| Hotline: 0983.970.780

Người thầy giáo thích đánh cược vào thế hệ trẻ

Thứ Sáu 20/11/2020 , 09:50 (GMT+7)

Với niềm tin mạnh mẽ vào học trò, người thầy giáo ấy chưa bao giờ tắt lửa nhiệt huyết trong những giờ dạy trên giảng đường Đại học.

TS. Mai Anh Tuấn đã giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội hơn 10 năm. Ảnh: Lyly.

TS. Mai Anh Tuấn đã giảng dạy tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội hơn 10 năm. Ảnh: Lyly.

Người thầy giáo với phương pháp dạy đặc biệt

Những ngày giữa tháng 11, tia nắng gắt của mùa hạ vẫn còn vương trên tán cây. Cơn gió đầu thu nhẹ đưa chiếc lá rơi xuống sân trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Thấp thoáng xa xa là những bước chân vội vã của cậu sinh viên năm 3. Vừa đi cậu vừa nhẩm lại nội dung những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

“Đối với em các thầy cô không chỉ là người đứng lớp giảng dạy mà còn là những người bạn luôn lắng nghe những điều sinh viên chúng em chia sẻ và đưa ra những lời khuyên chân thành, giúp chúng em tiến bộ qua từng ngày”, nữ sinh Văn Thị Trà My, Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

Hôm nay cậu có buổi thi vấn đáp để kết thúc môn Tác phẩm văn học đương đại. Cậu sinh viên trẻ vừa nhẩm bài vừa lo lắng khi nhớ đến lời các anh chị khóa trên nhắc nhở: “Học hành cẩn thận không học lại nhé, môn này của thầy Mai Anh Tuấn, nổi tiếng khó tính Khoa Viết văn – Báo chí mình đấy.”

Ấy vậy mà bước vào phòng thi lo lắng, thấp thỏm bao nhiêu thì cậu sinh viên lại cảm thấy khó hiểu và kì lạ bấy nhiêu khi đi ra khỏi căn phòng ấy, cậu không biết buổi thi đó có được gọi là thành công hay không khi những kiến thức cần phải kiểm tra chỉ được người thầy gói gọn trong 1 câu hỏi duy nhất.

5 phút còn lại của phần thi vấn đáp trôi qua với việc người thầy ngồi nghe cậu tâm sự, trải lòng về ước mơ, nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của cậu sau này.

Và kể từ buổi thi đó, cảm giác lo sợ ban đầu của cậu về người thầy đã tan biến. Cậu đã hiểu được tại sao các anh chị khóa trên lại hay nói đùa rằng thấy Tuấn bảo dễ tính thì không đúng mà khó tính cũng là sai.

TS. Mai Anh Tuấn: “Đối với tôi sinh viên là những đại cử tri, và việc một giảng viên có thể làm cho những đại cử tri ấy đồng thuận với mình là rất quan trọng. Một môi trường giáo dục Đại học hiệu quả nhất là môi trường tạo ra sự đối thoại, sự phản biện lẫn nhau giữa người học và người dạy. Và tôi thích cái sự căng thẳng trong công việc ấy!”

Người thầy giáo với phương pháp dạy học đặc biệt ấy là Tiến sĩ, Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn, người đã giảng dạy tại Đại học Văn hóa Hà Nội hơn 10 năm nay.

Hơn 10 năm đi dạy, mỗi một thế hệ sinh viên thầy Tuấn sẽ có một cách tiếp cận giáo dục khác nhau. Khi được hỏi về lí do tại sao lại yêu thích công việc giảng dạy như vậy, người đàn ông trung niên nheo mắt cười và trả lời: “Lí do giữ tôi lại với công việc giảng viên Đại học là việc sẽ được tiếp xúc với các thế hệ trẻ. Đó là giai đoạn quan trọng trong cuộc đời của họ và tôi sẽ được đồng hành, được nhìn thấy họ.

Tôi thích lắng nghe những câu chuyện của người trẻ, thích nghe những tâm tư, mơ ước, khát vọng kể cả những băn khoăn, nhầm lẫn của người trẻ.”

“Trong quá trình học tập, các thầy cô luôn tạo những cơ hội tốt nhất để chúng em nhìn thấy được khả năng của bản thân, để từ đó thúc đẩy và gợi ý cho em biết mình nên làm gì để phát triển những khả năng ấy”, nữ sinh Trần Thị Huyền Trang, Khoa Viết văn – Báo chí, trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

“Có lẽ kỉ niệm mà tôi nhớ nhất trong những năm tháng dạy học là nhiều khi quá trình làm việc của tôi với các bạn sinh viên rơi vào trạng thái căng thẳng.

