Sông Phủ vẫn lặng sóng như ngày thường nhưng hàng chục hộ dân các xã Thạch Đỉnh, Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) mỗi sáng nhìn ra sông lại dậy sóng, cồn cào gan ruột vì mấy trăm triệu bạc đầu tư nuôi cá chẽm lồng bè đã “đội nón ra đi” sau mấy ngày rét đậm, rét hại.
Sáng sớm thấy đoàn nhà báo xuống, trên bờ đê Hữu Phủ gần chục nông dân đồng thanh than khóc: “Cá chết sạch rồi, hôm qua hai xe tải lớn chở cá đi gửi ướp lạnh nhưng kho quá tải nên người ta cũng không nhận, phải đổ đi không ít”.
Một số người khác tranh thủ chào mời khách qua đường nán lại mua hỗ trợ họ vài ba con với mong muốn vớt vát chút vốn liếng.
Người dân mong vớt vát chút tiền
Năm 2008, mô hình nuôi cá chẽm được đưa vào nuôi thử nghiệm tại xã Thạch Sơn theo chương trình dự án ngọt hóa sông Nghèn, đến năm 2011 mô hình được nhân rộng sang các xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Long.
Bình quân mỗi hộ đầu tư một cụm lồng bè (6 lồng) nuôi cá trên biển được tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng; nuôi trên sông hỗ trợ 30 triệu đồng. Từ chính sách này, hơn 20 hộ dân xã Thạch Đỉnh trung thành với con cá chẽm hơn 3 năm nay.
Theo bà con, quá trình nuôi, dịch bệnh, thiên tai, mất giá đều có cả nhưng hạch toán cuối vụ nông dẫn vẫn dư giả dăm bảy chục triệu đồng trang trải cuộc sống.
“Năm nay chúng tôi kỳ vọng có cái Tết xúng xính, nào ngờ sau mấy ngày rét đậm, sáng 26/1 nhìn ra sông thấy cá chết trắng lồng mà trào nước mắt”, chị Lê Thị Nhung, thôn Tây Sơn sụt sùi nhặt cá chết vào chậu nói.
Rét đậm, rét hại đến nỗi cá tự nhiên cũng chết trắng sông
Vụ cá năm nay, chị Nhung đầu tư gần 11 triệu đồng mua 2 nghìn con cá giống về thả nuôi; quá trình chăm sóc hết 60 triệu đồng tiền thức ăn. Sau 3 ngày rét đậm 3/6 lồng cá (gần 1 nghìn con) bỗng dưng nổi lờ đờ trên mặt nước rồi chết cóng trong một buổi sáng.
“Cũng may tôi chủ động thu hoạch cá bán dần cho các nhà hàng, chợ đầu mối từ tháng 10 (âm lịch) nên vớt vát gần đủ tiền thức ăn chứ nhiều hộ khác nghĩ năm nay cũng ấm như các năm trước, chờ dịp Tết được giá mới bán thì mất trắng toàn bộ”, chị Nhung cho hay.
Theo đó, chị Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Dung, anh Nguyễn Văn Định, Lưu Văn Khai, Nguyễn Văn Lê..., cùng thôn Tây Sơn là những minh chứng cho lời nói của chị Nhung. Bình quân mỗi hộ trên có từ 800 – 2.100 con cá chẽm bị chết rét.
Ông Trương Văn Hưởng , Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Đỉnh và cũng là một trong những hộ nuôi cá chẽm chịu thiệt hại nặng nề nhất thôn Tây Sơn.
Đầu tháng 2/2015 (âm lịch) ông thả nuôi 2.200 con giống, quá trình nuôi cá sinh trưởng, phát triển tốt, ông bàn với vợ đợi đến giáp Tết Nguyên đán bán cho được giá, đùng một cái sau mấy ngày rét đạm cá chết sạch cả 6/6 lồng (2.100 con).
“Tôi đầu tư tiền giống và thức ăn hết gần 70 triệu đồng, nếu cá phát triển thuận lợi như năm ngoái, bán với giá hiện nay 120.000đ/con, sau khi trừ chi phí tôi còn lãi trên dưới 100 triệu đồng. Bây giờ thì hết rồi, hơn 300 triệu của tôi đã không cánh mà bay”, ông Hưởng buồn rầu cho biết.
Vớt cá chết từ dưới lồng nuôi
Cũng theo ông Hưởng, tính đến ngày 27/1, toàn xã Thạch Đỉnh có gần 12 nghìn con (khoảng 12 tấn) cá chẽm và hơn 1 tấn cá khác của 21 hộ dân bị chết do mưa rét.
Nhiều hộ dân phải chở cá xuống xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà thuê kho ướp lạnh với giá 2 triệu đồng/tấn để sau này bán dần.
Đang đứng rao bán cá với giá 40.000 – 50.000đ/con, chị Hồ Thị Oanh (45 tuổi) không quên nhờ cơ quan truyền thông kiến nghị với các cấp chính quyền có phương án hỗ trợ người nuôi cá chẽm bị thiệt hại trong đợt rét đậm, rét hại năm nay.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Trưởng phòng NN- PTNT huyện Thạch Hà: “Theo thống kê bước đầu, toàn huyện có trên 19 tấn cá chẽm của 68 hộ dân ở Thạch Sơn và Thạch Đỉnh; hơn 1 tấn tôm và 1,2 tấn cua ở xã Thạch Bàn bị chết rét. Nhiệt độ đang tăng nhưng do thời gian lạnh kéo dài trong nhiều ngày, đã làm giảm sức đề kháng của vật nuôi. Vì vậy chúng tôi khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản chủ động phát hiện cá, tôm chết vớt lên bờ sớm, tránh để dưới ao, đầm; đồng thời, thường xuyên vệ sinh lồng bè sạch sẽ”. |