| Hotline: 0983.970.780

Về một nhà giáo không còn nhớ ngày 20/11

Thứ Năm 19/11/2020 , 11:07 (GMT+7)

Nhà giáo người Đức - Sperling trong nỗi nhớ của học trò cũ - Phó Giáo sư Tiến sĩ Lê Minh Khôi (giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM) nhân ngày 20/11.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Minh Khôi trong một chuyến đi khám bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Minh Khôi trong một chuyến đi khám bệnh miễn phí cho đồng bào nghèo.

Không biết run rủi thế nào nhưng trong suốt cuộc đời đi học của mình, tôi là được học với nhiều cô giáo. Cô giáo vỡ lòng ở cái trường làng trống huênh, trống hoác ngày ấy là dì tôi, dì Nghĩa. Dì đúng nghĩa là người Thầy đầu tiên mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn luôn thấy ấm áp mỗi khi nhớ lại những ngày đầu lộc ngộc đến lớp quên mang áo, rửa mặt.  

Rồi cô giáo lớp một, một người đã gieo vào tâm khảm non nớt của tôi một ấn tượng kinh hoàng về những người được gọi là kỹ sư tâm hồn. Rồi đến cô Ngân, chủ nhiệm Bộ môn Nhi, chuyên ngành mà tôi theo học Bác sĩ Nội trú và Giáo sư Brigit Vollmar, người hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi là những người đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong suốt mấy mươi năm đi học của mình.

Tuy nhiên, bài viết này, tôi xin được viết về một nhà giáo đã từng biết về lễ 20/11 nhưng bây giờ đã không còn có thể nhớ về ngày này nữa.

Có thể rất nhiều thế hệ sinh viên của Đại học Y Huế năm nào cũng còn nhớ đến bà: Nhà giáo người Đức- Bác sĩ Sperling.

Hình như lần đầu tôi gặp bà là lúc tôi học năm thứ tư và lần đầu tiên đi lâm sàng Nhi khoa. Tuy nhiên, bà đã nhiều lần về Việt Nam trước đó để giảng dạy và làm việc. Vốn có chút ngoại ngữ nên tôi hay nhanh nhảu trả lời các câu hỏi của nhà giáo người Đức. Vậy là bà chú ý tôi. Thời đó, được một chuyên gia nước ngoài như nhà giáo người Đức - Sperking chú ý động viên quả là một sự khích lệ và nguồn năng lượng vô giá.

Lúc tôi xong chương trình lâm sàng Nhi năm thứ sáu, bà có gọi riêng tôi hỏi về dự định tương lai. Tương lai ư? Lúc đó quả là mù mịt với một đứa như tôi. Những năm 1997- 1998, có được một công việc làm sau khi ra trường quả là điều không tưởng với một sinh viên không tiền và không thân thế.

Bà hỏi khéo liệu tôi có đi thi Nội trú Nhi hay không. Rồi bà nhắn nhủ rằng dù có đi theo chuyên ngành nào thì tôi cũng phải hứa với bà là sẽ cố gắng trở thành giảng viên. Chính bà là người đầu tiên nói rằng tôi có năng khiếu truyền đạt (bà chỉ nhìn vào cách mà tôi phiên dịch khi bà dạy các lớp Y4 và chuyên tu).

Khi tôi làm Bác sĩ Nội Trú Nhi, bà vẫn còn sức khỏe để sang giảng dạy một năm chừng một tháng. Và lúc ấy bà cực kỳ nghiêm khắc với tôi. Nhớ có lần thằng bạn cùng lớp cũ làm buổi giới thiệu sữa, tôi đi phát tờ rơi cho sinh viên bị bà bắt gặp, bà mắng tôi xối xả. Có lúc tôi mang bệnh nhân ra chọc dịch màng tim mà không có siêu âm (dĩ nhiên thời đó siêu âm đâu có ở khoa, trừ cái máy cổ lỗ sĩ ưa thì lên hình, ưa thì không), bà cũng căn vặn tôi mướt mồ hôi.

Hình như niềm đam mê với siêu âm tim trong tôi cũng đã được nhen lửa từ nhà giáo người Đức cực kỳ nghiêm khắc này. Tuy nhiên, những lúc ấy, tôi rất “ngán” bác sĩ Sperling vì bà cứ truy vấn đến tận cùng mọi kiến thức và cách tiếp cận chẩn đoán và xử trí trước một bệnh nhân.

Mỗi lần sang công tác, bác sĩ Sperling gần như gọi tôi bất kỳ lúc nào và tôi, chẳng biết từ lúc nào cũng trở thành chiếc bóng của bà. Có một buổi trưa, bà đến thăm căn phòng nội trú của tôi, vốn là chân một cầu thang của Khoa Nhi, trước đây dùng làm nơi mổ xác, sau đó ngăn tạm bợ lại thành phòng ở của bác sĩ nội trú.

