| Hotline: 0983.970.780

Vị thuyền trưởng bén duyên với cánh đồng lúa - rươi

Thứ Năm 03/11/2022 , 14:05 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Chứng kiến những bao gạo 'không tên tuổi' của Việt Nam theo tàu viễn dương xuất khẩu, anh Trung đã nung nấu phải tạo ra một sản phẩm lúa gạo đặc sản, có thương hiệu.

Nung nấu từ những bao gạo không tên tuổi

Xuất thân là một thuyền trưởng chở hàng hóa từ Việt Nam ra nước ngoài, cơ duyên để anh Trần Văn Trung, hiện đang là Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Âu Việt đến với ngành nông nghiệp hết sức tình cờ.

Trong một chuyến vận chuyển hàng hóa, ông Trung vô tình nhìn thấy những bao tải đựng gạo của Việt Nam sang nước ngoài nhưng không hề có tên và thông tin trên bao bì, chỉ là những bao tải trắng. Kể từ đó, trong đầu vị thuyền trưởng luôn đau đáu suy nghĩ làm thế nào để có thể đóng góp công sức vào sự phát triển ngành lúa gạo Việt Nam.

Mô hình lúa rươi sẽ mang lại những sản phẩm nông sản hữu cơ và đảm bảo chi phí thấp nhất có thể. Ảnh: TL.

Mô hình lúa rươi sẽ mang lại những sản phẩm nông sản hữu cơ và đảm bảo chi phí thấp nhất có thể. Ảnh: TL.

Khoảng 6 năm trước, ngay trên cánh đồng lúa - rươi hiện nay tại xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng, anh Trung có nhận được một cuộc điện thoại mong giải cứu 60 tấn lúa hữu cơ của bà con nông dân. Tuy nhiên một mình anh đành "lực bất tòng tâm" nên người dân đành phải bán 60 tấn lúa với giá còn thấp hơn lúa canh tác bình thường.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, trăn trở với câu hỏi tại nông sản Việt Nam cứ mãi mất giá, trong đầu người thuyền trưởng chợt lóe lên suy nghĩ về một mô hình kết hợp nuôi rươi ngay trong ruộng lúa.

“Tại sao chúng ta không tận dụng điều kỳ diệu, món quà ưu ái từ thiên nhiên ngay trên cánh đồng này? Trong đầu tôi nảy ra 2 từ khóa là "lúa - rươi". Đó là mô hình hoàn toàn độc và lạ để sản xuất ra những nông sản sạch”, anh Trần Văn Trung chia sẻ.

Đã từng chứng kiến nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp trên thế giới như trồng lúa - nuôi bò tại Campuchia, nuôi vịt trong ruộng lúa tại Nhật Bản, hay như mô hình lúa - tôm ngay tại tỉnh Sóc Trăng của Việt Nam, anh Trung nhận thấy mô hình nuôi rươi - con đặc sản của TP Hải Phòng trong ruộng lúa hoàn toàn khả thi. Cơ duyên đó đã đưa người thuyền trưởng đến với việc phát triển, mở rộng mô hình lúa rươi tại đất Cảng.

Đến nay, cánh đồng lúa - rươi do anh Trung xây dựng tại Kiến Thụy (Hải Phòng) đã được chứng nhận hữu cơ và mang đến người tiêu dùng thương hiệu "Gạo Kiến Quốc" uy tín, chất lượng.

“Mô hình lúa - rươi sẽ mang lại những sản phẩm nông sản hữu cơ và đảm bảo chi phí thấp nhất có thể. Đặc biệt, mô hình còn giúp cải tạo đất cũng như môi trường sinh thái, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người sản xuất cũng như người tiêu dùng”, anh Trần Văn Trung khẳng định.

Môi trường quyết định "lúa tốt, rươi khỏe"

Chia sẻ về những khó khăn khi mở rộng, triển khai mô hình lúa - rươi, anh Trần Văn Trung cho rằng hiện nay đang tồn tại thực trạng nhiều cánh đồng bị bỏ hoang. Song số lượng cánh đồng lớn, đủ tiêu chuẩn và quy mô để triển khai mô hình lúa - rươi tại địa phương mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

“Khó khăn mà chúng tôi đang gặp phải đó là làm sao nhân rộng mô hình lúa - rươi tại địa phương. Để làm được điều đó, cần nhiều doanh nghiệp đứng ra để liên kết với người dân, đồng thời cũng phải đảm bảo được đầu ra cho người dân”, anh Trần Văn Trung chia sẻ.

Số lượng cánh đồng lớn, đủ tiêu chuẩn và quy mô để triển khai mô hình lúa rươi tại địa phương chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảnh: Đinh Mười.

Số lượng cánh đồng lớn, đủ tiêu chuẩn và quy mô để triển khai mô hình lúa rươi tại địa phương chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Ảnh: Đinh Mười.

Bên cạnh đó, một trong những khó khăn lớn nhất để mở rộng mô hình lúa - rươi là việc phải bỏ ra rất nhiều chi phí để quy hoạch cánh đồng, vừa khai thác được tiềm năng của rươi, vừa trồng được lúa với chất lượng đảm bảo.

"Hiện nay, giống lúa đang trồng trên cánh đồng lúa - rươi đã không còn đảm bảo chất lượng. Gạo bị khô nên người tiêu dùng không còn ưa chuộng. Mặc dù gạo sạch nhưng vẫn khó tiêu thụ”, anh Trung phân tích và cho biết, doanh nghiệp đã tìm ra giống lúa chất lượng cao để tới đây sẽ đưa vào sản xuất thay thế giống lúa cũ.

Cuối cùng, anh Trung cho rằng, muốn triển khai mô hình lúa - rươi hiệu quả, yếu tố tiên quyết là phải đảm bảo môi trường trong sạch để rươi cũng như lúa có thể sinh trưởng và phát triển tốt.

“Đó cũng là thách thức không chỉ doanh nghiệp và bà con nông dân phải đương đầu mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các đơn vị, cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương”, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Âu Việt nhấn mạnh.

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.