| Hotline: 0983.970.780

Dưới những công trình thủy lợi kỳ vĩ

Người tự thiết kế, bỏ tiền để làm đập Văn Phong

Thứ Bảy 12/11/2022 , 08:31 (GMT+7)

Hàng trăm năm tước, một đại phú hào đã tự thiết kế và bỏ tiền túi để xây dựng đập Văn Phong giúp dân tích nước tưới cho ruộng đồng...

Nghiên cứu “thủy thế” với con mắt đời thường!

Đập Văn Phong ngày nay với những ngưỡng tràn như phím đàn piano. Ảnh: Tuấn Anh.

Đập Văn Phong ngày nay với những ngưỡng tràn như phím đàn piano. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ Trần Trước ở thôn Mỹ Đức, xã Tây An (huyện Tây Sơn, Bình Định) năm nay đã 86 tuổi nhưng vẫn còn rất minh mẫn. Là người cả đời gắn bó với ngành thủy lợi Bình Định, nên cụ Trước đã dày công tìm hiểu về ông Văn Phong, người cùng làng Mỹ Đức, cách đây hàng trăm năm đã bỏ tiền bỏ của ra mua vật liệu, thuê nhân công làm con đập bổi ngăn dòng sông Kôn để đưa nước tưới phục vụ cho nông dân.

Cụ trước kể: Ông Văn Phong vốn xuất thân từ 1 gia đình nức tiếng giàu có của làng Mỹ Đức (xã Tây An). Sở hữu “tiền đống bạc vạn” nhưng 2 vợ chồng ông Văn Phong không có con, nên ông muốn dùng của cải mình có làm việc công đức cho đời. Là người gắn bó với nông nghiệp, nên ông Văn Phong dễ dàng nhận thấy nông dân trong vùng không có nước tưới lúa, trong khi sát bên cạnh là dòng sông Kôn mênh mông nước chảy qua địa bàn.

Cụ Trần Trước với tấm bản đồ Hệ thống thủy nông Văn Phong do ông vẽ lúc còn làm Ban Quản lý thủy lợi Văn Phong. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ Trần Trước với tấm bản đồ Hệ thống thủy nông Văn Phong do ông vẽ lúc còn làm Ban Quản lý thủy lợi Văn Phong. Ảnh: Tuấn Anh.

Không chỉ giàu có, ông Văn Phong còn là người có trí, nên ông nghiên cứu ra cách xây dựng con đập bổi chặn dòng nước sông Kôn và hệ thống kênh mương đưa nước về tưới cho ruộng đồng 7 xã phía Đông huyện Tây Sơn và xã Nhơn Mỹ thuộc thị xã An Nhơn (Bình Định).

“Ông bà xưa kể, ngày ấy làm gì có máy móc đo đạc, ông Văn Phong phải đi về tận thượng nguồn sông Kôn để nghiên cứu “thủy thế”, là cái thế nước chảy bằng… kinh nghiệm. Sau đó, ông Văn Phong chọn khúc sông chảy qua huyện Tây Sơn đoạn nối thôn Phú Lạc thuộc xã Bình Thành với xã Bình Tường để dựng đập, bởi ngay đoạn sông này có độ dốc, phù hợp cho việc chặn và đưa nước về xuôi. Vào mùa khô, nước sông Kôn từ thượng nguồn chảy xuống bị con đập chặn lại, chảy qua hệ thống kênh mương dẫn về hạ lưu tưới cho đồng ruộng”, bằng giọng khàn khàn do bệnh, cụ Trần Trước chậm rãi kể.

Cụ Trần Trước (bìa trái) hướng dẫn cho tác giả nhìn bản đồ Hệ thống thủy nông Văn Phong. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ Trần Trước (bìa trái) hướng dẫn cho tác giả nhìn bản đồ Hệ thống thủy nông Văn Phong. Ảnh: Tuấn Anh.

Nhấp ngụm nước trà cho thấm giọng, cụ Trước tiếp câu chuyện về ông Văn Phong: Nghiên cứu xong, ông Văn Phong bỏ tiền túi ra mua vật liệu, vận động nhân công của 7 thôn đi làm đập, đắp mương, công được trả bằng lúa. Ban đầu hệ thống kênh mương chỉ được làm đến xã Bình Hòa, chỉ dài khoảng 6-7km. Sau đó các dòng họ Đặng, Huỳnh, Nguyễn ở các làng Mỹ Đức, Mỹ Yên, Mỹ Thuận (huyện Tây Sơn) góp tiền làm nối kênh mương kéo dài đến 12km. Khi ấy chưa có xẻng sắt, nhân công phải dùng cái “thêu” có hình dáng như cái xẻng bây giờ, nhưng làm bằng gỗ xoài để xúc cát thi công đập và kênh mương. Con đập hoàn thành, người dân địa phương vì quá kính ngưỡng nên đã lấy tên ông Văn Phong đặt tên cho con đập. Con đập mang tên Văn Phong từ đó đến giờ.

