| Hotline: 0983.970.780

Người đi ngang qua cánh đồng văn chương

Thứ Năm 15/09/2022 , 07:55 (GMT+7)

Đó là Nguyễn Ngọc Dương, nguyên Chủ tịch Hội Văn nghệ Lào Cai, từ một người làm trong hệ thống chính trị bước qua cánh đồng văn chương và để lại vài dấu chân mờ…

Empty

Nguyễn Ngọc Dương một lần di săn ảnh nghệ thuật trên núi Ý Tý. Ảnh: Thái Sinh.

Tôi biết và làm bạn với Nguyễn Ngọc Dương như sự tình cờ, khoảng năm 1989 khi đó tôi đang là biên tập viên văn xuôi cho Tạp chí Văn nghệ Hoàng Liên Sơn. Một sớm anh cùng với người nữa lừng lững bước vào phòng tôi tự giới thiệu: Mình là Ngọc Dương, từng là giảng viên Trường Đảng Hoàng Liên Sơn, nay là Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Bảo Thắng. Hôm nay xuống trường có chút việc nên rủ anh Phạm Kỳ, Phó bí thư Huyện ủy cùng đến thăm chú…

Lúc đó tôi mới giật mình nhớ ra năm 1985 tôi được cử đi học Trung cấp lý luận chính trị tại Trường Đảng Hoàng Liên Sơn, anh dạy môn triết học Mác - Lênin. Hồi ấy đói lắm, lại nghe giảng triết học với những cặp phạm trù vô cùng rắc rối nên không ít người nghe giảng như vịt nghe sấm, họ gục xuống bàn ngủ. Nhiều hôm tôi cũng ngủ, chẳng hiểu thầy nói những gì, gương mặt thầy ra sao chỉ nhớ mang máng thầy dạy triết nhỏ nhắn nhưng tiếng nói rất vang.

Ngọc Dương chỉ vào tôi nói vui với Phạm Kỳ: Tôi là thầy dạy triết học Thái Sinh, còn Thái Sinh là thầy văn chương của tôi…

Chuyện là thế này, một hôm tôi nhận được bài ký của Ngọc Dương với tiêu đề “Có một Ải Nam” viết về dân tộc Mông ở thôn Ải Nam, xã Phong Hải, huyện Bảo Thắng sống trên đỉnh núi chẳng khác gì một ốc đảo, nối với bên ngoài bằng một con đường dốc gập ghềnh, chui qua rừng rậm… Cuộc sống của bà con vô cùng khó khăn nên nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đi theo đạo lạ, gây ra nhiều bất ổn ở địa phương…

Bài ký không xuất sắc lắm, nhưng là tác giả mới, vấn đề mới nên tôi thấy cần đăng để động viên, sau khi biên tập và giật lại cái tít “Có một Ải Nam như thế”. Bài ký có tác động mạnh mẽ tới chính quyền địa phương, nhiều người tán thành, vì đó là thực tế cần phải quan tâm tới. Một số người phản ứng dữ dội cho rằng viết như thế là bôi xấu chế độ… Cuối cùng chính quyền phải đưa ra nhiều biện pháp giúp bà con phát triển kinh tế ổn định cuộc sống, không nghe theo bọn người theo đạo lạ.

Điều không ngờ, bài ký như có ma lực cuốn Ngọc Dương bước vào con đường văn chương mà anh không bao giờ nghĩ tới.

Sau khi Hoàng Liên Sơn được tách ra thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái, Ngọc Dương được kết nạp vào Hội Văn học nghệ thuật Lào Cai, rồi được bầu làm Chủ tịch hội hai nhiệm kỳ cho đến ngày nghỉ hưu.

Suốt hai nhiệm kỳ, anh tổ chức kết nạp được khá nhiều hội viên ở các chuyên ngành khác nhau, có lần tôi hỏi: Sao kết nạp nhiều thế? Anh cười bảo: Không nên đóng cửa Hội, những hội viên mình kết nạp đều là những người có năng khiếu, có sự đam mê văn học nghệ thuật và đủ tiêu chuẩn. Ví như Tống Ngọc Hân, khi mới vào Hội, chuyển từ thơ sang văn, thường gửi truyện ngắn mới viết cho mình: “Nhờ chú góp ý”. Sau khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Tống Ngọc Hân trở thành nữ văn sĩ nổi tiếng. Hay Phạm Duy Nghĩa cũng là tác giả nổi tiếng, hiện là Phó Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội, họ đều bước ra từ cái nôi văn nghệ Lào Cai.

Empty

Ý Tý trong mây mù. Ảnh: Ngọc Dương.

Đùng một cái anh bước sang lĩnh vực nhiếp ảnh, rồi được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, ảnh nghệ thuật treo đầy nhà. Tôi ngạc nhiên lắm, mấy chục năm làm báo cầm máy ảnh tôi đâu dám nghĩ tới việc chụp ảnh nghệ thuật. Một lần đi cùng anh lên Ý Tý, anh giảng giải cho tôi về cách chụp ảnh nghệ thuật từ góc chụp, ánh sáng, khuôn hình, cửa trập… Tôi bảo: Thôi, em chỉ làm ảnh thời sự thôi, còn ảnh nghệ thuật em xin vái không dám mon men tới, vì nó quá xa lạ với em.

Empty

Những đứa trẻ Hà Nhì chơi đùa bên ngôi nhà cổ. Ảnh: Ngọc Dương.

