Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, đơn vị trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, còn khoảng 20 ngày nữa là nhà máy kết thúc niên vụ ép 2020 - 2021. Tính đến nay, Nhà máy Đường An Khê đã thu mua được khoảng 850.000 tấn mía nguyên liệu, chủ yếu từ vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai, gồm các huyện KBang, Đăk Pơ, Kông Chro và TX An Khê và một ít tại Bình Định.
“Với giá thu mua mía hiện nay, niên vụ này người trồng mía ở vùng nguyên liệu Đông Gia Lai có lợi nhuận tăng gấp đôi so với trước đây”, ông Nguyễn Hoàng Phước khẳng định.
Theo ông Lê Văn Bộ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Giám đốc HTXNN Tú An 2 (TX An Khê, Gia Lai), đơn vị đang trồng 100 ha mía nguyên liệu, giá thu mua mía nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê trong niên vụ này là cao vượt quá mong đợi của người trồng mía trên địa bàn. Thêm vào đó, năm nay nhờ mưa thuận, từ tháng 5/2020 đã có mưa kéo dài đến tháng 11/2020, nên năng suất mía trong vùng đạt bình quân khoảng 70 tấn/ha, cao hơn mức dự kiến 10 tấn/ha nên người trồng mía lãi to.
Ông Bộ cho biết thêm, năm nay Nhà máy Đường An Khê thu mua mía với giá 980.000 đồng/tấn mía thuần 10 CCS (chữ đường) tại ruộng. Nhà máy sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển từ bến bãi về đến nhà máy tùy theo cự ly xa gần, bình quân 130.000 đồng/tấn, cộng với chi phí trung chuyển 30.000 đồng/tấn mía thuần qua cân, 40.000 đồng/tấn mía gối vụ. Riêng đối với mía sạch, có tạp chất dưới 2%, sẽ được nhà máy hỗ trợ thêm 20.000 đồng/tấn.
“Với năng suất đạt 70 tấn/ha và với giá thu mua nói trên, sau khi trừ chi phí, người trồng mía còn lãi 40 triệu đồng/ha, mức lãi gấp đôi so với trước đây”, ông Bộ phấn khởi cho hay.
Hiệu quả của cây mía trong niên vụ này đã khiến người trồng mía ở HTXNN Thượng Giang (huyện Tây Sơn, Bình Định) có chút chạnh lòng. Bởi, trước đây Thượng Giang là 1 trong những địa phương trồng mía nhiều nhất tỉnh Bình Định với 300 - 400 ha. Thế nhưng sau khi Nhà máy Đường Bình Định giải thể, mặc dù Nhà máy Đường An Khê vẫn xuống tận nơi thu mua nhưng người dân ở đây đã dần quay lưng với cây mía, hiện chỉ còn rất ít diện tích mía đứng trên đồng nên ngành chức năng không màng thống kê.
Theo ông Trần Đình Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTXNN Thượng Giang, niên vụ này Nhà máy Đường An Khê vẫn xuống Tây Sơn (Bình Định) thu mua mía nguyên liệu với giá cao, sau một thời gian dài bị thua lỗ với cây mía, đến năm nay người trồng mía trên địa bàn mới thấy được đồng lãi. “Năm nay giá mía tăng cao nên có một số hộ trong HTX có dự định sẽ quay lại với cây mía, vì trồng mía ít tốn công chăm sóc hơn trồng các loại cây ngắn ngày khác. Tuy nhiên, phần đông nông dân vẫn theo hướng phát triển cây ngô sinh khối. Bởi, hiện kênh Thượng Sơn đã đi vào hoạt động và cung cấp nước rất tốt, tạo thuận lợi cho nông dân canh tác cây ngắn ngày”, ông Thọ chia sẻ.
Theo Tổ thu mua nguyên liệu mía của Nhà máy Đường An Khê tại Bình Định, trong niên vụ ép 2020 - 2021, lượng mía thu mua tại tỉnh này chỉ khoảng 4.500 tấn, chủ yếu tại huyện Tây Sơn và một ít tại xã Nhơn Phúc (TX An Nhơn). Giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng ở Bình Định trong niên vụ này là 1,1 triệu đồng/tấn, vì do đường vận chuyển về nhà máy xa nên người trồng mía được hỗ trợ thêm 240.000 đồng/tấn tiền vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê, để nâng cao giá trị cây mía, nhà máy đã xây dựng những giải pháp cụ thể về giống mía, cơ giới hóa, phân bón, nước tưới. Đặc biệt, nhà máy không ngừng đầu tư nâng công suất ép và hoàn thiện máy móc thiết bị, công nghệ sản xuất để nâng cao hiệu quả thu hồi đường từ mía; đầu tư dây chuyền sản xuất đường tinh luyện RE từ đường thô để cung cấp vào các siêu thị cao cấp và xuất khẩu; nâng cao hiệu quả trong chế biến, tinh luyện.
Nhà máy Đường An Khê còn ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý đồng ruộng để nâng cao hiệu quả điều hành vùng nguyên liệu; ban hành cơ chế chính sách nhân giống mía, chính sách mua mía nguyên liệu theo từng loại giống mía nhằm khuyến khích người sản xuất chuyển đổi theo định hướng cơ cấu giống mía phù hợp; tối ưu hóa trong quản lý sản xuất, giảm tối thiểu chi phí trong từng công đoạn chế biến nhằm hạ giá thành sản phẩm đường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
“Để giảm chi phí đầu vào trong sản xuất mía giúp nông dân có lãi nhiều hơn, không con đường nào khác là phải cơ giới hóa đồng bộ từ khâu trồng đến khâu thu hoạch, theo đó, phải lựa chọn giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với cơ giới hóa”, ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê.