| Hotline: 0983.970.780

Người dân miền núi Quảng Trị 'khát' nước sinh hoạt

Thứ Bảy 01/06/2019 , 07:37 (GMT+7)

Mới bước vào đầu mùa khô, chưa phải là cao điểm của mùa nắng hạn nhưng tình trạng thiếu nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất đã diễn ra khá trầm trọng tại địa bàn miền núi tỉnh Quảng Trị.

Đặc biệt, tại địa bàn 7 xã vùng Lìa dọc tuyến biên giới Việt - Lào thuộc địa bàn huyện Hướng Hóa hạn hán làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây.

Người dân miền núi Quảng Trị lấy nước từ khe suối để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày.

Những ngày này đi dọc tuyến đường dẫn vào vùng Lìa, hình ảnh dễ bắt gặp nhất là cảnh từng đoàn người rồng rắn với đủ các loại dụng cụ (loại can nhựa 5 – 10 lít) cùng nhau đi lấy nước từ các khe suối.

Cuộc sống của những người dân vùng cao vốn đã khó khăn ngay trong cái ăn, cái mặc hàng ngày nay lại càng vất vả hơn khi nguồn nước dùng cho sinh hoạt cũng đang dần khan hiếm. Có mặt tại xã A Xing, nơi được xem là tâm hạn của vùng Lìa, sau khi dẫn chúng tôi tìm hiểu thực tế đời sống sản xuất của bà con trên địa bàn, Chủ tịch UBND xã A Xing Hồ Văn Thuần nói như than thở: “Mùa khô năm nay đến sớm hơn mọi năm, mới qua tết hơn một tháng mà hạn hán đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.

Không chỉ nhiều diện tích sắn của bà con mới trồng bị chết khô, không thể phục hồi mà người dân trên địa bàn xã đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng”. Theo anh Thuần việc thiếu nước sinh hoạt đã diễn ra nhiều năm nay, tuy nhiên địa phương vẫn chưa có giải pháp nào khả thi để giải quyết vấn đề trên.

Hiện nay, để có nguồn nước sinh hoạt hàng ngày, không riêng gì người dân trên địa bàn xã A Xing, nhiều người dân khác ở địa bàn vùng Lìa như Thanh, Thuận, A Túc, Xy…đều phải lấy nước từ sông Sê Pôn hoặc các khe suối, giếng đào để sử dụng trong sinh hoạt.

Đang chắt chiu múc từng ca nước giữa cái nắng như thiêu đốt tại một giếng nước sâu chưa tới 1,2 mét, cạnh đập A Mo Rơ (xã A Xing, huyện Hướng Hóa), chị Hồ Thị Tho, người dân tộc Bru Vân Kiều cho biết: “Hàng ngày cử (tôi) đều phải đi bộ gần 2 km đến đây lấy nước, mỗi lần chừng 10 lít nước về phục vụ ăn uống cho cả gia đình 5 người.

Đây là nguồn nước duy nhất dùng cho cả 60 hộ dân của hai bản Cu Rông và A Máy nên nếu nhiều người đến lấy nước cùng lúc thì giếng sẽ cạn, lúc đó phải đợi rất lâu mới có nước lại. Dù rất mệt mỏi nhưng muốn có nước ăn uống thì phải chịu khó thôi…”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở vùng Lìa những năm gần đây thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia như 135, 134, xây dựng nông thôn mới, nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ nhiều giếng khoan, bể nước tự chảy cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho người dân được đầu tư xây dựng. Riêng tại xã A Xing đã có 36 giếng khoan cùng gần 30 bể nước tự chảy được đầu tư xây dựng trong thời gian từ năm 2007 đến nay.

Tuy nhiên, do công tác quản lý, sử dụng còn nhiều bất cập, hiện phần lớn bể nước tự chảy đã không còn hoạt động do hư hỏng, xuống cấp. Trong khi đó, do điều kiện địa chất, nguồn nước từ những giếng khoan bị nhiễm vô quá nặng nên dù có nước cũng không thể sử dụng trong ăn uống, tắm giặt được.

