| Hotline: 0983.970.780

Người dân Thủ Thiêm: Lập khu đô thị mới làm gì để dân khổ thế này?

Thứ Tư 04/12/2019 , 19:51 (GMT+7)

Chính quyền TP. HCM hứa rằng sẽ có kết luận sai phạm vụ Thủ Thiêm trước Tết Canh Tý. Và sau tết, người dân khu 4,3ha sẽ được được nhận đất bồi thường.

18-54-15_nh_1
Toàn cảnh KĐT mới Thủ Thiêm.

Nhưng người dân Thủ Thiêm vẫn như ngồi trên lửa khi tất cả mới chỉ là lời hứa.
 

Còn nguyên bức xúc

Tình đến nay, đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và cả chính quyền TP.HCM đã có gần chục cuộc tiếp xúc với người dân Thủ Thiêm, để lắng nghe và đưa ra những giải pháp. Đa số người dân Thủ Thiêm cuối cùng đều chấp nhận giải pháp mà TP.HCM đưa ra.

Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp bằng miệng, chưa có gì cụ thể. Sáng 4/12, đoàn ĐBQH, đơn vị số 7 và tổ đại biểu HĐND đơn vị số 2 do ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM làm trưởng đoàn, tiếp tục có buổi tiếp xúc cử tri quận 2.

Tại đây, không khí tiếp tục “nóng” như bao lần tiếp xúc trước. Họ đến và mặc những chiếc áo thun có in bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, sẵn sàng đứng lên làm “bản đồ sống” để minh họa. Và, họ vẫn bức xúc, vẫn nêu ra những câu hỏi đã từng hỏi nhiều lần.

“Chúng tôi đề nghị cần phải đưa ra ánh sáng những việc làm khuất tất của chính quyền thành phố với KĐT mới Thủ Thiêm, làm rõ sai phạm của những người nhân danh chính quyền địa phương, phá nát quy hoạch Thủ Thiêm, làm trái với quyết định của Chính phủ, đầy hàng trăm hộ dân vào đường cùng”. Đó là câu mà nhiều người dân khi được đứng lên phát biểu đã nói.

Ông Nguyễn Huy Hoàng, ở P. Bình An cho rằng, 160ha đất tái định cư cho người dân Thủ Thiêm, ngoài ranh KĐT mới Thủ Thiêm, đã bị thành phố giao đất không qua đấu giá cho 51 dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, văn phòng, khu vui chơi…

“Đề nghị trả lại đất này để làm đúng mục đích tái định cư cho người dân. Vấn đề Thủ Thiêm đến nay Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc và có nhiều văn bản chỉ rõ sai phạm, nhưng người dân chưa thấy thành phố vào cuộc để khắc phục. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần đưa vụ việc Thủ Thiêm vào diện theo dõi và chỉ đạo đặc biệt.

Thành phố làm đúng quy định của pháp luật thì người dân sẽ chấp hành. Nếu thực hiện đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng thì bà con ở đây không ai đi khiếu nại, sẽ là một đô thị phát triển, nhân văn chứ không phải như ngày hôm nay”, ông Hoàng phát biểu.

Được phát biểu, bà Nguyễn Thị Cẩm Mỹ ở P. An Lợi Đông vừa khóc vừa giơ cao xấp giấy tờ, nói: “Gia đình tôi có hơn 2.000m2 đất, trong đó có 540m2 thổ cư. Gia đình tôi có bằng khen gia đình văn hóa, mẹ liệt sĩ... vậy mà lúc giải tỏa họ bảo 'nhà không số' và không bồi thường, đẩy gia đình tôi vào đường cùng, không có nhà ở, con cái không được học hành. Lập khu đô thị mới làm gì để dân khổ thế này?”.

Bà Nguyễn Thị Thu Dung ở P. Bình Khánh nêu thắc mắc, không biết lý do vì sao đoàn ĐBQH TP đến giờ vẫn không đề đạt, đưa vấn đề Thủ Thiêm ra nghị trường Quốc hội để giúp cho người dân Thủ Thiêm. 
 

Hứa nhiều, nhưng…

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, đã báo cáo vấn đề Thủ Thiêm đến Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước. Ban Dân nguyện của Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của cử tri.

