| Hotline: 0983.970.780

Ngàn lẻ một chuyện làng

Người xứng đáng được dân dựng đền thờ

Thứ Sáu 02/04/2021 , 08:45 (GMT+7)

Đầu ngõ có tấm biển: 'Cây nhãn tổ ông Miền'. Trong vườn có gốc nhãn ghi: 'Cây bảo tồn'. Nhưng nay anh đã mất hơn 20 năm còn vợ con thường đi làm ăn xa.

Anh Miền bên cây nhãn đạt giải ưu tú năm 1999. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Anh Miền bên cây nhãn đạt giải ưu tú năm 1999. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Phát lộc cho dân

Anh Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, người dẫn tôi đến cũng là em út của anh Nguyễn Văn Miền. Thấy cửa đóng, anh phải gọi điện thoại cho chị dâu để hỏi chỗ giấu chìa khóa.

Trên ban thờ, di ảnh của anh Miền trong bộ quân phục trông rất trẻ trung còn trên tường là bức ảnh anh chụp với cây nhãn đoạt giải nhất tỉnh năm 1999. Từ gốc nhãn đó người ta đã nhân ra hàng ngàn, vạn ha nhãn Miền khắp cả nước trong khi chủ nhân của nó cùng với gia đình gặp nhiều nỗi truân chuyên.

Nhà anh Miền có tới 9 anh em trong đó người cả có tên Nguyễn Văn Gang vốn là kế toán xã. Đầu những năm 80 của thế kỷ trước anh Gang có lần xuống thị xã Hưng Yên mua mấy chùm nhãn lồng về mời bố mẹ, anh em đến ăn rồi lấy hạt đem ươm được hơn 100 cây, cho mỗi người một ít. Còn một cây nhỏ quá không có ai lấy, anh Miền mới xin về trồng trong vườn.  

Sau khoảng 5 năm theo dõi, anh nhận thấy cây nhãn tuy bé nhưng cho quả rất to, sai và ra muộn, khác hẳn với giống thông thường. Hàng năm mỗi khi nhà có đình đám anh đều bẻ nhãn xuống để ăn rồi nhờ mọi người nhận xét. Tất cả đều gật gù khen ngon, khen quý. Giống nhãn đó được đặt tên là Miền-Thiết tên của vợ chồng anh hay chỉ đơn giản gọi là nhãn Miền.

Di ảnh của anh Miền. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Di ảnh của anh Miền. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Từ năm 1987, anh Miền đã nhân giống nó, lúc đầu chỉ chiết nhưng hệ số nhân rất chậm, cây yếu. Mấy năm sau, anh phát minh ra kỹ thuật áp nhãn tức đem treo bầu cây nhãn trồng thực sinh vào cây nhãn này, dùng dao sắc vạt hai đầu rồi ốp vào nhau, lấy dây chun buộc lại. Chuyện mượn gốc lấy ngọn đó, làm 100 cây cũng mới chỉ sống được cỡ 20 cây nhưng đó là điều mà ngay cả các nhà khoa học khi đó cũng chưa từng được áp dụng. Tiếp đó, anh còn sáng tạo ra kỹ thuật ghép nhãn cải tạo với nhiều lợi thế tốc độ nhanh gấp 50 - 70 lần chiết, mượn được gốc cây của vườn cũ nên chỉ sang năm thứ hai là cho quả.

Đầu tiên họ lan tỏa trong họ hàng rồi làng xóm bằng cách đi ghép thuê. Khi người thuê nhiều quá, mấy anh em làm không xuể thì thuê thêm lao động, giúp cả làng đều biết ghép. Nhờ ăn ở dầm dề trong vườn như thế mà trong số vài trăm kẻ làm thuê về sau có nhiều người lại trở thành những nông dân tỉ phú, giàu có hơn hẳn các ông chủ ngày xưa.