Tình trạng trên không chỉ xảy ra với người dân địa phương mà đối với nhiều cán bộ, giáo viên đang công tác ở vùng Lìa, vấn đề thiếu nước sinh hoạt cũng là nỗi lo canh cánh từ nhiều năm nay.

Chúng tôi ghé vào Trường Tiểu học và THCS A Xing (xã A Xing), nhiều thầy cô giáo ở đây cho biết họ đã sống chung với tình trạng khan hiếm nước sạch từ nhiều năm nay. Mặc dù nhà trường có đầu tư xây dựng bể chứa nước nhưng từ đầu năm đến nay công trình cấp nước này đã mất tác dụng do không có mưa.

Hai năm trước trường được đầu tư một giếng khoan, nhưng nguồn nước từ giếng khoan bị nhiễm vôi nặng nên giáo viên của trường không ai dám sử dụng nguồn nước này để ăn uống. Thầy giáo Nguyễn Hữu Quảng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Xing cho biết: “Được đầu tư giếng khoan tập thể giáo viên nhà trường rất vui mừng nhưng sau một thời gian sử dụng, thấy nguồn nước có hiện tượng lạ chúng tôi đem mẫu nước đi kiểm tra, kết quả chất lượng nước không đảm bảo do nồng độ vôi hóa vượt quá tỷ lệ cho phép.

Vì thế, để đảm bảo sức khỏe cho giáo viên nguồn nước từ giếng khoan này chúng tôi chỉ sử dụng để tắm giặt còn ăn uống thì phải mua nước đóng bình từ ngoài thị trấn đưa vào. Dù biết là dùng nước bình rất tốn kém nhưng đa số giáo viên ở đây không có sự lựa chọn nào khác”.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân cho biết: “Để khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên tại vùng Lìa, hiện nay huyện đang kêu gọi nguồn vốn khoảng 100 tỷ đồng đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước sinh hoạt với công suất 1.600m3/ngày, cung cấp nước sinh hoạt đạt chuẩn cho 2.700 hộ gia đình với 14.000 nhân khẩu trên địa bàn.

Vừa qua, UBND huyện đã có tờ trình gửi UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình các bộ, ngành trung ương quan tâm xem xét bố trí nguồn vốn để huyện sớm triển khai dự án trên”. Ông Vân cũng cho biết thêm, trước mắt, để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân, huyện đã cấp ngân sách để các đơn vị, địa phương tiến hành sửa chữa các công trình cấp nước trên địa bàn các xã vùng sâu, vùng xã nhất là các xã vùng Lìa.

Bên cạnh đó, huyện còn tận dụng nhiều nguồn vốn xã hội hóa hỗ trợ người dân đào các giếng khoan, cải tạo, xây mới các bể lọc nước giúp người dân có được nguồn nước đảm bảo vệ sinh dùng trong sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe, phòng tránh dịch bệnh do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn.     

Xem thêm
Thủ tướng nêu 3 nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch tỉnh Lạng Sơn

Thủ tướng Phạm Minh Chính khái quát 3 nhiệm vụ hết sức quan trọng với Lạng Sơn trong thực hiện quy hoạch tỉnh.

Phú Thọ thiệt hại khoảng 34,5 tỷ đồng do mưa dông

Ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ chịu thiệt hại vô cùng nặng nề khi hàng trăm ha lúa, ngô, chuối, rau màu... bị đổ ngã và không thể phục hồi.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai giám đốc sở chỉ đạo cứu lúa trên cánh đồng Mường Lò

Giám đốc hai Sở: NN-PTNT và Công thương tỉnh Yên Bái trực tiếp chỉ đạo chống hạn cho diện tích lúa tại cánh đồng Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ).

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm