| Hotline: 0983.970.780

Người Giẻ Triêng phát triển kinh tế từ những sản vật địa phương

Thứ Bảy 20/08/2022 , 08:02 (GMT+7)

Những sản vật địa phương như rượu cần men lá, nếp cẩm, măng khô, đặc biệt là thịt heo gác bếp đã được chị em đồng bào Giẻ Triêng giới thiệu đi khắp cả nước.

Từ ý tưởng tiêu thụ các sản vật địa phương

Vào những ngày cuối tuần, chị em đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng lại tập trung đông đủ tại HTX Dục Nông (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) để làm các sản phẩm từ những sản vật của địa phương giao cho khách hàng. Các sản phẩm chủ yếu là rượu cần men lá, nếp cẩm, măng khô và đặc biệt là đặc sản thịt heo gác bếp. Mỗi người một công đoạn, từ thái thịt, ướp thịt, làm muối và đóng gói thịt heo gác bếp.

Empty

Chị em đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng cùng nhau làm thịt heo gác bếp. Ảnh: Tuấn Anh.

Là thành viên từ những ngày đầu sáng lập ra HTX Dục Nông, chị Y Thun (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) đang lựa chọn những miếng thịt săn chắc, tươi ngon được lựa chọn từ những con heo của người địa phương trong vùng. 

Chị Y Thun cho biết, do các sản phẩm của người địa phương nơi đây rất nhiều nhưng lại không có đầu ra. Từ suy nghĩ đó, chị em mới bàn cách làm sao đưa được các sản phẩm ra thị trường để quảng bá về các sản vật địa phương. Nhưng rồi, khi bắt tay vào làm, chị em gặp không ít khó khăn, khi các sản phẩm của mình chưa được nhiều người biết đến nên gần như sản phẩm bán được rất ít. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì và đặc biệt luôn đề cao yếu tố chất lượng sản phẩm nên từng bước sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng. Từ đó, rất nhiều khác hàng ở các nơi khác cũng biết đến sản phẩm của HTX và đơn hàng ngày một nhiều hơn.

“Phần lớn các thành viên trong HTX đều có công ăn việc làm ổn định. Bản thân mình cũng đang là giáo viên trường mầm non, việc kinh doanh các sản vật địa phương chỉ là công việc phụ, thời gian cho công việc này chủ yều làm vào buổi tối và những ngày cuối tuần. Dù là công việc phụ, nhưng thu nhập của các thành viên lại rất tốt”, chị Y Thun nói và cho biết, trung bình mỗi tháng chị cũng kiếm được khoảng 5-6 triệu đồng từ công việc này.

Tiếp thêm câu chuyện, chị Y Chon, Giám đốc HTX Dục Nông cho biết, hiện nay rất những nông sản tồn đọng của địa phương không thể tiêu thụ hết ra thị trường. Cùng với đó, trên thị trường ngày càng xuất hiện các sản phẩm kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh môi trường. Xuất phát từ những ý tưởng đó, với cương vị là Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đăk Dục, chị Y Chon đã tập hợp các thành viên, chủ yếu là các chị em phụ nữ để cùng nhau đưa các sản vật địa phương giới thiệu đến người tiêu dùng. Mặt khác, đây cũng là công việc giúp cho các thành viên tăng thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chia sẻ về công đoạn làm thị heo gác bếp, chị Y Chon cho biết, các thành viên trong HTX đã nghĩ ra cách đưa thịt heo hong lên gác bếp để hấp thụ lượng nhiệt từ bếp lửa, đồng thời khói bếp sẽ chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn gây hại, giữ cho miếng thịt được thơm ngon. Thịt heo được lựa chọn của người địa phương, sau đó lọc toàn bộ phần mỡ rồi chần qua với nước sôi để khử bớt mùi hôi, tanh. Tiếp theo, thịt sẽ được tẩm với các gia vị như muối, bột, ngọt, tiêu rừng, ớt và ướp trong vòng 4 tiếng đồng hồ.

Empty

Chị Y Chon cắt từng miếng thịt trước khi đem đi tẩm ướp gia vị. Ảnh: Đăng Lâm.

Phần gác thịt lên bếp sẽ quyết định thành bại của sản phẩm. Miếng thịt sau khi ướp xong sẽ đưa lên bếp củi để hong. Để miếng thịt ngon hơn thì củi sử dụng phải là củi bời lời bởi vì nó bắt lửa tốt, làm cho lửa cháy đều. “Một mẻ thịt heo gác bếp đạt tiêu chuẩn là khi xé miếng thịt ra, từng thớ thịt vẫn hồng tươi, có độ ngọt, dai ngon kèm theo chút cay nồng. Đặc biệt, thịt heo gác bếp được ăn với muối chấm đặc biệt, làm từ các nguyên liệu chính như tiêu rừng, chanh, sả…”, chị Y Chon chia sẻ bí quyết.

