| Hotline: 0983.970.780

Người dân Thủ Thiêm: Chính quyền cần thực tâm trong việc sửa sai

Thứ Bảy 20/07/2019 , 18:55 (GMT+7)

Người dân Thủ Thiêm cho rằng họ sẽ tiếp tục khiếu kiện nếu như chính quyền không thực tâm trong việc sửa sai và chấp nhận bồi hoàn cho dân thỏa đáng.

Rất nhiều đơn kiến nghị của người dân Thủ Thiêm được gửi tới cơ quan chức năng.
 
Ngày 20/7, Ban tiếp xúc công dân quận 2 (TP.HCM) tiếp tục có buổi gặp gỡ người dân Thủ Thiêm để ban này lắng nghe, ghi nhận ý kiến, nguyện vọng của 331 hộ dân trong khu 4,39ha nằm ngoài ranh quy hoạch Khu ĐTM Thủ Thiêm.
 
Theo ông Nguyễn Phước Hưng, Chủ tịch UBND quận 2, TP.HCM, hiện quận đã gửi giấy mời đầy đủ cho người dân và sẽ gặp hết các hộ dân trước kia có nhà đất bị giải tỏa trong khu đất 4,3ha, kể cả các trường hợp đã nhận tiền và đang sinh sống ở nơi khác. 

Theo đó, UBND quận 2 sẽ tiếp người dân Thủ Thiêm trong 4 ngày: 19, 20, 22 và 23/7, sau đó sẽ có tờ trình lên HĐND TP. Bộ phận tiếp dân chia thành 3 tổ. Mỗi tổ được bố trí một số phòng riêng biệt, có cán bộ tiếp dân. Cứ mỗi đợt, quận sẽ tiếp vài người tương tự như lần tiếp xúc trước.

“Quận sẽ tiếp riêng từng hộ vì cần làm nhanh, trong tháng 7 phải hoàn thành việc tập hợp ý kiến của người dân trình Thành ủy xem xét hoàn chỉnh chính sách và tổ chức thực hiện”, ông Hưng nói.

Người dân kiên nhẫn đợi nộp đơn.
 
Cũng theo ông Hưng, Thông báo số 1483 của Thanh tra Chính phủ năm 2018 xác định khu đất 4,3ha nằm ngoài ranh quy hoạch dự án khu ĐTM Thủ Thiêm thuộc KP1, phường Bình An, quận 2, nhưng qua rà soát mới đây thì diện tích thực tế của khu đất này là 4,39 ha. Còn số hộ dân nằm ngoài ranh là 331 chứ không phải 221 như công bố ban đầu. Số hộ tăng thêm này thuộc các trường hợp được chia tách nhà thuộc sở hữu nhà nước trong khu cư xá trước thời điểm giải tỏa.

Tuy nhiên, điều người dân cần rõ ràng hiện nay là cần có một tấm bản đồ, chỉ rõ ranh giới chi tiết khu đất 4,39ha này “trong ranh, ngoài ranh” khu quy hoạch để người dân nắm, nhưng chưa thấy. Vì vậy, hàng trăm người dân đã kéo đến trụ sở tiếp công dân quận 2 để gửi đơn khiếu nại.

Nói về tấm bản đồ chỉ ranh quy hoạch này, ông Nguyễn Văn Thạch, ngụ KP.1, phường Bình An cho rằng, việc quan trọng nhất là phải xác định cho được ranh của khu đất ngoài quy hoạch. Có một số văn bản có thể xác định chính xác vấn đề này. Đó là văn bản số 561 và 507 của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín trả lời người dân. Ngoài ra, văn bản UBND quận 2 do Phó Chủ tịch Thái Thị Hạnh trả lời cho Chi bộ khu phố 1 nói rõ tổng số nhà đất lấy thêm vào là 357 hộ. Thực tế, tôi đối chiếu lại bản đồ và kiểm đếm thì có tới 367 hộ.

“Nếu sắp tới chính quyền vẫn không trả lời rõ ràng chuyện trong ranh, ngoài ranh thì về lý, người dân được quyền trở về nơi cũ dựng lại nhà. Chính quyền cần thực tâm trong việc sửa sai và chấp nhận bồi hoàn cho dân thỏa đáng, nếu không, rất khó có được sự đồng thuận của dân và nếu không làm rõ những nội dung khiếu nại, người dân sẽ tiếp tục đi khiếu kiện”, ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, ngoài thu hồi số tiền “thất thoát”, cần phải kiểm toán chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án và công khai danh sách, số tiền bồi thường hỗ trợ của từng trường hợp cụ thể để làm rõ tiền bồi thường có bị thất thoát hay không...

Người dân mang theo rất nhiều hồ sơ liên quan làm bằng chứng.
 
Nói về khu 4,3ha (sau xác định lại là 4,39ha) được xác định ngoài ranh quy hoạch, thuộc phường Bình An, ông Thạch cho biết khi kiểm đếm thì số trường hợp bị giải tỏa oan sai nhiều hơn so với con số TP.HCM đã công bố. Hiện nay, ông vẫn lưu giữ danh sách từng hộ. Số hộ dân mà chính quyền TP.HCM đưa ra, chỉ bao gồm các dãy nhà bên trong, chưa tính các căn hộ ở vị trí mặt tiền đường Lương Định Của.

Xem thêm
Kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Trương Hòa Bình; khiển trách bà Trương Thị Mai

Ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Trương Thị Mai, ông Trương Hòa Bình đã có những vi phạm, khuyết điểm bị Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.