Bà đến, đứng lặng người, nhìn quanh rồi ra. Trong ánh mắt cố giấu của bà, tôi thoáng thấy có gì như loáng nước. Chiều hôm đó, ngồi trong phòng siêu âm với tôi bà cô Ngân- Chủ nhiệm Bộ môn Nhi lúc bấy giờ, bà nói “Ở Việt Nam của các bạn, những ai học giỏi thì người đó bị đày đọa. Đúng không?” Cả tôi và cô Ngân đều ngớ người không hiểu. Bà vừa buồn, vừa có ánh tinh nghịch giải thích: “Khôi nó phải học giỏi mới đủ tiêu chuẩn thi Nội trú. Cũng phải giỏi mới thi đậu Nội trú. Giờ thì nó quần quật suốt ngày đêm 24/7 trong bệnh viện mà phải ở chân cầu thang, không có lương, sống nhờ điều dưỡng. Bạn nó, chắc học kém hơn, đi làm trình dược, quần áo bảnh bao tươi tốt. Không phải học giỏi thì bị đày đọa là gì?”.

 Lúc đó tôi và cô Ngân mới hiểu cái ý châm biếm có phần chua chát xen lẫn buồn thương của bà. Lúc đó chúng tôi cùng bật cười sảng khoái. Cười vì cái phi lý hiển hiện lúc đó. Cười vì cái lý luận có đôi chút thậm xưng của bà. Cô Ngân bảo “Nhưng mà mai mốt Khôi nó sẽ có giá, sẽ có được chỗ làm tốt ở các bệnh viện lớn”. Bà quay sang nhìn tôi vừa như ra lệnh, vừa như cầu xin: làm gì thì làm, phải cố gắng trở thành giảng viên đại học hoặc chí ít cũng làm việc ở một bệnh viện có giảng dạy. Lúc đó tôi gật đầu. Bà biết tôi chưa ý thức được cái hệ trọng trong lời nói của bà nên bảo sẽ gặp sau, vào một ngày trước khi bà về nước.

Sau mấy năm, lúc tôi đi Đức, khi gặp giáo sư hướng dẫn, tôi mới biết bà đã lặng lẽ viết thư giới thiệu tôi với Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) ở Hà Nội cũng như ở Bonn. Bà biết về tôi nhiều hơn cả tôi nghĩ. Biết từ tuổi thơ thiếu đói, biết đến những vất vả thời sinh viên (lúc đi dạy thêm kiếm tiền, đi thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ cho những đàn anh cần có tấm bằng để về báo cáo với tổ chức) và cả những cố gắng, ước vọng của tôi thời nội trú. Thư của bà giờ tôi vẫn còn giữ (tôi xin giáo sư photo lại vì bà không bao giờ nói cho tôi biết là bà giới thiệu).

Mười năm sau đó, khi đã hoàn thành chương trình học tiến sĩ rất lâu và sau khi trở thành giảng viên của một trường Đại học Y có truyền thống của Việt Nam, tôi trở lại nước Đức và quyết tâm đi tìm thăm bà. Lúc này, bà đã không đủ sức khỏe để sang Việt Nam nữa. Lần tìm hoài không có địa chỉ liên lạc vì gửi mail bà không hồi âm. Đành liên lạc về với anh đồng nghiệp bên nhà.

Và biết rằng..

Bà đã vào trại dưỡng lão. Và buồn hơn khi biết bà mắc chứng Alzheimer rất nặng. Dr. Sperling năm nào không còn có thể nhận ra ai khác ngoài đứa con nuôi duy nhất của bà. Lần đó, khi nhận tin, tôi đã khóc một mình giữa mùa đông Munich.

Và cứ mỗi lần được nhận lời chúc mừng hay gửi lời chúc mừng ngày 20/11, tôi vẫn luôn nhớ đến bà. Sự tàn phá của chứng bệnh Alzheimer chắc chắn đã xóa đi tất cả những kỷ niệm về Việt Nam, trong đó có những tháng năm tại Huế, trong ký ức Dr. Sperling (tiếng Đức nghĩa là “chim sẻ”).

Nhưng tôi thì không bao giờ quên. Một nhà giáo người Đức, một người định hướng nghề nghiệp cho tôi. Việc trở thành giảng viên và mãi mãi là giảng viên, đến chừng nào sức khỏe và đầu óc cho phép, cũng là một lời hứa tâm linh của tôi đối với bà.

 Bà có thể quên tôi và không còn nhớ ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhưng tôi không bao giờ quên bà và luôn nhớ lời hứa với nhà giáo người Đức ở quán nước xập xệ trong Bệnh viện Trung Ương Huế ngày đó.

Xem thêm
Tâm sự: Khi mẹ chồng - nàng dâu khó hòa hợp trong cuộc sống hiện đại

Mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu vẫn luôn đầy mâu thuẫn, ảnh hưởng không nhỏ đến hạnh phúc gia đình dù xã hội đã thay đổi.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?