| Hotline: 0983.970.780

Người dân khóc ròng vì mía mất mùa, mất giá

Thứ Ba 26/02/2019 , 07:05 (GMT+7)

Những cánh đồng mía bạt ngàn ở Quảng Ngãi quá kỳ thu hoạch ngày càng khô khốc khiến năng suất lẫn sản lượng giảm sút. Bên cạnh đó, giá mía hiện giảm gần 1 nửa so với mọi năm, bà con lâm vào tình trạng thua lỗ.

Biết vậy nhưng nhiều người vẫn chấp nhận cắn răng chặt bỏ thậm chí cho không để lấy đất chuyển qua canh tác các loại cây trồng khác.

15-06-29_1
Nhiều diện tích mía ở Quảng Ngãi đã khô héo, giảm sản lượng

Chưa năm nào, người nông dân ở Quảng Ngãi lại chán ngán với cây mía như năm nay. Đi khắp các ruộng mía từ các huyện Tư Nghĩa, Sơn Tịnh và TP Quảng Ngãi đều thấy những cái lắc đầu thất vọng của người dân mỗi khi nhắc đến loại cây này. Sau hơn 1 năm bỏ tiền đầu tư, công chăm sóc, bây giờ thành quả nhận được chỉ là công cốc, thậm chí thua lỗ nặng.

Đầu tháng 1/2018, gia đình anh Nguyễn Văn Hóa (39 tuổi, trú xã Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi) bỏ gần 100 triệu đồng để mua giống, phân bón và thuê người xuống giống hơn 2ha mía. Theo đúng thời vụ thì vào cuối tháng 11 âm lịch năm ngoái ruộng mía của anh sẽ cho thu hoạch. Thế nhưng, vào thời điểm đó, nhà máy mía đường Phổ Phong chưa hoạt động nên gia đình anh không biết bán cho ai, đành để vậy.

Đến nay, khi nhà máy bắt đầu hoạt động thu mua thì mía đã trễ vụ gần 2 tháng, nhiều diện tích bị khô cả gốc lẫn ngọn, năng suất giảm đi phân nửa. “Nếu thu hoạch đúng thời điểm thì mỗi sào sẽ cho khoảng 5 tấn nhưng bây giờ tôi chỉ thu được khoảng trên dưới 2,5 tấn. Mía để quá ngày nên chữ đường cũng giảm đi. Như ruộng mía của tôi cao nhất cũng chỉ có 7 chữ đường nên mỗi sào bán ra chỉ được khoảng 1 triệu đồng. Tính ra, vụ mía năm nay gia đình tôi lỗ trên 40 triệu đồng”, anh Hóa rầu rĩ.

Theo người trồng mía tại đây thì các năm trước, giá mía ở mức cao, khoảng 1 – 1,2 triệu đồng/tấn nên người dân có lãi và tiếp tục canh tác. Thế nhưng năm nay giá chỉ còn khoảng 700.000 đồng/tấn và năng suất lại giảm sút nên hầu như ai cũng thua lỗ. Tiền bán mía chỉ vừa đủ trả tiền công chặt chưa tính chi phí vận chuyển nên nhiều người còn cho không nhưng không ai dám lấy vì sợ phải bù thêm tiền.

15-06-29_2
Mỗi sào mía bán ra chỉ đủ tiền công chặt, nhiều hộ chấp nhận cho không nhưng cũng không ai lấy

“Càng thu hoạch thì càng thấy lỗ nên tôi cũng cho không 1 sào mía để lấy đất trồng cây khác. Vì ruộng nhà tôi cũng tiện đường vận chuyển nên họ còn lấy chứ nhiều ruộng khác đã cho mía rồi mà người chủ ruộng còn phải bù thêm tiền nữa”, anh Bùi Công Thịnh (39 tuổi, xã Tịnh Ấn Tây) cho biết.

Gia đình bà Đặng Thị Thu Thùy (47 tuổi, trú thôn Cộng Hòa 2, Tịnh Ấn Tây) thuê đất, ứng trước phân bón của nhà máy để đầu tư canh tác mía trên diện tích hơn 2ha. Vậy mà mía mất giá, năng suất giảm nên bà chấp nhận bán ruộng của mình với giá bèo bọt.

“Giờ mía khô héo hết, thu hoạch khó nên tiền công cao. Thấy thua lỗ nên tôi cũng chỉ thu hoạch một phần, phần khác cho không thậm chí phải bù thêm tiền chi phí vận chuyển nữa họ mới dám lấy. Tính ra năm nay gia đình tôi thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Trồng không có lãi, lại không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ thuê đất, mua phân bón của nhà máy nên tôi phải bán 1 lô đất để lấy tiền trả. Giờ chỉ muốn nhanh chóng thu hoạch cho xong để có đất mà trồng ngô, trồng đậu chứ mía thì chắc tôi không còn dám đụng đến nữa”, bà Thùy than thở.

Tại xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) cũng có hàng trăm hộ đứng ngồi không yên vì mía quá thời kỳ thu hoạch những vẫn chưa có người đến hỏi mua. Một số người do chờ lâu đã đốt mía để chuyển đổi qua canh tác hoa màu khác vào vụ sau, không còn mặn mà gì với cây mía.

15-06-29_3
Chặt bỏ chờ mía khô để đốt, chuyển qua canh tác cây trồng khác

Ông Phan Đình Thu (61 tuổi, trú thôn Thọ Lộc Đông, xã Tịnh Hà) cho biết, năm nay nhà máy thu mua mía của bà con rất trễ nên mía bị héo khô và hư hỏng gần hết. “Thu hoạch không không đủ tiền chi trả thuê nhân công đốn mía và tiền xe vận chuyển nên tôi cũng như nhiều bà con địa phương đành chặt bỏ, chờ mía khô để đốt lấy đất tỉa bắp, trồng đậu. Với tình trạng này thì chắc vụ sau chúng tôi sẽ chuyển qua trồng các loại cây khác chứ không còn muốn gắn bó với cây mía nữa.

Ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sơn Tịnh cho biết: “Trồng mía khoảng 1 năm mới thu hoạch nhưng giá thấp như thế thì nhiều người trồng thua lỗ. Do đó, chính quyền huyện mong muốn giảm diện tích mía chuyển đổi trồng cây khác để nâng cao hiệu quả kinh tế cho bà con”.

 

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 3] Phát triển trang trại, gia trại

Bắc Kạn Chăn nuôi ở Bắc Kạn chuyển dần từ nông hộ nhỏ lẻ sang quy mô trang trại, gia trại, huy động doanh nghiệp có tiềm lực xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.