| Hotline: 0983.970.780

Tìm lại vị thế cây mía

Những tỷ phú trên cánh đồng lớn

Thứ Tư 20/03/2024 , 10:20 (GMT+7)

THANH HÓA Tích tụ đất đai, hình thành cánh đồng lớn và áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía đã giúp nhiều hộ dân trong tỉnh Thanh Hóa trở thành tỷ phú.

1.

Lão Chế năm nay đã 65 tuổi nhưng vẫn làm quần quật cả ngày lẫn đêm. Đồng đất quê lão (xã Cẩm Vân, Cẩm Thủy, Thanh Hóa) có năm ngập tới bụng con trâu, dân chỉ trồng được 1 vụ lúa, nhưng phải ăn dè cả năm. Khi người dân bỏ ruộng, lão bàn với chính quyền địa phương thuê lại đất để làm cánh đồng mẫu lớn. Lão chủ trì họp các tổ liên gia trong xã, đề xuất phương án thuê đất cũng khá cảm quan. Đất xấu lão thuê với giá từ 200 - 300 nghìn đồng/sào/năm (sào 500m2), còn đất tốt lão sẵn sàng trả đến tiền triệu. Lão sòng phẳng đến mức trả "tiền tươi thóc thật" cho thời gian thuê từ 5 - 10 năm.

Ông Trần Ngọc Chế đầu tư hàng loạt máy móc để thâm canh mía nguyên liệu tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản. 

Ông Trần Ngọc Chế đầu tư hàng loạt máy móc để thâm canh mía nguyên liệu tại xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản. 

Bài liên quan

Có đất, lão thuê máy móc, huy động con cái giúp sức cải tạo hệ thống thủy lợi dài cả chục cây số phục vụ bơm, tiêu nước cho cánh đồng mía. Sau hơn chục năm miệt mài dồn điền, đổi thửa, lão đã có cho mình 40ha đất trồng mía chuyên canh. Lão coi đó là sản nghiệp lớn nhất đời mình.

Ban đầu, sau khi tích tụ đất, lão tính đến chuyện trồng lúa chất lượng cao, nuôi bò sinh sản nhưng sau cùng lại đổi ý. Lão lý luận như thể khẳng định lựa chọn của lão là đúng đắn: “Nuôi bò nếu gặp rủi ro thì rất lâu để lấy lại vốn. Nếu làm lúa ở cánh đồng mẫu lớn thì chỉ cần lụt một trận là mất cả chì lẫn chài. Còn cây mía có sức chịu đựng tốt nên có thể thích ứng được với thời tiết nắng hạn hoặc mưa dài ngày. Vả lại, làm mía không phải chạy vạy đầu ra mà được nhà máy đường thu mua tận nơi, trả tiền ngay tại đầu bờ nên thu nhập cũng ổn định”.

Diện tích mía của lão lớn, nhưng nếu lấy công làm lãi bao giờ mới giàu? Bởi vậy, lão quyết định vay mượn ngân hàng mua máy làm đất, máy trồng mía, áp dụng cơ giới hóa đồng bộ. Lão bảo: “Một sào mía nếu dùng cơ giới hóa chỉ tốn 200 nghìn đồng tiền dầu máy, nhưng nếu làm thủ công phải chi phí tới cả triệu đồng. Đã làm lớn phải chấp nhận tốn kém chi phí đầu tư ban đầu”.

Ông Trần Ngọc Chế có khoảng 40ha mía, mỗi năm cho sản lượng khoảng 4.000 tấn mía nguyên liệu. Ảnh: Văn Hùng.

Ông Trần Ngọc Chế có khoảng 40ha mía, mỗi năm cho sản lượng khoảng 4.000 tấn mía nguyên liệu. Ảnh: Văn Hùng.

Bài liên quan

Mặc dù có diện tích mía lớn nhất xã Cẩm Vân, nhưng lão vẫn chưa thấy thỏa mãn. Năm ngoái, lão rong ruổi sang tận thị trấn Quý Lộc (huyện Yên Định) tìm đất trồng mía. Dân làng nói lão có vấn đề về thần kinh, tự dưng đi thuê 3ha đất ở cánh đồng trũng để trồng mía. Vậy nhưng chỉ sau vài năm cải tạo, bồi đất, làm thủy lợi, diện tích "đất chết” đã hồi sinh.

Lão dẫn chúng tôi tham quan đồng mía rồi tự mình tuốt lá, vuốt ve thân mía, trông có vẻ hứng thú: “Nhìn cây mía bụ bẫm không cần ăn cơm cũng khỏe người ra”. Nay, lão đang chuyển đổi dần sang trồng mía chất lượng cao. Nhà máy đường ra điều kiện mía của lão phải đạt năng suất 100 tấn/ha mới có giá cao. Lão sẵn máy móc, nhân lực, đồng đất trong tay nên quyết trong nốt nhạc.

2.

Bài liên quan

Sau nhiều năm làm mía, lão Chế nhận được tín nhiệm của Nhà máy đường Lam Sơn nên việc vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất khá thuận lợi. Lão vừa làm vừa tích lũy. Đến nay, lão có hàng chục con máy cỡ bự toàn tiền tỷ, mạnh gấp hạng chục lần so với đàn trâu trong xã. Năm nay, lão trúng vụ mía với giá cao nên mua thêm 2 ô tô chở để chủ động cung ứng mía cho nhà máy khi vào vụ và hỗ trợ nông dân vận chuyển mía, vật tư.

Lão chỉ cực mỗi khi mùa mưa bão tới. Hằng năm, lão phải ra đồng ngủ với mía vài tháng để còn tiện việc cứu mía khi ngập úng. Lão chăm mía còn hơn chăm con mọn. Lão đợi đến khi mía có lóng mới yên tâm về nhà. Năm ngoái lão sắm cho mình 2 máy bơm công suất lớn để tưới, tiêu cho thuận tiện.

Ông Chế đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm máy móc phục vụ trồng mía. Ảnh: Quốc Toản.

Ông Chế đầu tư hàng tỷ đồng để mua sắm máy móc phục vụ trồng mía. Ảnh: Quốc Toản.

Bài liên quan

Lão bảo: Nghề trồng mía không phải cứ mang lý thuyết ra áp dụng là thành công. Lão học trồng mía chủ yếu thông qua kinh nghiệm và tích lũy kiến thức thông qua các lớp tập huấn huấn, hội thảo... Trong quá trình canh tác, chăm sóc mía, không phải cái gì sách vở cũng dạy. Lão dẫn chứng, có năm mía bị bọ cánh cứng tấn công gây thiệt hại cả chục ha. Lão phải thức trắng đêm để nghĩ cách cứu mía. Lão học người ta, đổ dầu xuống rãnh nước, thắp điện sáng trưng cả cánh đồng để dẫn dụ bọ đến. Bọ bay tới chưa kịp tấn công mía đã chết vì bị bó cánh khi rơi xuống nước. Bởi vậy mía của lão được cứu.

Lão nhấn mạnh nguyên tắc, trồng mía nhất định phải cày sâu bừa kĩ, xử lý đất trước khi trồng. Ngoài ra, để mía cho năng suất cao, nhất thiết phải chọn được giống tốt. Trước khi trồng phải xử lý hom mía vào nước vôi để loại bỏ các mầm bệnh. 

Lão có cách làm giống khá khoa học. Lão không thể sản xuất giống nên phải mua từ tỉnh ngoài. Có lần lão vào tận Nghệ An để mua 200 tấn giống, nhưng tiền giống, công vận chuyển khiến lão tiêu tốn khá nhiều. Lão nghĩ ra cách tự nhân giống bằng việc trồng thử nghiệm vài ha ở khu vực riêng biệt, nếu mía phát triển tốt thì nhân giống đại trà cho vụ sau. Sau khi nhân giống thành công, lão đã tiết kiệm được cả trăm triệu đồng. Ngoài ra, lão còn cấp giống cho các hộ dân lân cận, trung bình khoảng 40 tấn giống/hộ/vụ.

Toàn bộ các khâu trồng mía đều được cơ giới hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Toàn bộ các khâu trồng mía đều được cơ giới hóa. Ảnh: Quốc Toản.

Lão trải qua thăng trầm của nghề mía, nhưng chưa bao giờ thấy chán. Nhiều người khuyên lão nên thành lập doanh nghiệp để làm ăn lớn nhưng lão có tính “ăn chắc mặc bền” nên còn lưỡng lự. Lão bảo, sức lão chắc chỉ trụ được vài năm nữa nên sẽ nhường lại việc này cho 4 người con đang nối nghiệp lão. Lão bảo, bây giờ có thể tự tin “nghỉ hưu”, giao lại sản nghiệp cho con cái.

Nhờ cơ giới hóa đồng bộ, mỗi năm, ông Chế thu hoạch đạt khoảng 4.000 tấn mía nguyên liệu, đem lại cho gia đình ông doanh thu hơn 4 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu lãi gần 2 tỷ đồng/vụ. Gia đình ông Chế cũng là một trong số ít hộ dân tại tỉnh Thanh Hóa tiên phong trong việc đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm máy móc, phương tiện để trồng mía thâm canh trên diện tích lớn, mang lại hiệu quả cao.

3.

Ở huyện Thọ Xuân -  “thủ phủ” mía đường xứ Thanh, lão Đường (xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân ) có thâm niên trồng mía gần 30 năm nay. Từ vùng đất pha cát khô cằn, lão đã biến nơi đây trở nên trù phú.

Ông Đào Văn Đường ở thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là hộ dân có diện tích mía lớn nhất xã Thọ Lâm. Ảnh: Văn Hùng.

Ông Đào Văn Đường ở thôn 3, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) là hộ dân có diện tích mía lớn nhất xã Thọ Lâm. Ảnh: Văn Hùng.

Bài liên quan

Ban đầu dân làng nghĩ lão sẽ vỡ nợ vì tự dưng bỏ số tiền lớn để thuê thầu đất, thuê nhân công cày bừa, trong khi giá mía đầu những năm 2000 khá thấp. Lão bảo, giờ trồng mía không vất vả như xưa vì được nhà máy bao tiêu sản phẩm, cấp giống, hỗ trợ phân bón theo hình thức trả chậm. Sau nhiều năm cố gắng, lão tự hào vì diện tích mía nhà lão lớn nhất xã Thọ Lâm (khoảng 15ha).

Lão cũng nhiều phen lao đao với cây mía. Vài năm trước, giá mía chỉ đạt mức 850 nghìn đồng/tấn, sau khi trừ chi phí nhân công, phân bón, giống, lão lỗ chổng vó. Ấy vậy mà lão cầm cự được một thời gian dài.

Lão đã nếm đủ thăng trầm từ nghề mía, nhưng vẫn thủy chung với nó vì nhiều lẽ. Người dân nơi đây coi cấy mía là cứu cánh những năm đầu đổi mới và hàng nghìn hộ dân trong huyện từng thoát nghèo nhờ cây mía. Mặt khác, tiếng tăm của vùng đất Thọ Xuân đã gắn liền với cây mía đường mấy chục năm nay nên không thể nói bỏ là bỏ được. Nếu chỉ vì khó khăn trước mắt mà bỏ vùng nguyên liệu thì có lỗi với nhà máy và lãng phí công sức gia đình đã đổ vào cải tạo đất, và cũng bởi phía sau lão là hàng chục gia đình thường xuyên làm công cho lão.

Sản lượng mía của gia đình ông Đường trung bình mỗi vụ đạt hơn 1.000 tấn. Ảnh: Quốc Toản.

Sản lượng mía của gia đình ông Đường trung bình mỗi vụ đạt hơn 1.000 tấn. Ảnh: Quốc Toản.

Với cây mía, lão chưa bao giờ than khó, duy chỉ có công tác thủy lợi khiến lão đau đầu mấy năm nay. Cách đây vài năm lão tiêu tốn vài tỷ đồng để đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt nhưng không phát huy tác dụng vì đường ống dễ hư hỏng mỗi khi làm đất và khai thác mía. Lão cũng kiến nghị với chính quyền địa phương để kéo dài thời gian thuê đất (thay vì 5 năm như trước đây) để tiện hạch toán kinh doanh và yên tâm đầu tư nhưng nguyện vọng chưa thành…

Giờ lão cũng gần 70 tuổi, sức khỏe cũng giảm nhiều nên việc nặng nhọc lão khoán tất cho công nhân. Vào vụ mía, lão duy trì từ 40 - 60 lao động và trả lương khoảng 6 - 7 triệu đồng/người/tháng. Mỗi vụ mía, lão thu hơn 1.000 tấn, doanh thu 1,3 tỷ đồng. Sau khi trừ chi phí lão bỏ túi khoảng 500 triệu đồng/năm. 

Với lão, trồng mía không chỉ vì nguồn sống mà còn là duy trì một biểu tượng của vùng đất địa linh nhân kiệt.

Để triển khai các giải pháp phát triển bền vững ngành mía đường, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ kinh phí cho công tác du nhập khảo nghiệm giống mới (200 triệu đồng/giống); hỗ trợ sản xuất giống bằng phương pháp nuôi cấy mô (1.000 đồng/cây); hỗ trợ mua máy thu hoạch mía (tối đa 1,5 tỷ đồng/máy); hỗ trợ hệ thống tưới mía mặt ruộng (15 triệu đồng/ha).

Đến nay, toàn tỉnh đã du nhập, khảo nghiệm thành công 6 giống mía mới, sản xuất được 10,3 triệu cây giống mía, hỗ trợ 9 máy thu hoạch mía và 1.502ha mía được đầu tư hệ thống tưới mặt ruộng.

Ngoài ra, việc lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh (xây dựng nông thôn mới, chương trình ADB6...) và các công ty mía đường đều có chính sách hỗ trợ với mức 80 - 100 tỷ đồng/vùng sản xuất/năm đã góp phần ổn định vùng nguyên liệu và nâng cao hiệu quả trong sản xuất mía, duy trì vùng mía nguyên liệu trong giai đoạn khó khăn.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Nông dân nhận thưởng 43 triệu đồng nhờ trồng lúa giảm phát thải

KIÊN GIANG Mới đây, một số nông dân ở huyện Hòn Đất và Kiên Lương (Kiên Giang) nhận được tiền thưởng từ 2,6 – 43 triệu đồng khi tham gia dự án trồng lúa giảm phát thải.