Không phải căng thẳng về quan điểm hay thái độ mà là làm thế nào để đưa ra được những cách thức và giải quyết những lúng túng trong học tập, trong tư duy nghề nghiệp của các bạn sinh viên”.

Theo TS. Mai Anh Tuấn, một giảng viên Đại học có sự khác biệt rất lớn với giáo viên phổ thông.

Đối với giáo viên phổ thông, việc dạy kiến thức là đặc biệt quan trọng vì họ muốn tạo ra kiến thức nền cho người học trong độ tuổi đó. Nhưng giảng viên Đại học ngoài việc truyền dạy kiến thức thì phải nhìn ra được những miền năng lực khác nhau của người học.

“Một sinh viên Đại học có rất nhiều tiềm năng, miền năng lực khác nhau. Một giảng viên Đại học phải là người biết lắng nghe và đánh thức được miền năng lực ấy để cho sinh viên không cảm thấy tự ti, bế tắc khi tìm kiếm công việc phù hợp trong tương lai”, giảng viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ.

Niềm tin mãnh liệt vào học trò

Trong cuộc đời đi dạy của mình, không ít lần thầy Mai Anh Tuấn gặp phải những trường hợp sinh viên cá biệt, lười học, trốn học. Là một người nguyên tắc và nghiêm túc trong công việc, thầy Tuấn sẽ không bao giờ cho phép những điều đó xảy ra trong lớp học của mình. Thế nhưng sâu thẳm trong thâm tâm người thầy giáo chưa bao giờ ông thôi đặt niềm tin vào thế hệ trẻ.

Người thầy giáo luôn trăn trở về những suy nghĩ, tâm tư của thế hệ trẻ. Ảnh: Lyly.

Người thầy giáo luôn trăn trở về những suy nghĩ, tâm tư của thế hệ trẻ. Ảnh: Lyly.

Người thầy bộc bạch: “Tôi không đánh giá sinh viên ở một bài kiểm tra, ở một kết quả cụ thể. Tôi nhìn nhận họ qua cả một quá trình. Có không ít các bạn sinh viên lúc đầu lười biếng nhưng càng về sau càng trưởng thành bằng sự tự ý thức của bản thân. Vì vậy, chúng ta không nên ác cảm, ghét bỏ hay trù dập họ vì điều đó rất phản giáo dục. Ta phải tin rằng người trẻ rồi sẽ trưởng thành như một điều tất yếu”.

Và niềm tin mạnh mẽ của người thầy cũng đã được đền đáp xứng đáng. Rất nhiều lứa sinh viên của Khoa Viết văn – Báo chí đã tốt nghiệp, ra trường và tìm được công việc phù hợp, những công việc mà họ đã từng mơ ước trong suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường.

Nhắc đến những cựu sinh viên mà mình đã từng giảng dạy, thầy Tuấn không ngại ngần bày tỏ niềm hạnh phúc: “Các bạn trẻ trưởng thành tôi vui lắm chứ! Trước hết các bạn sinh viên trưởng thành hơn là điều tốt cho chính bản thân họ. Tiếp đến sẽ trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội.”

“Mỗi khóa chỉ cần có khoảng chục bạn sinh viên trưởng thành, thành công là tôi thấy vui rồi. Những người thầy giáo, cô giáo như chúng tôi chưa bao giờ kỳ vọng sinh viên của mình ra trường sẽ lên chức nọ chức kia. Quan trọng nhất là tôi được chứng kiến họ sống bằng nghề của họ, làm tốt công việc của họ.

Chúng tôi sẽ lấy đó làm động lực để tiếp tục cố gắng và sẽ nêu những sinh viên thế hệ đi trước làm tấm gương để kể lại cho thế hệ sau”, một nụ cười thật tươi xuất hiện trên khuôn mặt vốn nghiêm nghị của người thầy giáo.

Niềm vui của thầy Tuấn không chỉ đến từ việc niềm tin của ông đặt nơi học trò đã đơm hoa kết trái. Thầy biết rằng, không chỉ cậu sinh viên năm 3 kia mà rất nhiều những sinh viên khác từng trải qua buổi thi vấn đáp cùng mình đều nhận ra, dù ít hay nhiều, đối với họ buổi thi đã có thể được gọi là thành công nho nhỏ.

Tiến sĩ, Nhà phê bình văn học Mai Anh Tuấn sinh năm 1983 ở Quảng Bình, đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội, chuyên giảng dạy và nghiên cứu văn chương, văn hóa Việt Nam. Ngoài dạy học, TS. Mai Anh Tuấn còn thường xuyên viết bài phê bình văn học nghệ thuật, điện ảnh đăng tải trên nhiều tờ báo khác nhau.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.