầu tiên tại miền Trung và lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ. Công trình được người Pháp xây dựng trên sông Chu từ năm 1920, khánh thành năm 1926, sau đó được Toàn quyền Đông Dương bàn giao cho Sở Thủy nông Trung kỳ quản lý năm 1928. Đập Bái Thượng dài 160m, cao 20m bằng bê tông và hệ thống kênh đào dài tổng cộng hơn 100km”, ông Luận nhớ lại.

Đập thủy lợi Bái Thượng xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Đập thủy lợi Bái Thượng xã Xuân Bái, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Tuy nhiên, điều khiến ông Luận ấn tượng nhất đó là dấu ấn của Hoàng thân Xuphanuvông trên công trình thủy lợi kỳ vĩ này. Hoàng thân khi đó với vai trò là kỹ sư xây dựng cầu đường được phân công trực tiếp chỉ huy, xây dựng công trình đập Bái Thượng, kể cả đập tràn, cống 7 cửa và hệ thống sông Nông Giang dẫn nước xuống 6 huyện vùng đồng bằng và thành phố Thanh Hóa. Sự gắn bó của Hoàng thân với công trình khiến người dân địa phương gọi đập Bái Thượng là đập Xuphanuvông như một kỷ niệm để nhắc nhớ về sự đóng góp của ông với công trình và với vùng đất này.

“Đập Bái Thượng là công trình thủy lợi có vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa. Bởi vậy, năm 1952, thực dân Pháp ra sức bắn phá đập nhằm cắt đứt chi viện lương thực của vùng nam sông Chu đối với tiền tuyến.

Đập vỡ, nên suốt 2 năm 6 tháng, người dân Thanh Hóa phải vất vả chống hạn, chuyển từ trồng lúa sang trồng rau màu để duy trì cuộc sống. Tỉnh Thanh Hóa khi đó phải huy động hàng nghìn dân công, một trung đoàn bộ đội và hàng trăm thợ kỹ thuật tập trung tu sửa đập Bái Thượng và hệ thống nông giang trong một thời gian dài", ông Luận chia sẻ và cho biết thêm, phần hạng mục chính công trình hiện nay đã được tu sửa năm 1998, đồng thời công trình được giao cho Công ty TNHH Một thành viên Sông Chu chịu trách nhiệm quản lý, điều hành.

Ông Luận cho biết thêm, việc thiết kế và vận hành công trình đập Bái Thượng có tầm nhìn đi trước thời đại. “Lúc đầu đập Bái Thượng chỉ đề cập tưới nước cho 15 nghìn ha của huyện Thọ Xuân, nhưng kết thúc vào năm 1913 các kỹ sư người Pháp tính toán lại để nâng cấp công trình phục vụ tưới cho 70 nghìn héc-ta của hầu hết đồng bằng châu thổ Thanh Hoá (vùng hữu ngạn sông Chu). Nước có thể dẫn tới dải cát ven biển của Quảng Xương, ở phía Đông tỉnh Thanh Hoá, về phía Nam tận vùng sông Yên”.

Phát huy công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu

Theo tài liệu sử sách ghi lại, đầu thế kỷ XX đến những năm 1945, nhờ hệ thống thủy nông sông Chu trong đó có thủy lợi Bái Thượng, việc vận chuyển lương thực, lâm sản, hàng hóa được diễn ra thuận lợi. Với sự hấp dẫn của vùng đất cửa ngõ nối liền đồng bằng với trung du, miền núi (nơi có nhiều nông, lâm sản), thông qua hệ thống thủy lợi này, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XIX, Bái Thượng trở thành một trong những địa bàn trao đổi mua bán hàng hóa sôi nổi nhất nhất xứ Thanh.

Kết cấu tràn của đập thuộc loại tràn xả mặt dốc nước. 

Kết cấu tràn của đập thuộc loại tràn xả mặt dốc nước. 

Hiện nay, sau nhiều lần đầu tư, nâng cấp, hệ thống kênh chính của đập Bái Thượng dài 19,2km, nằm trên địa bàn huyện Thọ Xuân và chia thành hai kênh nhánh là kênh Bắc (dài 54km), kênh Nam dài 36km, 61 kênh cấp 2 dài 230km và hàng nghìn công trình trên kênh như cống điều tiết, cống tưới, cống tiêu, tràn bên, xiphông, cầu máng, cầu qua kênh.

