Tỉnh Lào Cai hiện có 1.051 công trình cấp nước tập trung nông thôn, được đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau. Trong đó, 874 công trình đang hoạt động, chiếm trên 83% tổng số công trình. Cùng với đó, toàn tỉnh còn có trên 50.000 công trình cấp nước nhỏ lẻ, như mạch lần, giếng đào... đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, nhất là các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Việc duy tu hằng năm được tỉnh Lào Cai chú trọng, bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện bảo dưỡng, đảm bảo các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung và nhỏ lẻ hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, khuyến khích người dân vừa sử dụng vừa có ý thức giữ gìn, chủ động khắc phục, sửa chữa những hư hỏng nhỏ.
Một số công trình do được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp, tuy nhiên khi chưa bố trí được kinh phí sửa chữa, nhiều nơi người dân đã tự góp công, góp sức… để khắc phục. Đồng thời, thành lập tổ tự quản để duy trì hoạt động của công trình nước phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Một trong số xã làm tốt mô hình này là xã Thái Niên của huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Là xã miền núi có nhiều dân tộc sinh sống, trình độ dân trí còn hạn chế, có sự chênh lệch trình độ giữa các dân tộc, các phong tục tập quán còn nặng nề. Tại đây, người dân còn gặp nhiều khó khăn, giao thông đi lại chưa thuận lợi.
Tuy nhiên, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM của xã đã triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện và trách nhiệm tham gia của người dân để hoàn thành các tiêu chí. Trong đó, tiêu chí nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân trên địa bàn được chính quyền xã quan tâm.
Anh Giàng Seo Vu – thôn Lạng, xã Thái Niên cho hay, trước đây gia đình cũng như người dân trong thôn sử dụng nước suối, khe, biết không đảm bảo vệ sinh nhưng không có nguồn nước nào khác thay thế. Có thời điểm vào mùa hè, nước khe cạn kiệt, gia đình còn không có nước mà sử dụng. Thế nhưng từ khi công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân ở thôn đi vào hoạt động, gia đình anh đã có nước hợp vệ sinh để yên tâm sử dụng hằng ngày.
Con cái anh cũng như những đứa trẻ trong thôn không còn bị mắc bệnh mẩn ngứa, đau mắt như trước kia nữa. Cả thôn yên tâm hơn khi cuộc sống được chính quyền địa phương quan tâm từ những việc nhỏ nhất như là nước sinh hoạt hằng ngày.
Hiện nay, nguồn nước của thôn Lạng được dẫn về từ bể đầu nguồn cách thôn tới 2km. Mỗi lần xảy ra trục trặc về cấp nước, một tổ duy tu, bảo dưỡng của thôn có mặt xử lý sự cố ngay.
Tổ này có 3 người luân phiên nhau đi kiểm tra đường ống, vệ sinh bể chứa, duy trì nguồn cung đều đặn nước sinh hoạt tới mỗi hộ gia đình. Họ cũng chỉ là những người nông dân, có chút hiểu biết về kỹ thuật nước cơ bản và được người dân tín nhiệm nên nhận trọng trách này.
Ông Phan Tiến Chức – Trưởng thôn Lạng cho biết, khoảng 90 hộ dân trong thôn hiện đang được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh và để duy trì nguồn nước này chúng tôi đã nỗ lực sửa chữa, duy tu bảo trì các công trình nước để phục vụ người dân. Hiện nay, ở thôn Lạng thu 2.000 đồng/m3 nước. Số tiền hằng tháng không đáng là bao tuy nhiên việc thu này để người dân có ý thức hơn trong việc tiết kiệm nước sinh hoạt để mọi người cung có nước để dùng đặc biệt là vào mùa hè, nắng nóng khi nước đầu nguồn ở nhiều nơi không có hoặc có rất ít.
Thôn vùng cao Mom Đào địa hình núi cao, hiểm trở cũng thuộc xã Thái Niên. Thôn chỉ có 30 hộ dân sinh sống. Công trình nước sinh hoạt tại thôn này được đầu tư từ lâu nay đã xuống cấp, đường ống nhiều chỗ đứt gãy. Thế nhưng, các hộ dân tại đây không thiếu nước sinh hoạt bởi ý thức được trách nhiệm chung khi xảy ra sự cố về nước, người dân sẵn sàng bỏ sức, bỏ công cùng nhau sửa chữa, khắc phục…
Bí thư Đảng ủy xã Thái Niên Lê Thị Thuỳ cho biết, mặc dù nhiều công trình nước đã được đầu tư từ lâu nhưng đến nay cơ bản vẫn hoạt động ổn định cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh đủ cho người dân sử dụng. Có được điều này là nhờ việc tập trung trong công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa và quản lý vận hành công trình cấp nước sinh hoạt hiện có.
Ngoài ra, hằng năm, đảng uỷ xã chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng nước, kịp thời phát hiện công trình có nguồn nước bị ô nhiễm để có giải pháp xử lý, đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân.