Về kết quả cuộc họp đó, theo thông tin từ VTV vào 16 giờ ngày 5/8/2020 thì mục đích cuộc họp là “để quyết định lương tối thiểu vùng năm 2021.
Có hai phương án được đề ra. Phương án 1 là không tăng lương. Phương án 2 là lương tối thiểu vùng sẽ tăng 2,5% để đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động. Đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tán thành phương án 2. Kết quả bỏ phiếu: 9/13 thành viên tán thành phương án 1, tức là không tăng lương. Đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam không tham gia bỏ phiếu (hết trích)”.
Thông tin này khiến phần lớn người lao động thất vọng. Bởi nếu tăng 2,5% thì người lao động mới “đảm bảo được đời sống tối thiểu”.
Nay không tăng, nghĩa là người lao động vẫn phải sống dưới mức tối thiểu. Hay nói khác đi, là với mức lương tối thiểu vùng hiện tại, thì người lao đông mới chỉ đạt được 97,5% mức sống tối thiểu.
Đối với mỗi người lao động, tiền lương luôn luôn là mối quan tâm hàng đầu. Hiện tại, trong hàng triệu người lao động đang hưởng lương trong các nhà máy, xí nghiệp trên cả nước, số người có tích lũy từ tiền lương vô cùng ít ỏi, chỉ dăm, bảy phần trăm.
Còn lại, đa số vẫn đang trong cảnh “ráo mồ hôi là hết tiền”. Đó là nói trường hợp độc thân, còn nếu đã có gia đình và có thêm một vài đứa con, thì cảnh thiếu trước hụt sau là điều khó tránh khỏi.
Tiền lương thấp đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Tiền lương thấp nên công nhân phải bươn chải làm thêm rất nhiều việc khác. Tình trạng nữ công nhân phải bán thân sau giờ làm không phải hiếm. Tiền lương thấp dẫn đến năng suất lao động thấp, giá thành cao, chất lượng sản phẩm thấp, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của hàng Việt.
Về phần người lao động, thì do mức sống thấp nên không thể bù đắp được sức lao động đã bỏ ra, đó là chưa kể phải làm thêm giờ, làm tăng ca nhiều nên sức khỏe rất nhanh giảm sút. Tiền lương thấp dẫn đến việc người lao động bỏ việc nhiều, thị trường lao động thiếu hụt trầm trọng.
Trong nhiều năm gần đây, thì phương án đề ra cho việc tăng lương tối thiểu vùng năm 2021 là thấp nhất (chỉ 2,5%), các năm trước, mức tăng tiền lương tối thiểu vùng thường là từ 6 đến 7%. Đó là do đại dịch Covid-19 đã tàn phá nền kinh tế đất nước. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động, rất nhiều doanh nghiệp phá sản, khiến lượng người thất nghiệp tăng cao.
Thế nhưng mức tăng cực kỳ thấp đó cuối cùng cũng bị đại đa số các thành viên trong hội đồng tiền lương quốc gia bác bỏ. Đại diện người lao động là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lâm vào cảnh “thân cô thế cô”, đành từ bỏ quyền bỏ phiếu của mình, bởi đã biết trước kết quả.
Làm thế nào vừa chống được dịch, vừa đảm bảo đời sống tối thiểu cho người lao động? Bài toán này không dễ gì tìm ra lời giải.