Thất bại trong chuẩn bị là chuẩn bị để thất bại
HTX Cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng, xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên là HTX đầu tiên của tỉnh xuất khẩu thành công 5 tấn nhãn sang thị trường EU. Ông Trần Văn Mý, Giám đốc HTX chia sẻ, để quả nhãn có thể xuất khẩu sang thị EU nói riêng, thị trường khác nói chung, người trồng phải luôn tâm niệm “thất bại trong chuẩn bị là chuẩn bị để thất bại”. Điều này có nghĩa trong quá trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, yêu cầu mà các thị trường nhập khẩu đưa ra. Việc tuân thủ này đối với nông dân bước đầu sẽ khó khăn vì thói quen canh tác theo kinh nghiệm, truyền thống đã ăn sâu bám rễ, tuy nhiên nếu quyết tâm vẫn sẽ thực hiện được.
Hàng năm, được sự hỗ trợ của Chi cục BVTV tỉnh, các hộ tham gia sản xuất trong vùng trồng phục vụ xuất khẩu được tập huấn rất kỹ về danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, ghi chép nhật ký quá trình chăm sóc. Bên cạnh đó, HTX khuyến khích các hộ phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ để giảm tối đa vật tư đầu vào hóa học, tiến tới thay thế toàn bộ bằng vật tư sinh học.
Đặc biệt, để quản lý việc dùng thuốc BVTV, sau khi có khuyến cáo về tình hình sâu bệnh hại từ cơ quan chuyên môn, HTX đứng ra làm đầu mối cung cấp thuốc cho các hộ hoặc khuyến cáo nên mua loại thuốc đó ở những địa chỉ uy tín đã được cơ quan chức năng đánh giá. HTX cũng phối hợp các hộ kinh doanh thuốc BVTV trong vùng ghi chép lại danh sách các hộ trong HTX tới mua thuốc để theo dõi. Trường hợp nào có nghi ngờ về việc dùng thuốc không giống như khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, ban kiểm soát của HTX sẽ tới tận vườn kiểm tra.
Đồng thời, thay vì dùng cách thành lập các tổ sản xuất nhỏ, giám sát chéo lẫn nhau như nhiều mã số vẫn làm, ban lãnh đạo và ban kiểm soát HTX Quyết Thắng sẽ trực tiếp đi kiểm tra. Bởi lẽ, việc giám sát chéo ban đầu phát huy hiệu quả nhưng về sau vì cả nể, văn hóa làng xã nên có sự xuề xòa, bỏ qua cho nhau, đây là khe hở nếu không kịp thời vá lấp hệ lụy sẽ rất lớn.
“Được cấp MSVT đã khó, duy trì còn khó hơn. Tuy nhiên, khi sản xuất tuân thủ theo các yêu cầu an toàn sẽ giúp nông dân thay đổi thói quen canh tác. Các hộ đều nhận thấy việc mình đang làm trước mắt có lợi cho chính mình. Sản phẩm tạo ra xuất khẩu được sang nước ngoài thì không còn gì tuyệt vời bằng. Trường hợp chưa xuất khẩu được do các yếu tố khách quan thì quả nhãn Hưng Yên vẫn thuận lợi đi vào cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, nông dân vẫn có lãi tốt”, ông Mý đánh giá.
Sẵn sàng bật định vị, video để cơ quan quản lý, đối tác kiểm tra trực tuyến hoặc lấy mẫu đi kiểm tra trực tiếp tại các vùng trồng nhãn đã được cấp mã số, ông Nguyễn Văn Biết, Phó Giám đốc HTX Nhãn lồng xã Quảng Châu (thành phố Hưng Yên) hào hứng chia sẻ, HTX được cấp 2 MSVT xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Trung Quốc. Mặc dù hai thị trường có sự khác nhau về độ “dễ tính”, tuy nhiên các hộ thuộc 2 mã số tự giác bảo nhau giám sát nghiêm ngặt các khâu để chỉ tiêu đạt được luôn cao hơn so với mức yêu cầu.
Theo ông Biết, việc giám sát chặt chẽ tại các vùng trồng là điều kiện tiên quyết để quả nhãn có thể đi xa. Không phải thu hoạch 5 tấn nhãn trong cùng 1 mã số là cả 5 tấn đó đủ điều kiện xuất khẩu mà phải chọn lọc rất kỹ. Chỉ khi các vườn trồng cùng nhau thực hiện theo một quy trình thống nhất thì tỷ lệ đồng đều ở sản phẩm tạo ra mới cao nhất, thuận lợi đáp ứng nguồn cung cho các doanh nghiệp.
