Thực hiện đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, thời gian qua, chính quyền và người dân huyện Hướng Hóa đã chủ động triển khai có hiệu quả đề án, đến nay đã tái canh được gần 700 ha cà phê già cỗi từ nguồn hỗ trợ của ngân sách tỉnh, huyện, các tổ chức, dự án trong, ngoài nước và nguồn vốn đối ứng của người dân.
Nhiều chủ vườn cà phê ở Quảng Trị sử dụng cây giống không rõ nguồn gốc để tái canh. |
Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị, quá trình thực hiện đề án tái canh cà phê đã phát sinh nhiều bất cập như, nhiều diện tích cà phê tái canh từ nguồn cây giống không rõ nguồn gốc, chất lượng chưa được kiểm chứng, tiềm ẩn nhiều rủi ro khi người dân đưa vào sản xuất; thời gian cấp phát cây giống cho người dân còn chậm so với thời vụ trồng; một số người dân chưa có nhu cầu vẫn được đưa vào danh sách đăng ký tái canh...
Trước tình hình trên, để thực hiện thành công đề án tái canh và phát triển bền vững cây cà phê, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đề nghị huyện Hướng Hóa cần tăng cường công tác kiểm tra thực trạng các vườn tái canh trên địa bàn, rà soát, nắm bắt nhu cầu tái canh của người dân sát đúng với thực trạng, đồng thời tổ chức cung ứng cây giống đảm bảo nguồn gốc, tiêu chuẩn chất lượng theo đúng quy định, đảm bảo kịp thời vụ.
Tỉnh Quảng Trị hiện có khoảng 5.000ha cà phê, chủ yếu được trồng tập trung tại huyện miền núi Hướng Hóa. Đến nay, trên địa bàn tỉnh chỉ mới có 2 cơ sở vườn ươm giống tại các xã Hướng Phùng và Tân Hợp (huyện Hướng Hóa) được công nhận đủ điều kiện cung cấp giống cà phê đầu dòng đạt chuẩn.
Do đó, để đáp ứng nhu cầu tái canh, nhiều hộ nông dân đã sử dụng giống cây cà phê không rõ nguồn gốc, trôi nổi đưa vào sản xuất dẫn đến năng suất, chất lượng sản phẩm kém, tỷ lệ cây bị bệnh cao phải trồng đi, trồng lại nhiều lần, gây thiệt hại kinh tế…