Anh kể một lần dự liên hoan ảnh nghệ thuật các tỉnh miền núi phía Bắc tổ chức tại Thái Nguyên, giải nhất trao cho một bức ảnh quá non kém về nghệ thuật, còn nội dung thì áp đặt, gượng gạo của một tác trẻ mới vào nghề là người Lạng Sơn. Không thể chịu nổi cách chấm giải của Ban Giám khảo, đó là sự sỉ nhục nghệ thuật. Thế là tại hội thảo, ba máu sáu cơn anh phát biểu một tràng về nội dung và nghệ thuật của bức ảnh, nói đến đâu được các nghệ sĩ vỗ tay không ngớt đến đấy. Nhưng khổ nỗi, những lần liên hoan ảnh nghệ thuật sau, anh bảo: “Ảnh của mình đều bị loại ngay từ... vòng gửi xe, tức là trước khi đưa ra Hội đồng giám khảo thẩm định. Anh lắc đầu: “Nghệ thuật là sự đam mê và cũng là thú chơi, đâu phải vì giải nọ giải kia mà mình theo đuổi nó…”.

Năm 2009 anh gửi cho tôi tập bản thảo ký “Hai miền quê” nhờ tôi góp ý, tôi đọc loáng thoáng rồi khen mấy câu cho anh vui. Cuối năm 2014 anh lại gửi cho tôi bản thảo tập truyện ký “Mảnh vườn ký ức”, lần này tôi dành mấy ngày nghỉ Tết để đọc rồi biên tập một số bài. Sau khi đọc xong, tôi cứ ngơ ngẩn với mỗi dòng chữ, mỗi trang viết đều chan chứa nỗi niềm và tình yêu thương.

Tập truyện ký có 26 bài, bài dài hơn chục trang, bài ngắn chỉ 3 - 4 trang. Nhưng hiện lên sau mỗi trang sách là một kiếp người, mỗi người có một số phận riêng, không ai giống ai, họ sống quanh anh tạo thành một xã hội của mấy mươi năm trước, đọc xót xa mà không cầm nổi nước mắt.

Tôi đã giới thiệu "Mảnh vườn ký ức" trên báo Nông nghiệp Việt Nam. Sau khi nghỉ hưu anh mới có thời gian rong chơi cùng bạn bè, viết nhiều bài ký và phóng sự trong đó một số bài đã đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam: "Chuyện người bán rau rừng", "Hai ngày ở phía bắc Phòng Tô", "Sin Suối Hồ và những dị biệt"…

Empty

Phóng sự của Ngọc Dương đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam.

Bài ký nào của anh cũng đau đáu nỗi niềm, đó là cuộc đời nghèo khó của người phụ nữ dân tộc phải dậy từ lúc gà chưa gáy để mang những bó rau rừng đi bán rong trên đường phố Lào Cai. Hay chuyện “dị biệt” của một bản người Mông trên núi ở huyện Phong Thổ (Lai Châu) đẹp như một bức tranh, trong đó có tới 90% đàn ông không uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, làng không có tệ nạn xã hội, không có chuyện cãi chửi nhau… Con đường vào làng và quanh mỗi ngôi nhà đều tràn ngập phong lan và các loại hoa rừng, cuộc sống người dân ở đây trong vắt như suối nguồn từ trên núi cao chảy xuống. Ai đến cũng mê đắm khung cảnh thiên nhiên đẹp như trong truyện cổ tích và những người dân sống thuần khiết như không khí trong lành trên núi.

Bài ký "Hai ngày ở phía bắc Phòng Tô", kể về những chiến sĩ giữ gìn mảnh đất biên cương ở đồn biên phòng Dào San trong cuộc chiến tranh biên giới tháng 2/1979. Trong đó có đồn biên phòng Sì Lở Lầu, bị quân thám báo Trung Quốc đột nhập vào giữa đêm khuya dùng dao cắt cổ những chiến sĩ biên phòng, một hành động đê hèn giống như cuộc chiến tranh biên giới mà chúng đã gây ra.

Empty

Ngọc Dương và vợ mê chèo và thích hát chèo, anh đang kéo nhị hát một bài chèo do anh đặt lời. Ảnh: Thái Sinh.

Năm nay anh đã 75 tuổi, sức khỏe đã giảm sút, bạn bè rủ đi chơi cũng lắc đầu, ngồi nhà viết FB chơi, FB của anh có hàng trăm người quan tâm bình luận về những vấn đề nóng bỏng của xã hội đang diễn ra. Anh cười: Chơi FB là sự tương tác với mọi người, cứ ngồi một chỗ thì buồn hết chỗ nói…

Xem thêm
Man.City tìm lại cảm giác chiến thắng

Man 'xanh' bắt đầu lấy lại phong độ và quyết không bỏ cuộc khi giành thêm chiến thắng tại vòng 20 giải Ngoại hạng Anh 2024/2025.

Xuân Son lập cú đúp, Việt Nam hạ gục Thái Lan

Phú Thọ Hai bàn trong hiệp 2 của người dẫn đầu danh sách vua phá lưới ASEAN Cup 2024 giúp đội tuyển Việt Nam thắng 2-1 ở chung kết lượt đi tối 2/1.

Người dân Cần Thơ mãn nhãn màn đua thuyền buồm trên sông Hậu

Ngày 29/12, lần đầu tiên TP Cần Thơ tổ chức giải đua thuyền buồm, một hoạt động mới lạ trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày hội Du lịch - Đêm hoa đăng Ninh Kiều.