| Hotline: 0983.970.780

Người dân là chủ thể và nội lực của chuyển đổi số

Chủ Nhật 20/08/2023 , 21:57 (GMT+7)

Hướng tới xây dựng nông thôn thông minh, Thái Nguyên xác định người dân là trung tâm trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.

Trong lúc tham dự Hội thảo “Giải pháp công nghệ thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử” do Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên tổ chức, ông Ngô Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã nuôi hươu Hội Cựu chiến binh Trọng Hùng vẫn kiểm tra tình hình sản xuất tại trang trại của hợp tác xã (HTX) nhờ hệ thống máy quay được kết tối trực tuyến tới điện thoại cá nhân.

Chị Nguyễn Thị Như Trang (thứ ba từ phải sang), Giám đốc HTX Trà Sơn Dung giới thiệu sản phẩm chè tới các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Quang Linh.

Chị Nguyễn Thị Như Trang (thứ ba từ phải sang), Giám đốc HTX Trà Sơn Dung giới thiệu sản phẩm chè tới các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Quang Linh.

Ông Hùng cho biết, HTX ngày càng mở rộng sản xuất quy mô lớn, bản thân là lãnh đạo HTX nên cũng nhiều việc nên không thể lúc nào cũng có mặt tại trang trại để kiểm tra hoạt động sản xuất. Do vậy, HTX đã lắp đặt hệ thông máy quay kết nối với điện thoại thông minh để giúp các thành viên linh động thời gian sản xuất. 

Hình ảnh trên của ông Hùng đã khắc họa rõ nét sự chuyển dịch phương thức sản xuất, quản lý của nông dân Thái Nguyên trong thời kỳ bùng nổ chuyển đổi số, mà trong đó nông dân là chủ thể và nội lực. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho rằng, chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới không chỉ từng bước hình thành nông thôn thông minh, mà còn tiến tới xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Hiện nay, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã mở rộng nhiều nội dung thực hiện, đòi nguồn lực lớn hơn về kinh tế - xã hội để triển khai.

Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số để giảm tải thủ tục hành chính, gia tăng hiệu quả sản xuất và nâng cao mức sống của người dân đang là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh Thái Nguyên đang triển khai. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

"Để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới phải lấy người dân làm trung tâm, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng, ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực. Từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân nông thôn chủ động áp dụng chuyển đổi số”, ông Trần Nho Hưởng cho hay.

Hợp tác xã nông nghiệp khi chuyển đổi số không chỉ tạo nên một cuộc cách mạng trong cách sản xuất nông sản, mà còn đang xây dựng một cộng đồng nông dân thông minh, kết nối, và bền vững, góp phần đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của nông thôn.

Một trong những giải pháp quan trọng là xây dựng và phát triển hệ thống quản lý thông tin nông nghiệp bằng cách sử dụng các phần mềm và ứng dụng quản lý nông trại, HTX có thể theo dõi mọi khía cạnh của quá trình sản xuất, từ lịch trình làm việc cho đến sử dụng nguyên liệu và giám sát hiệu suất. Điều này giúp hợp tác xã tối ưu hóa tài nguyên và đảm bảo sản phẩm cuối cùng đạt chuẩn chất lượng.

Đến nay, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành việc xây dựng Hệ thống phần mềm Quản lý chất lượng nông sản - Thái Nguyên, hiện đang trong quá trình triển khai, tập huấn, hướng dẫn cán bộ, doanh nghiệp và người dân cài đặt.

Khi đi vào hoạt động ổn định, hệ thống sẽ giúp cơ quan quản lý, các địa phương quản lý tốt các sản phẩm nông sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp người tiêu dùng lựa chọn được thực phẩm chất lượng cao, an toàn.

Theo chị Nguyễn Thị Như Trang, Giám đốc HTX Trà Sơn Dung, hậu hết các HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã ứng dụng những thành tựu của chuyển đổi số vào tiêu thụ, liên kết chuỗi sản xuất. Nhờ đó, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương đã đa dạng phương thức tiếp thị và nâng cao hình ảnh tới người tiêu dùng.

Tuy nhiên, để thành công trong việc chuyển đổi số, HTX nông nghiệp cần đảm bảo có đủ kiến thức về công nghệ và đủ nguồn lực để đầu tư vào cơ sở hạ tầng số. Ngoài ra, việc đảm bảo bảo mật thông tin là một yếu tố quan trọng để ngăn chặn các rủi ro liên quan đến lừa đảo và vi phạm quyền riêng tư. Hợp tác xã cần đào tạo nhân viên về sử dụng công nghệ.

Do đó, đại diện HTX Trà Sơn Dung mong muốn các cơ quan chuyên môn tổ chức đào tạo cho nông dân về cách sử dụng công nghệ, cách bảo mật thông tin, và cách ứng phó với các tình huống xảy ra liên quan đến an toàn thông tin. Điều này giúp cả hợp tác xã và nhân viên hiểu rõ các nguy cơ tiềm tàng và biết cách bảo vệ thông tin quan trọng.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Huyện Châu Đức có thêm 12 sản phẩm OCOP

BÀ RỊA - VŨNG TÀU Mới đây, huyện Châu Đức đã công bố và trao quyết định công nhận cho 12 sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của địa phương.