“Giám sát là một việc, nhưng bản thân người trồng phải đề cao tinh thần tự giác. Đã có trường hợp khi lấy mẫu test đạt yêu cầu nhưng khi thu hoạch test lại lại không đảm bảo. Người sản xuất đừng sợ thiệt vì người tiêu dùng sẵn sàng trả với giá cao hơn để được thụ hưởng một sản phẩm chất lượng. Mình vẫn bảo anh em cứ làm tốt đi ắt sẽ đắt hàng”, anh Biết bộc bạch.
Tuân thủ quy định của từng thị trường
Nhãn là một trong những cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao của tỉnh Hưng Yên. Những năm qua, thương hiệu nhãn lồng Hưng Yên không chỉ được khẳng định tại thị trường trong nước mà còn tại nhiều thị trường trên thế giới. Có được thành quả đó, công tác tổ chức sản xuất, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tại vùng trồng được các cấp quản lý, hợp tác xã (HTX), hộ sản xuất đặc biệt quan tâm.
Ông Lê Minh Nam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hưng Yên cho biết, với chủ trương đa dạng hóa các thị trường để giảm áp lực, nâng cao hiệu quả tiêu thụ, ngoài thị trường trong nước, nhãn Hưng Yên hướng tới chinh phục các thị trường khác nhau trên thế giới. Từ năm 2015, tỉnh đã bắt tay xây dựng các mã số vùng trồng (MSVT) và xuất khẩu nhãn vào thị trường Mỹ. Đến nay, toàn tỉnh có 19 vùng trồng nhãn và 39 mã số đi các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nhật Bản.
Mỗi thị trường nhập khẩu có những yêu cầu khác nhau về chất lượng sản phẩm và không ngừng tăng cường kiểm tra bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. Vì vậy, việc xây dựng, quản lý MSVT đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Hàng năm, Chi cục BVTV Hưng Yên thực hiện kiểm tra, giám sát việc thiết lập, quản lý MSVT được cấp theo quy định. Những vùng trồng đã được cấp mã số nếu quá trình kiểm tra, đánh giá không đảm bảo yêu cầu sẽ kiên quyết thu hồi, khi nào khắc phục được theo yêu cầu mới tiến hành kiến nghị cấp lại. Những vùng trồng mới có điều kiện, tổ chức sản xuất phù hợp sẽ được giám sát chặt chẽ và đề xuất Cục BVTV đàm phán để bổ sung vào danh sách MSVT.
Bên cạnh đó, Chi cục phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ đối tượng dịch hại, lấy mẫu phân tích chỉ tiêu an toàn thực phẩm; hướng dẫn nông dân chăm sóc, sử dụng thuốc BVTV, phân bón hợp lý, đặc biệt chú ý hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, thay thế bằng phân bón hữu cơ vi sinh, thuốc BVTV sinh học thế hệ mới, chế phẩm nano bạc, đồng, thảo mộc để bảo vệ sức khỏe, môi trường, cũng như giảm thiểu nguy cơ tồn dư các chất độc hại trên sản phẩm. Trong trường hợp phải sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng những loại thuốc trong danh mục cho phép, đảm bảo nguyên tắc “4 đúng”, đủ thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Theo ông Nam, bên cạnh những thuận lợi, việc quản lý MSVT cũng đối diện với một số khó khăn như: một số HTX đại diện cho MSVT chưa mạnh dạn đứng ra làm đầu mối cung cấp vật tư đầu vào, dẫn tới tình trạng khi đến thời điểm cơ quan chuyên môn khuyến cáo sử dụng, các hộ phải mua loại vật tư đó ở nhiều địa chỉ khác nhau; điều này tiềm ẩn nguy cơ có hộ ham rẻ mua phải sản phẩm kém chất lượng. Trong khi đó, số hộ tham gia trong 1 MSVT rất đông, chỉ cần 1 hộ sơ suất vi phạm quy định là ảnh hưởng tới cả mã số.
Theo Sở NN-PTNT Hưng Yên, năm 2024, tổng diện tích nhãn trên địa bàn toàn tỉnh khoảng 4.900ha, trong đó diện tích nhãn ở độ tuổi cho thu hoạch 4.500ha (tăng 161ha so với năm trước). Dự kiến sản lượng nhãn năm nay cao hơn 3-5% so với năm 2023. Một tín hiệu đáng mừng là rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tới các vùng trồng khảo sát, đặt vấn đề thu mua nhãn để phục vụ xuất khẩu.