Hầu hết những vùng trồng nhãn nổi tiếng sau này mà nhất là ở tỉnh Sơn La đã được cải tử hoàn sinh từ trên chính gốc nhãn thực sinh năng suất, chất lượng thấp đều do mấy anh em nhà anh Miền chuyển giao công nghệ. Tỉ phú nông dân Nguyễn Văn Tập ở xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La hiện có tay tổng tài sản cỡ 50 tỉ bảo với tôi rằng vốn quê gốc ở gần nhà anh Miền nên từng tìm đến mua giống, học công nghệ. Đang từ nhãn cỏ bán 2.000 đồng/kg không ai mua chỉ năm sau bán 20.000 đồng/kg mà lại đắt khách, mừng quá ông mới về quê, đến nhà anh Miền để cảm ơn thì không ngờ đó đã là lễ 49 ngày của ân nhân…

Nếu anh Miền bo bo giữ bí quyết này mà chỉ bán mỗi giống thôi thì sẽ rất giàu nhưng hàng ngàn, hàng vạn nông dân khác sẽ mất đi cơ hội hưởng lộc. “Mình làm giàu nhưng cũng giúp cho mọi người cùng làm giàu mới quý”, anh Nguyễn Văn Thế kể với tôi về tâm niệm của họ khi đó.

Anh Thế bên cây nhãn gốc của anh trai mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Thế bên cây nhãn gốc của anh trai mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trở lại chuyện năm 1999 tỉnh Hưng Yên phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả tổ chức hội thi nhãn gồm 3 trà sớm, trung, muộn. Vườn nhãn của người anh cả tên Gang lúc đó rộng hơn 1 mẫu, rất đẹp nên được mời nhưng anh lại bảo: “Anh chẳng làm cây giống nên không cần thiết đi thi cử làm gì, thôi các chú đang làm cây giống (4 người gồm Nguyễn Văn Hắc, Nguyễn Văn Miền, Nguyễn Văn Lập, Nguyễn Văn Thế) thì nên đi”.

Vậy là anh Miền đem quả của giống nhãn mang tên mình đi thi và không có đối thủ khi đạt giải ưu tú nhờ các đặc điểm: Quả to, bình quân 45 - 55 quả/kg (gần như quả vải thiều); cùi dày, thơm đặc trưng; độ ngọt cao; mã sáng; ra rất muộn… Sau khi đạt giải mấy tháng, anh bị hắt hơi, sổ mũi, uống thuốc mãi không khỏi nên đi khám, được kết luận là ung thư phổi.

Không tin vào kết quả đó anh Miền mới rủ em út lên bệnh viện K khám lại. Kết quả vẫn thế nhưng không muốn để cho anh mình biết, anh Thế mới dối rằng: “Anh không phải là ung thư đâu, kết quả trước là nhầm đấy!”. Lấy thuốc về uống, thấy đỡ, phấn khởi quá anh Miền mới sai vợ con đi mua ngan về để cả nhà liên hoan. Sau đó vài ngày, anh Miền lại than với anh Thế: “Chú ạ, tao thấy không ổn lắm. Nó lại đau như cũ”.

Lại đi viện, lần này anh Miền không cho người khác lấy kết quả nữa mà tự mình đi. Nghe bác sĩ nói thật: “Anh phải chuẩn bị tinh thần đi, ung thư giai đoạn cuối rồi”, anh suy sụp lắm khiến cho mấy anh em phải động viên mãi.

Anh Thế đang mở khóa ngôi nhà của anh trai mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Thế đang mở khóa ngôi nhà của anh trai mình. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tâm nguyện trước lúc chết

Về sau khi bệnh tình trở nặng, đau quá phải tiêm cả moóc phin nên anh Miền mới dặn anh Thế rằng: “Anh chắc chắn không thể sống được. Chú được ăn học nên có lắm hoài bão nhưng anh thấy giống nhãn này phát triển rất tốt, tương lai nó sẽ hợp với nhiều địa phương. Chú nên suy nghĩ đầu tư”.

Anh Miền ra đi năm mới 41 tuổi, để lại một gia sản khá lớn cho vợ con gồm căn nhà mái bằng làm năm 1995 trị giá hơn 100 triệu ngang mấy chục suất đất, một chiếc xe Cub 82 mua từ hồi cả làng chưa ai có, trị giá gần 30 triệu. Tiền mặt thì không rõ có bao nhiêu nhưng quý nhất là số cây nhãn giống.    