Sản vật địa phương vươn ra các thành phố lớn

HTX Dục Nông được thành lập năm 2019 với 7 thành viên, hầu hết là người đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng. Đến nay, HTX có 9 thành viên chính thức, ngoài ra còn rất nhiều người tham gia làm thời vụ.

Sau thời gian đầu khó khăn về thị trường, đến nay các sản phẩm của HTX Dục Nông đã vươn ra khỏi phạm vi các huyện biên giới để thâm nhập vào các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế. Ngoài ra, sản phẩm này cũng đã xuất hiện ở các hội chợ, chương trình tiếp xúc thương mại, lễ hội trên cả nước và trở thành món ăn được nhiều người ưa thích.

Empty

 Công đoạn gác thịt heo lên bếp quyết định sự thành bại của sản phẩm. Ảnh: Tuấn Anh.

Hiện tại, sản phẩm thịt heo gác bếp và rượu cần men lá của HTX đã được UBND tỉnh Kon Tum công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm đều được hút chân không, có tem nhãn, hạn sử dụng, có mã QR để truy xuất nguồn gốc nên tạo niềm tin cho khách hàng. 

Chia sẻ về thị trường tiêu thụ, chị Y Chon cho biết, đối với các sản phẩm HTX đang phát triển, tiêu thụ mạnh nhất chủ yếu vào các dịp lễ, tết. Cụ thể, đến gần ngày tết, lượng thịt heo gác bếp của HTX  Dục Nông sản xuất ra gấp 3, gấp 4 lần ngày thường. Trung bình mỗi ngày trong dịp tết, HTX tiêu thụ khoảng 30 kg thịt heo gác bếp, chưa kể các sản phẩm khác.

Chính vì lượng tiêu thụ lớn, nên các thành viên trong HTX phải làm việc hết công suất, thậm chí làm cả đêm để kịp giao cho khách hàng. "Vào dịp tết, ngày nào cũng có khách hàng gọi điện đặt hàng, nên chị em làm hết công suất vẫn không kịp giao. Trung bình trong dịp Tết, HTX phải tiêu thụ được hơn 3 tấn thịt heo gác bếp", chị Y Chon nói và cho biết, sau khi trừ các chi phí, các thành viên HTX lãi hơn 200 triệu đồng trong dịp này.

Cũng theo chị Y Chon, do ổn định thị trường tiêu thụ, nên mức thu nhập của các thành viên cũng tương đối khá. Trừ hết các khoản chi phí, trung bình mỗi thành viên cũng thu nhập được khoảng 5-6 triệu đồng. Đây là động lực rất lớn cho các thành viên, nhất là khi công việc này chỉ là phụ, rảnh mới làm. “Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh sản xuất thêm các sản vật địa phương, đồng thời kết nạp thêm thành viên mới để cùng nhau phát triển, nâng cao thu nhập”, chị Y Chon chia sẻ.

Empty

Sản phẩm heo gác bếp được chứng nhận OCOP 3 sao. Ảnh: Đ.L

Ông Võ Văn Út, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hồi cho biết, HTX Dục Nông là đơn vị phát triển kinh tế rất tốt từ các sản vật của địa phương. Đặc biệt, đây là HTX mà các thành viên 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng nên càng đáng ghi nhận. Theo số liệu đánh giá vào cuối năm 2021, thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong HTX Dục Nông đạt hơn 6 triệu đồng.

“Đối với người dân đồng bào, nguồn nguyên liệu từ việc nuôi heo đã được họ đưa ra ý tưởng sản xuất ra các sản phẩm đặc sản địa phương để đem đi tiêu thụ. Đặc biệt, các sản phẩm nay được hỗ trợ tham gia và đạt chứng nhận OCOP 3 sao (chương trình mỗi xã một sản phẩm), sau đó được giới thiệu tại các hội nghị của tỉnh nên được nhiều người biết đến và tin dùng”, ông Út chia sẻ.

Ông Võ Văn Út, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Ngọc Hồi cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX để nâng các sản phẩm lên thành OCOP 4 sao, qua đó khẳng định giá trị thương hiệu đối với sản vật địa phương. Về thị trường tiêu thụ, thông qua các hội chợ, hội nghị, huyện sẽ hỗ trợ HTX quảng bá sản phẩm đến với du khách tham quan trong và ngoài tỉnh. Qua đó giúp cho các sản vật địa phương của HTX ngày càng được nhiều người biết đến, nhờ vậy việc tiêu thụ sẽ được tốt hơn.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

OCOP Nghệ An cần những mảng màu như Tứ Phương

Muốn phát triển thương hiệu OCOP vững bền đòi hỏi lượng và chất phải song đôi, xuyên suốt hành trình đã qua, Tứ Phương luôn xem đây là yêu cầu bắt buộc.