Tuyến kênh dẫn qua 6 huyện (Thọ Xuân, Triệu Sơn, Đông Sơn, Quảng Xương, Thiệu Hóa, Nông Cống) và 2 thành phố (thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn) có nhiệm vụ cung nước cho 50 nghìn ha lúa, hoa màu.

Ông Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Bái Thượng cho biết, những năm gần đây, phong trào thâm canh tăng năng xuất trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả cao, trong đó đập Bái Thượng đóng vai trò như mạch máu truyền dẫn, quyết định tới sự thành bại trong sản xuất nông nghiệp của hàng triệu nông dân Thanh Hóa.

"Nhờ công trình này mà các địa phương đã mở rộng diện tích đất canh tác từ 20 nghìn đến 50 nghìn héc-ta. Kéo theo đó là sản lượng lương thực đạt và duy trì ổn định từ 1,5 đến 1,6 triệu tấn (quy thóc); đảm bảo nhu cầu đời sống cho hơn 3,6 triệu người dân trong tỉnh. Mấy mươi năm trở lại đây, công trình chưa bao giờ gián đoạn hoặc gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt của bà con”, ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, hiện nay, công trình đập Bái Thượng được Đảng và Nhà nước đầu tư theo đa mục tiêu. Ngoài việc cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công trình còn cấp nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt với lưu lượng 7,7m3/giây. Phía tả đập Bái Thượng đã xây dựng công trình thủy điện Bái Thượng, công suất 6MW, sản lượng thiết kế là 24,72 triệu kWh/năm, cung cấp điện ổn định cho sản xuất và sinh hoạt của hàng chục nghìn hộ dân quanh vùng. Ngoài ra, công trình còn cấp nước cho nhà máy giấy, nhà máy đường (khoảng 1 triệu m3/năm) và trở thành nguồn nước thô không thể thay thế cho Công ty nước Thanh Hóa (khoảng 20 triệu m3/năm).

Ông Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Bái Thượng. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Nguyễn Minh Hà, Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Bái Thượng. Ảnh: Quốc Toản.

Vai trò và ý nghĩa của đập Bái Thượng là vậy, thế nhưng điều khiến ông lo lắng nhất là hệ thống kênh thủy lợi đang bị ô nhiễm do ý thức của nhiều người dân chưa cao: “Tại kênh dẫn nước, vẫn còn tình trạng người dân xả rác, chất thải, thậm chí xác chết động vật xuống kênh dẫn gây ô nhiễm nguồn nước và ách tắc dòng chảy. Bên cạnh đó, hệ thống rào chắn bảo vệ kênh cần được đầu tư, nâng cấp, góp phần bảo vệ kênh dẫn trước tác động của con người và yếu tố khách quan khác...”.

Bà Nguyễn Thị Anh Nga, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa cho hay, việc tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi nói chung và hệ thống thủy lợi Bái Thượng nói riêng trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, phát triển kinh tế, xã hội nói chung, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

“Nhờ có các công trình thủy lợi, mà sản xuất nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đã từng bước phát triển theo hướng hàng hóa, quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị, phát huy được tiềm năng lợi thế của từng vùng”, bà Nga chia sẻ.

Bà Nga cho biết thêm: “Hiện nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Ban quản lý các công trình nông nghiệp chuẩn bị hồ sơ thủ tục đầu tư dự án hiện đại hoá hệ thống thuỷ lợi Bái Thượng thích ứng với biến đổi khí hậu bằng vốn vay của Ngân hàng ADB. Đây là dự án cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nước, giảm thất thoát, đảm bảo an toàn công trình và bổ sung nguồn nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản và cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho vùng hưởng lợi của dự án”.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Người ‘nắm giữ’ 14 sản phẩm OCOP

Quảng Bình Sau gần 8 năm đi vào hoạt động, Hợp tác xã Tuấn Linh đã sở hữu 14 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đạt chuẩn 3 sao trở lên…