| Hotline: 0983.970.780

Người nuôi tôm hùm lại gặp khó

Thứ Tư 17/06/2020 , 08:01 (GMT+7)

Thời gian qua, người nuôi tôm Phú Yên đối mặt với nhiều khó khăn do môi trường vùng nuôi ô nhiễm dẫn đến tỉ lệ hao hụt nhiều, cùng với đó giá tôm xuống thấp.

Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, hiện có hàng trăm người dân đến các vũng làm nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè.

Vịnh Xuân Đài có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, hiện có hàng trăm người dân đến các vũng làm nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè.

Hiện nay là thời điểm thu hoạch chính vụ tôm, giá tôm bắt đầu tăng lại nhưng sức mua chậm, dẫn đến người nuôi khó khăn về vốn do chi phí thức ăn để lưu tôm.

Giá tôm tăng nhưng ở mức thấp

Ông Bùi Xuân Vinh, người nuôi tôm đầm Cù Mông (TX Sông Cầu) cho hay: Từ cuối tháng 5 đến nay giá tôm xanh được thương lái mua 550.000 đồng/kg (3 con/kg), còn loại 1 là 700.000 đồng/kg. Đối với tôm hùm bông dao động từ 1,3 đến 1,5 triệu đồng/kg.

Trước đó từ tháng 3 đến tháng 4/2020, có thời điểm giá tôm hùm xanh chỉ còn 500.000 đồng/kg, tôm hùm bông còn 1,1 triệu đồng/kg. Giá tôm tăng nhưng còn ở mức thấp, so với thời điểm cuối năm 2018, giá tôm xanh thương lái mua 1 triệu đồng/kg, tôm bông 1,8 triệu đồng/kg.

Giá tôm bắt đầu tăng lại nhưng vẫn thấp so với thời điểm cuối 2018, thế nhưng so với giá tôm thời điểm hiện nay người nuôi đã có lãi. Ông Bùi Thành, một người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu) chia sẻ: Nếu tôm xanh thành phẩm bán 720.000 đồng/kg, thì chi phí đầu tư hết 500.000 đồng/kg, người nuôi còn bỏ túi trên 200.000 đồng/kg. Thời điểm giá bán 500.000 đồng/kg thì không có lãi.

Còn tôm hùm bông, nếu tôm thành phẩm bán 1,3 triệu đồng/kg, thì chi phí đầu tư hết 1,1 triệu đồng, người nuôi còn bỏ túi 200.000 đồng/kg. Thời điểm tôm bông hạ chỉ 1,1 triệu đồng thì người nuôi phủi tay về không.

Hiện nay vùng này chỉ 10% nuôi tôm hùm bông, 90% nuôi tôm hùm xanh. Lý do giống tôm hùm bông khan hiếm con giống lại nuôi thời gian dài gần 1 năm mới xuất bán, còn tôm hùm xanh nuôi 6-7 tháng.

Thời gian qua, nuôi tôm hùm gặp khó không chỉ giá thấp mà trong quá trình nuôi không được suôn sẻ vì nguồn nước ô nhiễm, tôm bị bệnh. Ông Phan Văn Thu, người nuôi tôm hùm ở vịnh Xuân Đài than vãn: Thời gian qua, tôm hùm “rớt” rất nhiều vì bệnh, có bữa bè nuôi hao hụt đến 40%.

Cũng theo ông Thu, do vịnh Xuân Đài ô nhiễm nên nuôi ganh, tức là đưa lồng lên cao nổi lưng chừng, chứ không nuôi chìm như trước đây để tránh ô nhiễm tầng đáy.  

Theo Phòng Kinh tế TX Sông Cầu, từ đầu năm đến nay, người nuôi thả nuôi tôm hùm thịt ước khoảng 62.312 lồng, bằng 75% so cùng kỳ. Đến nay với khoảng 10.139 lồng đã được thu hoạch, sản lượng tôm hùm các loại ước đạt 263,6 tấn, bằng 74 % so cùng kỳ.

Giá tôm có tăng nhẹ nhưng sức tiêu thụ chậm vì đầu ra chưa hoàn toàn thông suốt.

Giá tôm có tăng nhẹ nhưng sức tiêu thụ chậm vì đầu ra chưa hoàn toàn thông suốt.

Sức mua chậm

Vịnh Xuân Đài  có diện tích mặt nước khoảng 13.000 ha, trải dài từ Vũng Mắm, Vũng Dông, Vũng Chào, Vũng Sứ đến Vũng La. Có hàng trăm người dân quanh vùng đến các vũng làm nghề nuôi tôm hùm bằng lồng bè.

Ông Trần Hưng, một người nuôi tôm hùm ở Vũng Mắm chia sẻ: Tại vũng Mắm, trước đây trung bình mỗi ngày thương lái thu 5 xe thì nay còn 2 xe. Còn quanh vịnh trước đây mỗi ngày thu mua 25-30 xe thì nay không đến 10 xe.

Bà Nguyễn Thị Xoàn, thương lái thu mua tôm hùm ở TX Sông Cầu cho hay: Trước đây do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên không xuất khẩu được mà chỉ tiêu thụ nội địa. Trung Quốc là thị trường chiếm thị phần rất lớn đối với sản phẩm tôm hùm của Việt Nam, hiện nước này cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, nên mặt hàng tôm hùm bắt đầu xuất khẩu trở lại.

Tuy nhiên các đối tác nước ngoài cấm nhập hàng tiểu ngạch, chỉ cho nhập hàng chính ngạch. Do phần lớn tôm hùm hiện nay đều không có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ nên không thể xuất chính ngạch được. Điều này dẫn đến tôm hùm Việt Nam không xuất đi được, đồng nghĩa với việc bán cho thị trường trong nước, chỉ một số ít xuất được qua tiểu ngạch nên tiêu thụ chậm.

Theo ông Đỗ Văn Chính, Trưởng phòng Kinh tế TX Sông Cầu, địa phương cũng đang xúc tiến xây dựng các phương án sắp xếp lồng bè, thực hiện lộ trình giảm số lượng lồng nuôi. Cùng với đó, thành lập các tổ cộng đồng quản lý, hướng đến vận động thành lập các hợp tác xã nuôi tôm hùm nhằm tăng cường tự quản chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm tôm hùm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Người nuôi thu hoạch tôm hùm xanh ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu)

Người nuôi thu hoạch tôm hùm xanh ở vịnh Xuân Đài (TX Sông Cầu)

Thống kê của Sở NN-PTNT Phú Yên, hiện tổng số lồng, bè nuôi tôm hùm thương phẩm 84.246 lồng, tập trung tại TX Đông Hòa, Sông Cầu và huyện Tuy An, sản lượng hàng năm khoảng 1.000 tấn. Thị trường chính tiêu thụ tôm hùm là Trung Quốc, vừa qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên tôm hùm không xuất được nên chỉ tiêu thụ trong nước.

Hiện nay, giá tôm hùm đang tăng, tôm hùm xanh 700.000đồng/kg loại 1, tôm hùm bông có giá khoảng 1,5 triệu đồng/kg; với giá bán hiện tại người nuôi tôm hùm hòa vốn hoặc có lãi ít. Lượng tôm xuất bán được là tôm hùm xanh, chủ yếu cho thị trường trong nước và nội tỉnh nên không nhiều, dưới 7 tấn/ngày; thời điểm tháng 3 chỉ xuất dưới 1 tấn/ngày. Trước đây thời điểm giá tôm tăng cao, tiêu thụ mạnh, có ngày xuất bán lên đến 50 tấn.

TS Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên, cho biết: Thời điểm hiện nay (tháng 6/2020) là thời gian chính vụ xuất bán tôm hùm tại Phú Yên, tuy nhiên sức mua chậm dẫn đến người nuôi khó khăn về vốn do chi phí thức ăn để lưu tôm và rủi ro dịch bệnh tôm hùm nuôi sẽ tăng, điều này dẫn đến lượng tôm tồn đọng về sau sẽ càng tăng do các lứa tôm thả sau sẽ đến kỳ thu hoạch.

Thời gian đến, các địa phương triển khai các quy định hộ nuôi phải thực hiện đăng ký nuôi đối với nuôi thủy sản lồng bè và các đối tượng chủ lực, đăng ký chứng nhận nuôi trồng thực phẩm an toàn, đăng ký cấp phép nuôi biển.

Đây là cơ sở để hướng đến chứng nhận tính pháp lý cho các vùng nuôi theo quy hoạch, thực hiện được truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đảm bảo các yêu cầu về xuất khẩu hàng chính ngạch cho các sản phẩm thủy sản không chỉ cho thị trường Trung Quốc mà các thị trường khó tính khác như Mỹ, EU.

 

Xem thêm
Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.