| Hotline: 0983.970.780

Người sáng chế dây chuyền chế biến hạt sen khô

Thứ Tư 15/02/2017 , 08:30 (GMT+7)

Hiện đại, chính xác, dễ vận hành, đó là những gì chúng tôi ghi nhận được từ dây chuyền chế biến hạt sen khô…

Anh Trịnh Văn Định (thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên) là chủ nhân sáng chế dây chuyền chế biến hạt sen khô.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, anh Định từng rất trăn trở mỗi khi thấy những người thợ chế biến hạt sen quê anh, vất vả suốt ngày đêm mà công lao động mới đạt được 60 - 70 nghìn đồng.

Làm thế nào để tăng cao năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho người nghề? Đó là câu hỏi luôn theo anh suốt nhiều năm tháng.

Sau một số năm bươn chải mưu sinh bằng nghề cơ khí, đầu năm 2010 anh Định đã nảy sinh ý tưởng chế tạo máy chặt hạt sen chạy điện và dành hết mọi thời gian cho nghiên cứu và tham khảo nhiều loại máy cơ khí khác nhau.

Qua nhiều lần chế thử, vận hành và hiệu chỉnh, tới cuối năm 2012 anh Định đã cho ra đời chiếc máy chặt sen chạy điện đầu tiên. Theo nguyên lý dùng dao trục chặt tách vỏ từng hạt và vận hành máy bằng điện, nên năng suất lao động đã tăng 3 - 4 lần so với cách chặt hạt bằng tay truyền thống.

13-45-01_cc-my-cht-ht-sen-chu-tich-hop-dy-truyen
Máy chặt tách hạt sen chưa tích hợp vào dây chuyền
 

Ngay sau đó, anh Định đã nhận được hàng trăm đơn đặt hàng mua máy của các chủ nghề chế biến sen trong khu vực. Toàn bộ số tiền lãi thu được từ bán máy, anh Định đều dành đầu tư cho nghiên cứu cải tiến, nâng cao quy trình công nghệ chế biến sen như: Cải tiến dao máy hình trụ sang dao máy hình côn; kết nối các máy chặt sen đơn lẻ thành hệ thống nhiều máy chặt hạt đồng thời; Chế tạo mới các máy trà lụa hạt, máy sàng phân loại hạt, máy thông tâm sen, máy sấy và máy đếm hạt, cùng các loại băng truyền, tời tải nâng hạ, vận chuyển sản phẩm, nguyên liệu…

Đặc biệt, anh Định còn tích hợp toàn bộ các máy hoạt động theo công đoạn độc lập, thành dây chuyền chế biến liên hợp từ nguyên liệu hạt sen thô đầu vào tới đầu ra sản phẩm là hạt sen khô tinh chế... Tất cả đều được tự động hóa, sau ấn nút dây truyền chế biến sen sẽ vận hành đồng bộ, mà không cần người trực máy. Giúp nâng cao năng suất lao động lên gấp 100 lần so với cách chế biến thủ công.

13-45-01_cc-my-cht-ht-sen-tich-hop-thnh-dy-truyen-hot-dong-dong-thoi
Dây chuyền máy chặt tách hạt sen hoạt động đồng thời
 

Nhờ có những sáng chế của anh Định, mà các làng nghề chế biến sen ở Hưng Yên đã giảm căn bản số lao động thủ công, thu nhập của người thợ được tăng lên đáng kể, sản phẩm có tính cạnh tranh cao hơn trên thị trường quốc tế.

Trò chuyện với chúng tôi anh Định cho biết, hạt sen chế biến trên dây chuyền điện máy của anh tự động hoàn toàn, nên sản phẩm làm ra mang màu trắng bạch và sạch 100%. Khác biệt hẳn với sản phẩm sen chế biến truyền thống mang màu ngà, do có thời điểm cần ngâm hạt trong nước.

Để thấy rõ hơn hiệu quả của hệ thống máy chế biến hạt sen do anh Định sáng chế, chúng tôi xin lược qua vài nét về cách chế biến hạt sen truyền thống là: Muốn tinh chế hạt sen trần cho nhu cầu thực phẩm người làm nghề phải chế biến qua rất nhiều công đoạn thủ công tỷ mỉ như, dùng dao rựa (dao chẻ củi) kê từng hạt sen khô trên thớt gỗ cứng để chặt bỏ vỏ, nhưng phải chặt làm sao cho hạt sen (màu hồng) bên trong không bị gẫy vỡ, lao động khỏe có thâm niên vài ba năm, chặt liên tục suốt ngày mởi chỉ được 10 - 11kg sen khô (màu gỗ).

13-45-01_my-sng-phn-loi-ht-sen
Máy sàng, phân loại hạt sen
 

Sau khi loại bỏ được lớp vỏ cứng bao ngoài hạt mới chuyển sang công đoạn bóc bỏ vỏ lụa (màu hồng) bằng cách, ngâm hạt (25 - 30 phút) trong nước sạch có pha phèn chua, khi lụa hạt mềm mới đem ra bóc từng hạt để cho ra sản phẩm sen trắng, người bóc quen tay mỗi ngày cũng chỉ được 3kg.

Cầu kỳ như vậy nhưng vẫn cần thêm công đoạn dùng dao sắc gọt nhẹ hai đầu mỗi hạt tới lộ rõ lõi sen xanh (tâm sen), đồng thời dùng đinh tre chọc đẩy (thông tâm) rút tâm sen ra khỏi hạt, sẽ được các hạt sen trần, tiếp tục sấy trên lò than 5 - 6 giờ cho khô kiệt, đây mới là sản phẩm cuối cùng để cung ứng tới tay người nội trợ. Đó là chưa kể tới việc các chủ nghề khi giao khoán hoặc nhận lại sản phẩm, phải đong đếm bằng “sàng” từng hạt rất mất công.

13-45-01_my-sng-ht-sen
Máy sàng hạt sen
 

Vì hầu hết số tiền kiếm được anh Định đều dành cho nghiên cứu chế tạo máy nên căn nhà vợ chồng anh sống và sinh hoạt hàng ngày, vẫn đơn giản là nhà cấp 4 mái tôn nép mình trong vườn nhãn sum xuê, khiêm nhường như chính chủ nhân sinh ra dây chuyền chế biến hạt sen khô - không muốn quảng bá và đánh bóng bản thân.

 

Xem thêm
Phương châm '3 đủ' trong phòng chống đói, rét cho gia súc

Thái Nguyên Tại huyện Phú Lương, công tác phòng chống đói, rét được thực hiện với phương trâm '3 đủ' là đủ ấm, đủ no, đủ vacxin và thú y phòng dịch.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cay đắng vì mua nhầm giống cúc mâm xôi lạ, chậm trổ bông

Bến Tre Hiện tượng cúc mâm xôi chậm phân cành, chậm phân hóa mầm hoa xảy ra với 70 hộ, số lượng khoảng 149.000 chậu, chiếm khoảng 10% tổng lượng cúc mâm xôi của huyện Chợ Lách.