| Hotline: 0983.970.780

Người lưu giữ những giá trị văn hóa Thái

Thứ Sáu 17/08/2018 , 14:05 (GMT+7)

Những người Thái đen sống trên cánh đồng Mường Lò không mấy người là không biết tới ông Lò Văn Biến, người bản Cang Nà, phường Trung Tâm, TX Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. 

15-35-20_b1
Ông Lò Văn Biến ngồi dịch sách

Năm nay ông 84 tuổi, nhưng vẫn còn khỏe và minh mẫn, người ta kính trọng gọi ông là ải pú (cụ già), ải lung (bố bác)… Ông là “pho sử sống” của người Thái đen, bởi ông đang lưu giữ những giá trị văn hóa Thái vô cùng đặc sắc trên vùng Tây Bắc…

Đặt bàn tay lên những cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ ông trầm ngâm bảo tôi: Không biết các cụ viết từ thời nào, chắc là lâu lắm rồi, nhiều từ bây giờ không mấy người dùng nữa. Hồi còn nhỏ tôi học chữ Thái từ ông tôi, sau này lớn lên tôi tiếp tục được học từ các thầy dạy cùng với chữ quốc ngữ. Sau khi học hết tiểu học thời Pháp, nhờ biết chữ nên tháng 2/1955 tôi được cử đi học sơ cấp Sư phạm đặt ở Khu Tự trị Thái Mèo trên Sơn La, năm 1956 thì ra trường, tôi được phân công lên Than Uyên (nay thuộc tỉnh Lai Châu) dạy học. Khi đó cả Than Uyên chỉ có ba thầy giáo, tôi dạy ở xã Mường Than. Hồi ấy dạy song ngữ, chữ Thái và chữ quốc ngữ. Đến năm 1963 thì thôi không dạy chữ Thái nữa...

Ông rít một hơi thuốc dài mắt lơ mơ nhìn làn khói thuốc bay vấn vít trên mái nhà kể tiếp: Cách nay hơn chục năm, khi đi sưu tầm những truyện dân gian, ca dao, tục ngữ của người Thái, tôi phát hiện ra những cuốn sách cổ được người ta cất trong rương, trong hòm hay vất trên gác nhà, nhiều cuốn đã bị mối mọt gặm nhấm gần hết. Đọc trong những cuốn sách ấy thấy nhiều điều người xưa nói rất hay về mùa màng, kinh nghiệm sản xuất, về cúng tế, cất nhà, làm ruộng nương và tình yêu trai gái… Tôi thấy đây chính là những viên ngọc ẩn chứa trong những cuốn sách cổ người xưa truyền lại mà sao mình lại bỏ phí? Thế là tôi cất công đi sưu tầm được vài chục cuốn, nhiều cuốn không còn đọc được nữa vì rách nát, một số cuốn còn đọc được ít nhiều. Tôi bắt tay vào dịch, lại nghĩ mình tuổi cao, sức yếu nhỡ khi mai này nằm xuống ai sẽ thay mình dịch nốt những cuốn sách kia? Từ ý nghĩ đó, năm 2002 tôi quyết định mở lớp dạy chữ Thái cho các cháu và những ai say mê chữ Thái cổ.

15-35-20_b2
Ông Biến say sưa đọc các bài dân ca bằng tiếng Thái

Lớp học chữ Thái do ông Biến mở, mới đầu chỉ 3 - 4 người học, sau lên 10 người... Qua mấy năm dạy, số người ở các bản làng trên cánh đồng Mường Lò đến xin học ngày một đông, trong đó có nhiều cán bộ đang công tác trong các cơ quan nhà nước ở thị xã Nghĩa Lộ. Năm 2006 ông soạn thành giáo trình 100 tiết dạy cho những ai yêu chữ Thái.

Ông dẫn tôi ra ngôi nhà sàn nho nhỏ phía sau nhà lớn, đây là nơi ông ngồi dịch sách và tiếp những người yêu chữ Thái. Trong số đó có hai sinh viên người Nhật tên là Hakiga Namasao và Ôkađa Masasi, rồi Du Tỷ người Thái Lan và tiến sĩ người Pháp tên là Răc đơ mon cũng xin được làm học trò của ông. Hiện nay trên miền núi phía Bắc có 7 tỉnh dạy chữ Thái theo giáo trình do ông soạn, gồm 19 nguyên âm và 19 cặp phụ âm.

Những cuốn sách ông Lò Văn Biến dịch đã in thành sách, trong đó có cuốn: Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng, Tìm hiểu tục cúng vía dân tộc Thái đen Mường Lò, Cúng mường, cúng bản, Lễ hội Hạn Khuống, Cúng người chết về Mường trời (Xống phi tai), Cúng vía trâu (Tam khuôn quai)...

Ông tự hào kể rằng: Tháng 9/2013 khi thị xã Nghĩa Lộ xác lập màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam, tôi và bà Điêu Thị Xiêng là hai người sưu tầm 6 điệu xòe cổ, tham gia hướng dẫn và luyện tập cho các nghệ nhân và diễn viên quần chúng…

Với người Thái, ông chính là báu vật, một pho sách lớn đang gìn giữ những giá trị văn hóa Thái không ai có thể sánh bằng.

15-35-20_b3
Ông Biến (phải) trong một lần nghe thầy mo trình bày một điệu kèn cúng
15-35-20_b4
Ông Biến dạy các cháu chữ Thái trong lễ hội đường phố tháng 9/2017
15-35-20_b5
Điệu xòe cổ do ông Lò Văn biến và bà Điêu Thị Xiêng sưu tầm, truyền dạy

 

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.