| Hotline: 0983.970.780

Phương án đền bù nào khả thi cho những sai phạm ở Thủ Thiêm?

Thứ Bảy 24/08/2019 , 09:10 (GMT+7)

Buổi họp báo có cái tên khá dài “Triển khai kế hoạch của UBND TP thực hiện kết luận 1037 của Thanh tra Chính phủ liên quan tới khu đô thị mới Thủ Thiêm” diễn ra hai giờ đồng hồ vào cuối buổi chiều 14/8 đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông cả nước.

11-18-57_hop_bo_thu_thiem
Ông Võ Văn Hoan, chủ trì buổi họp báo.

Buổi họp báo được ấn định thời gian bắt đầu lúc 16h, nhưng hàng trăm phóng viên đã có mặt tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị Quận 2 trước nhiều tiếng đồng hồ. Chưa kể, nhiều người viết facebook nổi tiếng dù không có thư mời, vẫn tích cực dự phần với không ít thiện chí về sự công bằng thời hội nhập.

Được sự ủy quyền của Chủ tịch UBND TPHCM - Nguyễn Thành Phong, ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì họp báo cùng nhiều quan chức các đơn vị như Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Chủ tịch UBND quận 2, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng Thủ Thiêm… Tinh thần chung của giới truyền thông là ghi nhận những giải bày và cả những… than thở của những vị lãnh đạo có mặt, chứ mọi thắc mắc cụ thể thì có đặt câu hỏi cũng không ai trả lời rành mạch được.

Về mặt chủ trường, khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là một trung tâm mới, hiện đại của TP.HCM, với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và quốc tế. Thế nhưng, qua hai thập kỷ đưa vùng đất màu mỡ bên kia sông Sài Gòn vào những dự án lớn nhỏ, thì rất nhiều ngổn ngang và rắc rối đã hiển lộ. Đương đầu hết đợt thanh tra nọ đến đợt khiếu nại kia, những người có trách nhiệm ở đô thị sầm uất nhất phương Nam đã có được kinh nghiệm ứng phó hữu hiệu.

Một lần nữa, đại diện UBND TPHCM khẳng định: Việc phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm không nhằm mục tiêu kinh doanh bất động sản và đạt lợi nhuận từ việc khai thác đất. Thay vào đó, phần lớn diện tích đất được ưu tiên để xây dựng các công trình công cộng, dịch vụ mà trung tâm thành phố còn thiếu và hạn chế phát triển như: quảng trường trung tâm, công viên bờ sông, trung tâm tài chính, trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế; Cung thiếu nhi, Lâm viên sinh thái… Với diện tích đất quy hoạch trung tâm Khu đô thị mới Thủ Thiêm là 657 ha, phần diện tích đất khai thác thương mại chỉ chiếm khoảng 194 ha (tỷ lệ 29,58%).

Thực tế, các công trình phục vụ dân sinh vẫn quá khiêm tốn, nếu so với những khu biệt thự cao cấp và những khu cao ốc văn phòng đã nằm trong tay các đại gia bất động sản. Thậm chí, kế hoạch đáng mong đợi nhất là thiết kế một trung tâm hành chính mới tại Thủ Thiêm để thay thế trụ sở UBND TPHCM đưa vào bảo tồn di sản kiến trúc, cũng chỉ còn là… mơ ước xa vời. Đã qua quá nhiều chữ ký của quá nhiều thế hệ lãnh đạo, nên đòi hỏi trách nhiệm cá nhân rất phức tạp. Ai cũng thấy mình đúng, chỉ có lòng tin của cộng đồng là… sai.

Vấn đề nổi cộm nhất cần phải giải quyết ngay ở Thủ Thiêm chính là phần đất của người dân bỗng dưng bị giải tỏa một cách phi lý. Nói cách khác, đó là phần đất 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng cũng lọt vào… quy hoạch của những kẻ cơ hội biết lợi dụng chính sách để bắt nạt những mảnh đời thân cô thế cô.

Ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh: “Nếu đo đúng 4,3 ha thì có một phần hộ dân bị thiệt thòi, vì vậy thành phố chọn phương án đảm bảo an toàn, xác định khoảng 4,39 ha. Chúng tôi lấy tim của 3 con đường để xác định ra con số 4,39 ha. Quan điểm của thành phố rõ ràng, đó là không để người dân chịu thiệt thòi. UBND Q.2 đã chuẩn bị, đã làm việc từng hộ dân để tạo ra sự đồng thuận.

Khi TP.HCM làm, thì càng làm càng thấy phức tạp, đất này đất ngoài ranh thì phải đền bù cho dân, làm sao giá bồi thường của ngày hôm nay, chứ không phải giá của mười mấy năm trước. Nếu áp dụng giá thị trường thả nổi không kiểm soát, thì vô chừng; đứng về phía quản lý nhà nước, thành phố không thể làm được, bởi bồi thường là phải có cơ sở pháp luật, tìm cách có lợi cho dân, không thể dựa vào giá thị trường (nhà đất) thả nổi. Cuối tháng này thông qua chính sách bồi thường đầy đủ, đây là chính sách rất tốt, thể hiện áp dụng một hệ số quy đổi có lợi cho người dân”.

Nếu cam kết ấy được thực hiện, thì theo đúng trình tự, UBND TP HCM sẽ báo cáo Thành ủy trước khi trình Hội đồng nhân dân TPHCM thảo luận và thống nhất bằng nghị quyết. Cuộc họp gần nhất của Hội đồng nhân dân TPHCM dự kiến khai mạc ngày 20/8/2019, liệu có kịp thông qua phương án đền bù cho người dân bị ảnh hưởng bởi 4,39 ha ngoài ranh quy hoạch không, vẫn là câu chuyện đầy hồi hộp.

Ở đời, không ai muốn cuộc sống bị xáo trộn. Phải an cư mới có thể lạc nghiệp. Nỗi cay đắng và bẽ bàng của người dân thuộc khu vực 4,39 ha bị giải tỏa oan uổng kia, để lại nhiều di họa khủng khiếp. Hàng ngàn con người ngỡ được thụ hưởng chút ít từ những phác thảo hoa lệ của khu đô thị mới Thủ Thiêm, đột nhiên phải gánh chịu cảnh tan nhà mất cửa, lưu lạc thân nhân, ly tán láng giềng, nước mắt khóc than, uất ức tranh kiện…

11-18-57_kdt_thu_thiem_hom_ny
Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Bao nhiêu tiền bạc mới đủ để đền bù cho nỗi thống khổ và niềm chua xót kia? UBND TPHCM cũng xác định không thể nào có khả năng “bồi thường thiệt hại vô hình” cho người dân Thủ Thiêm, nên ông Võ Văn Hoan xoa dịu bằng những ngôn từ phân bua: "Thành phố rất chia sẻ. Tuy nhiên giải quyết vấn đề này thế nào quá khó, cũng mong bà con chia sẻ”.

Người dân Thủ Thiêm vốn lam lũ và hiền lành, họ luôn ủng hộ những chiến lược phát triển đô thị. Thế nhưng, những ai gây ra vụ bê bối quản lý siêu dự án Thủ Thiêm khiến họ phiền não tinh thần và lao đao sinh kế, thì cũng cần phải được xử lý rõ ràng. Đó mới là một sự đền bù thỏa đáng, vừa đúng với pháp luật vừa hợp với đạo lý.

Điều mong mỏi đơn giản nhưng lại không đơn giản, vì ông Võ Văn Hoan cho rằng: “Do qua nhiều thời kỳ, có người không còn công tác, một số người ở xa. Các sở, ngành đang triển khai việc kiểm điểm, đến 30/9/2019 phải có kết quả báo cáo UBND TPHCM. Trung ương cũng đang xem xét vai trò, trách nhiệm cụ thể của từng cựu lãnh đạo TPHCM theo diện trung ương quản lý liên quan đến sai phạm ở Thủ Thiêm”.

(Kiến thức gia đình số 34)

Xem thêm
Tổng Bí thư tiếp Đại sứ Úc Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt

Chiều 23/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski đến chào từ biệt, kết thúc nhiệm kỳ công tác.

Xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD, kỳ vọng vào 2025

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD năm 2024, kỳ vọng tăng trưởng tốt hơn trong năm 2025.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.