Theo ông Nguyễn Hoàng Phước, Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê (Gia Lai), đơn vị trực thuộc Công ty CP Đường Quảng Ngãi, cơn bão số 9 và bão số 12 quét qua vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai nằm trên địa bàn các huyện Kbang, Đăkpơ, Kongchro và thị xã An Khê khiến hàng ngàn héc ta mía ngã rạp.
Cũng theo ông Phước, vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai nói trên mới chỉ được 9-10 tháng tuổi, đây là giai đoạn cây mía đang sinh trưởng, phát triển mạnh, đặc biệt đây là thời điểm cây mía đang tích đường. Cây mía bị ngã đổ trong giai đoạn này gây tổn thất rất lớn.
“Vùng nguyên liệu mía Đông Gia Lai có 18.000ha. Hiện giờ nhà máy chưa thống kê hết diện tích mía bị ngã đổ trong vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, qua báo cáo sơ bộ thì đã có đến hàng ngàn héc ta mía bị ngã đổ do bão”, ông Phước cho biết.
Theo ông Lê Văn Bộ, Giám đốc HTXNN Tú An 1 (TX An Khê, Gia Lai), diện tích mía HTX quản lý kể cả thành viên chính thức và thành viên liên kết có đến 300ha. Cây mía trên địa bàn Tú An 1 mới trồng vào tháng 2 tháng 3 âm lịch, đến nay mới chỉ được 4-5 tháng. Cây mía đang phát triển sởn sơ thì bị bão xô ngã nghiêng hầu hết diện tích.
“Trong 300ha mía HTX quản lý bị bão quật ngã mất khoảng 60%. Những diện tích mía bị ngã mất năng suất là cầm chắc, thế nhưng mất năng suất đến mức nào thì đến khi thu hoạch mới biết. Đặc biệt, diện tích mía ngã khi thu hoạch sẽ tốn nhiều chi phí hơn, bởi không thể thu hoạch bằng máy, phải thu hoạch theo phương thức thủ công, trong khi mức chi phí thu hoạch bằng phương thức thủ công cao gấp đôi so với thu hoạch bằng cơ giới”, ông Bộ nói.
Khi mía đã bị ngã đổ thì nông dân vừa mất chi phí đầu vào cao hơn, lại bị tổn thất về đầu ra, nông dân trồng mía trong vùng mía nguyên liệu Đông Gia Lai đang đối mặt với 1 vụ mùa thua lỗ nặng.
Ông Phan Lâm Tường, cán bộ thu mua nguyên liệu của Nhà máy Đường An Khê phân tích: Cây mía bị ngã đổ không thu hoạch được bằng máy được sẽ làm nâng giá thành cây mía lên, do chi phí công thu hoạch thủ công cao gấp đôi so với thu hoạch bằng cơ giới.
Nếu thu hoạch bằng máy nông dân chỉ mất khoản chi phí 150.000đ/tấn, nhưng thu hoạch bằng tay nông dân phải trả đến 300.000đ/tấn, cả công chất mía lên xe. Bởi, chặt mía ngã đổ năng suất lao động mất nhiều hơn. Thêm vào đó, cây mía bị đổ ngã ắt nhiên phải mất chữ đường. Mía mất chữ đường thì sẽ không bán được giá cao.
Không chỉ nông dân bị thiệt hại mà nhà máy cũng sẽ tốn chi phí nhiều hơn khi ép mía bị ngã đổ. “Ví như trước đây nhà máy ép 1.000 tấn mía nguyên liệu cho ra được 100 tấn đường, thì với cây mía bị ngã đổ thì chỉ còn cho ra 50 tấn đường, trong khi chi phí nhân công, nhiên liệu, vật tư như nhau.
Thêm vào đó, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng lên do mưa làm hư hỏng đường sá, nông dân phải trung chuyển nhiều đoạn mới đưa được mía lên xe chở về nhà máy”, ông Phan Lâm Tường phân tích.
Đầu tháng 7 vừa qua, để người sản xuất, kinh doanh mía trên địa bàn chủ động đầu tư, chăm sóc mía đứng trên đồng và chuẩn bị làm đất, mua giống trồng mới vụ mía 2020-2021, Nhà máy Đường An Khê đã thông báo giá mua mía nguyên liệu đầu niên vụ ép 2020-2021.
Theo đó, mía nguyên liệu có 10 chữ đường sẽ được nhà máy thu mua tại ruộng với giá 850.000đ/tấn. Về chi phí cước vận chuyển, tùy thuộc vào cự ly xa gần, câp đường vận chuyển mía cụ thể từng bến bãi, nhà máy sẽ ban hành thông báo trước khi vào vụ ép.
“Mía đã ngã đổ thì nông dân không thể tác động vào để khắc phục, phải để nó sinh trưởng, phát triển trong tình trạng ngả nghiêng. Với giá thu mua nói trên, vụ mùa này cầm chắc người trồng mía nguyên liệu sẽ không biết đến đồng lời, bởi mía ngã đổ vừa mất năng suất vừa mất chữ đường thì với cái giá thu mua ấy bà con cầm chắc sẽ bị lỗ. Mía ngã đổ thì chữ đường sẽ bị mất, sẽ chẳng có mấy diện tích đạt 10 chữ đường nên không thể bán được giá mà nhà máy đưa ra, bán giá thấp hơn thì thu sẽ không đủ bù chi”, ông Lê Văn Bộ, Giám đốc HTXNN Tú An 1 (TX An Khê) nói.