Bài liên quan

Theo TS Đinh Bá Hòa, nguyên Giám đốc Bảo tàng tổng hợp Bình Định, trong “Đại Nam nhất thống chí” thời nhà Nguyễn, tại mục “đê đập” có nói đến khá nhiều đập nước được xây dựng trong thời kỳ này, trong đó có đập Văn Phong được xếp hạng là con đập lớn. Sách ghi: “Đập Văn Phong, có tên nữa là đập Kiên Mỹ, ở thôn Trinh Tường, huyện Tuy Viễn, xưa gọi là đập Văn Phong, họp người 7 thôn để đắp. Năm hạn hán, khi đảo vũ người làm cho nước vọt lên như hình mở đập thì được mưa ngay”. Sách “Đại Nam thực lục” cũng có chép: “Vùng hạ lưu sông Kôn, từ Kiên Mỹ đến Thị Nại có hơn 30 đập lớn nhỏ. Hiện nay vùng này vẫn còn một số di tích miếu thờ các bậc tiên hiền có công đắp đập, khai thông mương máng”.

Cụ Trần Trước (bìa trái) kể chuyện với PV về ông Văn Phong tự bỏ tiền túi ra mua vật liệu, thuê nhân công làm đập Văn Phong cách đây hàng trăm năm. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ Trần Trước (bìa trái) kể chuyện với PV về ông Văn Phong tự bỏ tiền túi ra mua vật liệu, thuê nhân công làm đập Văn Phong cách đây hàng trăm năm. Ảnh: Tuấn Anh.

“Xưa, vào thời nhà Nguyễn, ông Văn Phong được triều đình cấp cho trích lục về con đập. Trong trích lục ghi “Nam cận giang, Tây cận sơn, trổ khẩu đầu nguồn, tùng thủy thế, kênh mương mỗi bên 10 trượng có dư…”. Vào năm 1954, có 1 cán bộ nông hội ở huyện Tây Sơn cầm trích lục này đi tập kết ra Bắc nay đã bị thất lạc”, cụ Trần Trước cho hay.

Tổ chức “yểng” Văn Phong

Một tuyến kênh chính của đập Văn Phong  ngày nay. Ảnh: Tuấn Anh.

Một tuyến kênh chính của đập Văn Phong  ngày nay. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau khi xây dựng hoàn thành con đập bổi chắn ngang sông Kôn, ông Văn Phong tiến hành xây dựng luôn hệ thống kênh mương dẫn nước về các xã và tổ chức luôn “yểng Văn Phong” để điều hành việc cung cấp nước tưới.

Theo nghĩa cổ xưa, “Yểng” là 1 tổ chức tự nguyện của những người làm ruộng “ăn” cùng nguồn nước tưới. Một làng có nhiều yểng, hoặc 1 yểng có liên quan đến nhiều làng. Yểng có nhiệm vụ dẫn nước vào ruộng theo các đập nước. Mỗi yểng có một “ban yểng” do những người làm ruộng bầu ra, được tri huyện quản lý chặt về mặt hành chính. Nếu việc chia nước không công bằng, xảy ra kiện tụng, thì quan tri huyện phải trực tiếp xuống xử lý, chia nước ngay tại đập. Mỗi ban yểng có 4 người làm việc tự nguyện, không nhận thù lao. Đứng đầu là chánh yểng, sau là phó yểng và 2 giáp yểng. Dù làm việc không công, nhưng ban yểng phải cần chi phí, do đó, ban yểng được bán mỗi năm 4 giờ nước để lấy tiền mà chi phí công cán.

Cụ Trần Trước đứng trước đền thờ ông Văn Phong được trùng tu đã gần hoàn thành. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ Trần Trước đứng trước đền thờ ông Văn Phong được trùng tu đã gần hoàn thành. Ảnh: Tuấn Anh.

Sau này, hàng năm vào vụ đông xuân, sau khi tổ chức ngày kỵ ông Văn Phong vào ngày mùng Một tháng 11 âm lịch, các yểng cử người đi khảo sát đập, khảo sát kênh mương, ghi nhận những hư hỏng để tính ra ngày công tu sửa. Từ ngày công quy ra lúa, lấy số lúa ấy chia trên đầu mẫu ruộng ăn nước để thu tiền sử dụng nước của nông dân. Vụ hè thu thì vào mùng Một tháng Tư âm lịch, sau khi tổ chức ngày kỵ của bà Văn Phong là các ban yểng lại tỏa ra khảo sát đập, nạo vét kênh mương. Thời cao điểm có đến 500 nhân công ra quân nạo vét kênh mương để đường nước được thông suốt về các cánh đồng.

“Hằng năm, việc cắt bổ đắp đập, khai mương tùy từng điều kiện cụ thể mà có sự phân công rõ ràng, ai không đi thì phải nộp tiền. Ai không đi mà cũng không nộp tiền thì ban yểng sai giáp yểng mang thanh la đi “tróc”. Nếu người nào không có tiền nộp thì giáp yểng có quyền xiết nợ, tịch thu tài sản về phát mãi, dùng tiền này thuê nhân công tu bổ kênh mương. Hệ thống yểng tồn tại đến sau ngày giải phóng thì được đổi tên thành Ban Quản lý thủy lợi Văn Phong”, TS Đinh Bá Hòa, giải thích.

Đền thờ ông Văn Phong được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử vào ngày 9/11/2012. Ảnh: Tuấn Anh.

Đền thờ ông Văn Phong được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử vào ngày 9/11/2012. Ảnh: Tuấn Anh.

Mô hình “yểng” quản lý thủy nông từ thời ông Văn Phong trường tồn đến mãi sau này. Theo cụ Trần Trước, sau năm 1975, khi ông nhận chức Phó Ban Quản lý thủy lợi Văn Phong, Ban này đã cử người vào rừng chặt 500 cây sầm (gỗ) có đường kính 1cm, dài 4m để đóng cọc từ bên này sang bên kia sông Kôn dài đến gần 1km để làm mới đập bổi Văn Phong vì những cây sầm được đóng làm đập trước đó đã hư hỏng.

Những cây gỗ được đóng 3-4 lớp chiều ngang, trái trả nhau, sau đó dùng tre đan phên làm lạch chèn vào những cây sàm và chắn cát phía thượng lưu và hạ lưu đập. Cây róng dùng để buộc ngang và xiên được làm bằng cây to cả người ôm, được đóng xiên để đập không ngã về phía hạ lưu. Giữa đập được bố trí 1 con lạch để làm tràn tự do.

Dưới lạch là lớp cát, đến lớp bổi, trên xếp bao cát, tre, mía cây…được lèn rất chặt để không bị lỗ mậu, bị nước cuốn trôi. Lũ về, nước chảy qua lạch như chảy qua tràn tự do bây giờ tránh vỡ đập. Mỗi năm 1 lần, Ban Quản lý thủy lợi Văn Phong cho nhân sự của 4 tổ thủy nông của 4 xã Tây An, Tây Vinh, Tây Bình và Bình Hòa vào rừng chặt cây bụi về gia cố đập bổi Văn Phong.

Cụ Trần Trước với đền thờ ông Văn Phong trước khi được trùng tu. Ảnh: Tuấn Anh.

Cụ Trần Trước với đền thờ ông Văn Phong trước khi được trùng tu. Ảnh: Tuấn Anh.

“Điều đáng ngưỡng mộ nhất về ông Văn Phong là dù không có máy móc đo đạc, mà khi ấy ông đã tính toán được “thủy thế” mà làm đập không bị vỡ, kênh mương không bị lũ lụt bức phá. Giữa đập ông Văn Phong cho làm tràn, để đến mùa lũ nước qua tràn tự do không gây bức đập; các tuyến kênh mương đều có các cửa khẩu để xả lũ nên công trình luôn an toàn”, cụ Trần Trước chia sẻ.

“Di tích đền thờ ông Văn Phong được nhân dân địa phương dựng tại quê ông làng Mỹ Đức, xã Tây An (huyện Tây Sơn) để tưởng nhớ bậc tiên hiền có công ngăn sông, thông mương đưa nước về đồng ruộng. Đền thờ Văn Phong được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử vào ngày 9/11/2012, hiện đã được tôn tạo với kinh phí gần 7 tỷ đồng, đang hoàn thành công đoạn cuối, ngày giỗ ông Văn Phong mùng Một tháng 11 năm Nhâm Dần âm lịch tới đây sẽ tổ chức lễ khánh thành”, cụ Trần Trước chia sẻ.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.