| Hotline: 0983.970.780

Người dân vùng cao Thạch An thu tiền tỷ từ cây hồi

Thứ Tư 25/08/2021 , 09:00 (GMT+7)

Cây hồi là cây trồng chủ lực của huyện Thạch An (Cao Bằng), đã giúp người dân giảm nghèo hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt địa phương.

Đổi thay từ trồng hồi

Xã Vân Trình là địa phương trồng nhiều hồi nhất huyện Thạch An, tập trung tại các xóm: Bản Cắn, Bản Muồng, Lũng Mằn... Thông qua các dự án, Chương trình 135 và 30a hỗ trợ cây, con giống nông, lâm nghiệp phục vụ phát triển sản xuất, người dân có điều kiện mở rộng diện tích trồng hồi qua từng năm.

Bà Nông Thị Hà, Chủ tịch UBND xã Vân Trình thông tin: Hiện nay, xã có 467 ha cây hồi, trong đó gần 400 ha đã cho thu hoạch, sản lượng năm nay ước đạt hơn 1.300 tấn, tổng thu từ cây hồi năm nay ước đạt hơn 40 tỷ đồng. Thời gian tới, xã vẫn tiếp tục vận động người dân chuyển đổi diện tích các loại cây lâm nghiệm kém hiệu quả khác sang trồng hồi để tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Việc bán hoa hồi rất thuận lợi, hoa hồi khô có giá 120 - 150 nghìn đồng/kg, hoa hồi tươi có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Ảnh: Toán Nguyễn.

Việc bán hoa hồi rất thuận lợi, hoa hồi khô có giá 120 - 150 nghìn đồng/kg, hoa hồi tươi có giá từ 35.000 - 45.000 đồng/kg. Ảnh: Toán Nguyễn.

Việc trồng hồi cũng đem lại thu nhập khá cao cho người dân ở xã Vân Trình, ví dụ như gia đình ông Đinh Văn Hợi, xóm Bản Muồn, xã Vân Trình. Từ vài nghìn m2 ban đầu được thu hoạch có giá trị cao, nên đã chuyển đổi đất đồi đang trồng cây khác sang trồng hồi, đến nay tổng diện tích là hơn 3 ha.

Ông Hợi phấn khởi nói: Năm nay hoa hồi được mùa, được giá ổn định hơn so với mọi năm. Gia đình tôi dự kiến thu khoảng 6 - 7 tấn hồi, thu nhập khoảng 200 triệu đồng. Nhờ trồng hồi, gia đình tôi có kinh tế khá ổn định so với trồng các loại cây trồng khác.

Thời điểm tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, là thời gian vào vụ thu hoạch hoa hồi của người dân. Ảnh: Công Hải.

Thời điểm tháng 7 đến tháng 8 hàng năm, là thời gian vào vụ thu hoạch hoa hồi của người dân. Ảnh: Công Hải.

Cây hồi thành cây mũi nhọn 

Hoa hồi được thu hoạch vào tháng 7 - 8, những năm qua việc tiêu thụ ở huyện Thạch An nói riêng và trên địa bàn tỉnh Cao Bằng diễn ra thuận lợi, người dân thu hoạch đến đâu là bán hết đến đó. Hoa hồi có thể bán bằng nhiều cách, tư thương đến tận nhà mua, hoặc người dân mang ra các chợ phiên, các điểm thu mua trong ở các xóm và các trục đường đều có, rất thuận lợi. Giá hoa hồi năm nay tương đối ổn định, đối với hoa hồi khô có giá 120 - 150 nghìn đồng/kg; giá hoa hồi tươi dao động từ 35.000 - 45.000 đồng/kg.

Theo đánh giá, chất lượng hoa hồi năm nay tương đối tốt, người dân đã không còn tình trạng hái hoa hồi non dẫn đến giá trị kinh tế thấp. Sản phẩm hoa hồi được tư thương thu mua vận chuyển sang Trung Quốc hoặc một số tỉnh khác tiêu thụ. Năm nay không có tình trạng ứ đọng hoa hồi, sản phẩm đều được thu mua hết và không bị ép giá.

Nhận thấy cây hồi cho thu hoạch có giá trị cao, nhiều người dân ở huyện Thạch An chủ động mở rộng diện tích trông cây hồi. Ảnh: Công Hải.

Nhận thấy cây hồi cho thu hoạch có giá trị cao, nhiều người dân ở huyện Thạch An chủ động mở rộng diện tích trông cây hồi. Ảnh: Công Hải.

Nhận thấy hồi là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền huyện Thạch An đưa cây hồi vào chiến lược phát triển kinh tế của huyện, định hướng trở thành cây trồng mũi nhọn giảm nghèo tại địa phương qua nhiều nhiệm kỳ Đảng bộ huyện. Hiện nay, huyện Thạch An có 2.560 ha hồi, tập trung tại các xã: Vân Trình, Đức Xuân, Lê Lai, Thụy Hùng, Đức Long, Quang Trọng, thị trấn Đông Khê,…

Ông Vũ Đức Thiện, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Thạch An cho biết: Sản lượng hồi thu hoạch hằng năm trung bình đạt 3.500 tấn. Mỗi năm, cây hồi đem lại tổng thu nhập hơn 100 tỷ đồng cho người dân. Từ trồng hồi, nhiều hộ gia đình trồng ít cũng có thu nhập từ 20 - 30 triệu đồng/năm, có rất nhiều hộ dân có thu nhập từ 100 - hơn 200 triệu đồng/năm.

Cũng theo ông Thiện, huyện Thạch An xác định hồi là cây sản xuất hàng hóa chủ lực, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế trong xây dựng nông thôn. Thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ trồng hồi thực hiện tốt việc chăm sóc để cây phát triển tốt hơn, chất lượng hoa hồi cao hơn,… qua đó đem lại hiệu quả thu hoạch sản phẩm cao hơn, giá cả ổn định hơn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất