Tượng đài thờ Hai Bà Trưng |
Năm 34, vua Hán cử Tô Định sang làm thái thú nước ta. Đây là một kẻ vô cùng tham tàn, bạo ngược và hiếu sắc. Hàng ngày, hắn cho người đi lùng khắp các vùng trong nước ta để bắt gái đẹp về hành lạc và bắt dân cống nạp sừng tê, ngà voi, ngọc trai, trầm hương cùng các sản vật quý hiếm khác, khiến muôn dân vô cùng điêu đứng, khổ sở.
Thấy vậy Thi Sách ngầm mưu đuổi giặc, khôi phục lại vương nghiệp của vua Hùng. Còn Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị là con của Lạc tướng Phong Châu, mẹ nàng là Man Thiện, là cháu gái vua Hùng Duệ Vương thứ 18. Tuy là con gái, nhưng nàng không thích trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, mà chỉ ham mê cùng Trưng Nhị rèn luyện võ nghệ, cưỡi ngựa bắn cung. Một hôm, đang tập võ thì nghe bên ngoài có rất nhiều tiếng kêu khóc. Trưng Trắc bảo em ra xem. Lát sau, Trưng Nhị chạy về bảo chị:
- Đó là tên Ngụy Húc, tay chân của Tô Định, vâng lệnh chủ đến thu sản phẩm quý mà người dân phải nộp theo hẹn. Nhưng người dân không đào đâu ra được để cống nạp, nên Ngụy Húc bắt họ giải về để Tô Định trị tội.
Nghe tin, Trưng Trắc bừng bừng nổi giận, nàng tuốt gươm chạy tới, vung gươm đánh tan đám quân của Ngụy Húc, giải thoát cho dân, bắt hắn quỳ trước mặt mình. Ngụy Húc sợ xanh mặt, cất tiếng van xin. Trưng Trắc bảo:
- Ta không giết ngươi, nhưng ta phải cảnh cáo Tô Định.
Nói xong, nàng xẻo một tai tên giặc Hán.
Thấy tay chân ôm tai chạy về báo, Tô Định nổi xung, sai một tên tướng khác là Tích Lâm đem quân tới. Tuy rất sợ Trưng Trắc, nhưng sẵn thói bạo ngược, Tích Lâm đã cho quân tàn sát dân thường. Trưng Trắc nghe tin, cùng Trưng Nhị xông tới, bắt giết được Tích Lâm. Nghe tin, nhân dân trong vùng vô cùng phấn khởi, nô nức kéo về theo chị em họ Trưng. Tiếng đồn về tài trí và võ nghệ của hai nàng lan sang tận Chu Diên, có người mưu sỹ khuyên Lạc tướng Dương Thái Bình cho người mang lễ vật đến đón Trưng Trắc về làm vợ Thi Sách. Lạc tướng bảo:
- Ta với Lạc tướng Phong Châu vốn là bạn thân. Ngày trước, hai bên đã hẹn nếu một người sinh trai, một người sinh gái thì gả cho nhau. Nay con gái của Lạc tướng Phong Châu đã xinh đẹp lại tài giỏi, âu cũng là duyên trời định.
Nói xong, ông cho người đến Phong Châu dạm hỏi, xin đón Trưng Trắc về làm dâu
Khởi nghĩa Hai Bà Trưng |
Vốn nghe tiếng Thi Sách đã lâu, vợ chồng Lạc tướng Phong Châu vui vẻ nhận lời. Một đám cưới linh đình được tổ chức.
Đôi vợ chồng Trưng Trắc - Thi Sách rất yêu thương nhau, sống với nhau những ngày tháng vô cùng hạnh phúc. Vốn cùng chung ý chí, mưu đồ đuổi giặc, giành độc lập cho đất nước, hai vợ chồng hàng ngày cùng nhau luyện tập võ nghệ, ngầm chiêu binh mãi mã, tích lũy lương thảo.
Một hôm, hai vợ chồng cùng vào rừng săn bắn. Đang đi, chợt một con hổ từ bụi rậm lao ra, nhẩy chồm về phía họ. Thấy vậy, chàng Thi nhẩy xuống ngựa, rút gươm chiến đấu với ác thú. Trong lúc người và vật đáng quần nhau, Trưng Trắc rút một mũi phi tiêu phóng trúng mắt hổ. Thấy con thú khựng lại, Thi Sách đâm liền hai nhát kiếm, giết chết chúa son lâm. Trưng Trắc chạy tới, ngầm rút mũi phi tiêu ra khỏi mắt hổ, kín đáo dành trọn công giết hổ cho chồng.
Đánh hơi thấy cặp vợ chồng Trưng Trắc - Thi Sách đang ngầm phát triển lực lượng, Tô Định ngầm sai một cánh quân mai phục bên đường. Một hôm, Thi Sách vô tình một mình đi tới đó, bị phục binh đổ ra bao vây. Tuy có sức khỏe, lại giỏi võ nghệ, nhưng “mãnh hổ nan địch quần hồ”, chàng đã bị chúng sát hại. Tiếp theo, Tô Định còn cử một đạo quân đến Chu Diên truy lùng Trưng Trắc. Nhận được tin dữ, chị em Trưng Trắc chạy về ẩn náu ở Mê Linh. Vận động nhân dân hưởng ứng, chuẩn bị dựng cờ đền nợ nước, báo thù chồng.
Một hôm, có hai người con gái, đều 18 tuổi, vô cùng xinh đẹp, tìm đến ra mắt Trưng Trắc. Một người xưng tên là Lê Chân, quê ở làng An Biên, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, trấn Hải Đông (nay là làng An Biên, xã Thủy An, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Còn người kia xưng tên là Vũ Thị Thục, vẫn gọi là Vũ Thục nương, quê ở Tiên La (nay là xã Tiên La, huyện Hưng Hà, Thái Bình). Cả hai đều có hoàn cảnh giống nhau. Nghe tin họ đều là người sắc nước hương trời, tên thái thú bạo dâm Tô Định đã cho người về lúng bắt họ để mang về hành lạc. Không cam chịu nhục, cả hai đều bỏ trốn. Tức giận, Tô Định đã hạ lệnh giết cha mẹ của cả hai, giết cả chồng chưa cưới của Vũ Thục nương. Mang nặng mối thù, họ tìm đến gặp Trưng Trắc để mong có ngày rửa được thù nhà, đền được nợ nước.
Trưng Trắc động viên, an ủi họ, phong Vũ Thục nương làm Bát Nàn công chúa, phong Lê Chân làm Lê Chân công chúa, và phái họ trở lại quê nhà, ngầm vận động nhân dân, tích trữ lương thảo, hẹn ngày khởi nghĩa.
Rồi tiếp theo, các nữ tướng Ả Huyền; Ả Chàng (Lê Ngọc Trinh); Ả Lan; Ả Lã Nàng Đê; Ả Lư Đề nương; Ả Long nương... Lần lượt tìm đến dưới cờ tụ nghĩa.
Một hôm, có một người dân mang đến dâng Trưng Trắc một cặp voi, một đực một cái, cả hai con đều rất lớn, có đôi ngà dài, cong vút, nhọn hoắt. Như có linh tính, vừa trông thấy Trưng Trắc, cả hai con voi đều quỳ xuống, gục gặc cái đầu như thể lạy chào. Trương Trắc cưỡi lên một con và bảo Trưng Nhị cưỡi lên con kia. Cả hai con voi đều đứng dậy, vươn vòi hý vang, rất hùng dũng.
Năm 40, thấy thời cơ đã đến, Trưng Trắc lập đàn tế trời đất, tự xưng là Trưng vương, dựng cờ khởi nghĩa. Nghe tin, Bát Nàn công chúa, Lê Chân công chúa và hàng chục tướng lĩnh khác cũng dựng cờ ở các địa phương, kéo quân về Mê Linh tụ hội. Thấy Trưng vương ăn mặc, trang điểm rất đẹp, mọi người hỏi:
- Còn đang có tang, mà sao bệ hạ ăn mặc đẹp như vậy?
Trưng vương trả lời:
- Việc binh cần phải quyền biến, chứ không thể câu nệ. Nếu ta ăn mặc đồ tang, tự làm tiều tụy mình đi thì sẽ làm mất nhuệ khí của ba quân. Cần ăn mặc, trang điểm thật đẹp, để ba quân phấn khởi, tăng thêm khí thế.
Mọi người đều cảm phục.
Ngày xuất quân, trước lư hương trầm nghi ngút và bàn bày lễ vật, Trưng vương ăn mặc, trang điểm rực rỡ, vô cùng xinh đẹp, ba quân hàng ngũ chỉnh tề, bà dõng dạc đọc lời thề:
Một, xin rửa sạch quốc thù
Hai, xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba, kẻo oan ức lòng chồng
Bốn, xin trọn vẹn sở công lênh này
Trưng vương đã đặt thù chồng xuống dưới nợ nước. Bà đọc xong, ba quân đều vung cao vũ khí, thề quyết thắng. Cặp voi chiến cũng vươn vòi rống vang.
Trưng vương cưỡi voi đi đầu, Trưng Nhị cưỡi voi theo sát phía sau. Đoàn quân, với khí thế như thác đổ, tiến thẳng về Long Biên, nơi thái thú Tô Định đóng dinh, không gì ngăn cản nổi. Cuộc khởi nghĩa, đúng như hai sử thần triều Nguyễn là Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái đã mô tả trong tác phẩm “Đại Nam quốc sử diễn ca”
“Bà Trưng quê ở Châu Phong/Giận người tham bạo, thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử, thay quyền tướng quân/ Ngàn tây nổi áng phong trần/ Ầm ầm binh mã tới miền Long Biên/ Hồng quần nhẹ bước chinh yên/ Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành/ Đô kỳ đóng cõi Mê Linh/ Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta...”.
Chỉ trong vài tháng, cả 65 thành trì đã được giải phóng, nước ta được độc lập.