Những chủ nhân của KĐT mới Thủ Thiêm từ hàng chục năm nay phải sống trong những khu nhà tạm bợ.

“UBND quận 2 đã có sự chủ động, nhưng giải quyết vấn đề Thủ Thiêm thì cần thận trọng, không tái phạm sai sót và hiện chính quyền địa phương đang làm việc với các Bộ, ngành. Những vấn đề cử tri nêu sáng nay, tổ đại biểu đã tiếp nhận và đang tiếp tục giám sát. Đề nghị UBND quận 2 tiếp tục quan tâm điều kiện sống của người dân thuộc diện bị giải tỏa. Nhất là trong thời điểm cận tết, cơ quan chức năng phải làm sao giải quyết nhanh hơn nữa, nỗ lực hơn nữa”, ông Khuê nói.

Nói về lý do vụ Thủ Thiêm chưa được đưa ra nghị trường Quốc hội, ông Khuê cho biết ngay sau buổi tiếp xúc cử tri tháng 10/2019, Đoàn ĐBQH đã có văn bản chính thức gửi đến Ban dân nguyện về các bức xúc và yêu cầu của cử tri. “Không phải Đoàn ĐBQH không đề đạt, mà là quyết định thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau khi thảo luận và chọn lọc các vấn đề đang được quan tâm thì vụ Thủ Thiêm được xếp lại, chưa trả lời tại kỳ họp này”, ông Khuê thông tin.

Cũng theo ông Khuê, mới đây ông đã trao đổi với Trưởng ban Dân nguyện Quốc hội qua điện thoại, yêu cầu lập đoàn giám sát, cùng đại biểu của TP.HCM giám sát các vấn đề tại KĐT mới Thủ Thiêm. Trưởng ban Dân nguyện đã đồng ý và cho biết sẽ báo cáo Quốc hội về việc này.

Trước đó, ngày 3/12, trao đổi với báo chí, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, thủ tục điều chỉnh quy hoạch, mục đích sử dụng đất tại các khu đất dự kiến bố trí cho người dân Khu Công nghệ cao, quận 9 và khu 4,3ha ở Thủ Thiêm sẽ hoàn tất vào cuối tuần này. Dự kiến UBND TP.HCM sẽ tiến hành bàn giao nền đất cho người dân để sớm ổn định cuộc sống sau Tết Canh Tý.

Cũng theo ông Võ Văn Hoan, TP đang gấp rút chuẩn bị các thủ tục để giao đất đền bù cho người dân tại khu 4,3ha chịu ảnh hưởng bởi dự án KĐT mới Thủ Thiêm. Dự kiến, người dân nhận đất đền bù sau Tết Canh Tý.

Liên quan đến các sai phạm ở Thủ Thiêm, ngày 15/10/2019, trong buổi tiếp xúc cử tri các quận 1, 3 và 4, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM cho biết, sắp có kết luận cá nhân sai phạm ở Thủ Thiêm. “Kết luận về các cá nhân sai phạm ở Thủ Thiêm sẽ được trình Bộ Chính trị, Ban Bí tư trước Tết Nguyên đán.

Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng có đoàn công tác vào kiểm tra dấu hiệu vi phạm của các cựu lãnh đạo TP.HCM qua các nhiệm kỳ thực hiện dự án KĐT mới Thủ Thiêm. Nếu không có gì thay đổi, trước Tết Nguyên đán, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có kết luận trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị để thực hiện theo quy định của Đảng”, ông Quang nói.

Nói về những phát biểu này của lãnh đạo TP, ông Nguyễn Huy Hoàng, cư dân P. Bình An băn khoăn: “Tôi nhớ không lầm thì hồi đầu năm, chính quyền hứa là cuối tháng 9, giờ lại nói trước tết. Thực sự chúng tôi vẫn lo lắng lắm. Chỉ đến khi nào TP chính thức thông báo bắt đầu giải quyết, bắt đầu đền bù, và chúng tôi nhận được quyền lợi của mình, thì lúc ấy mới yên tâm được. Còn bây giờ, tất cả vẫn chỉ là lời hứa, nói miệng”.

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.