Nhãn Miền trong một cuộc hội thi. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Nhãn Miền trong một cuộc hội thi. Ảnh: Tư liệu gia đình.

Càng ngẫm đến lời khuyên của người anh quá cố, anh Thế càng thấy đúng. Ở làng mãi cũng khó phát triển, năm 2003 anh thuê vườn nhãn hàng trăm cây của trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Tô Hiệu để ghép cải tạo và lập vườn ươm. Lúc đó cũng chỉ nghĩ đơn giản rằng phải ra đó nhiều người mới biết đến mình. Từ bấy, hàng vạn cây nhãn Miền cùng công nghệ ghép cải tạo được đưa đi khắp mọi miền của tổ quốc. Khu vườn mẫu của anh Thế rộng chỉ 3ha nhưng lãi mỗi năm cỡ 300 triệu, được vinh danh là 1 trong 40 Cánh đồng vàng toàn quốc trong một cuộc thi...

Giờ đây, nhớ lại, anh Thế bảo thời điểm huy hoàng nhất của mấy anh em là quãng năm 1995 - 2005. Năm 1995 khi mỗi cân nhãn lồng 30.000 - 40.000 đồng, nhà anh Gang đã thu mỗi vụ cỡ 20 cây vàng. Từ năm 1995 - 1999 anh Miền mỗi vụ thu 200 - 300 triệu, tương đương 40 - 50 cây vàng nhờ vào bán giống.

Trong bốn anh em làm giống ngày xưa, giờ chỉ còn có hai duy trì là Nguyễn Văn Lập - Giám đốc HTX Nhãn Miền Thiết và Nguyễn Văn Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàm Tử. Vợ anh Miền bán cây giống đến cỡ năm 2010.

Khu đất còn lại của gia đình anh Miền. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khu đất còn lại của gia đình anh Miền. Ảnh: Dương Đình Tường.

Gieo quả ngọt cho cả vạn gia đình nông dân ở các tỉnh như Hưng Yên, Sơn La, Bắc Giang, Thái Nguyên… nên nhiều người mong có một ngôi đền thờ anh Miền. Theo anh Thế, ngay cả ở làng xã cũng ý kiến nên xây một gian thờ tự cho anh Miền. Bản thân anh từ lâu ấp ủ xây một nhà thờ nho nhỏ, mái lợp ngói trước sân nhà sát với vườn của người anh trai đã mất. Gian đầu thờ tổ tiên, gian thứ hai thờ ông bà bố mẹ, gian thứ ba thờ riêng anh Miền trong đó bày các giấy chứng nhận cùng hiện vật.

“Ai đi xa, về gần, thăm cây nhãn tổ, có tâm chỉ cần thắp cho anh ấy một nén nhang thế cũng là hạnh phúc rồi chứ chúng tôi không cần công đức gì cả”. Anh Thế bảo vậy. Ước tính nhà thờ đó xây mất 300 - 500 triệu nhưng điều kiện kinh tế của các anh hiện nay chưa có nên mơ ước vẫn chỉ là ước mơ.

Nhãn lồng Hưng Yên vốn nổi tiếng là loại ngon nhất nhì miền Bắc từ xưa nhưng ngày nay giống này do năng suất bấp bênh, hiệu quả kinh tế kém nên đã bị thay thế bởi nhãn Miền. Năm 2010, nhãn Miền còn được công nhận là giống quốc gia.

Xem thêm
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hội nghị Pháp ngữ

Báo Nông nghiệp Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên Tạp chí Influences nhân dịp tham dự Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19.

Chuyện chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở vựa rau Minh Tân

Ông Đinh Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội thông tin, địa phương có 587 ha đất nông nghiệp trong đó có 160 ha rau.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Bình Phước điều động, bổ nhiệm 6 lãnh đạo sở, ngành

UBND tỉnh Bình Phước vừa công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác cán bộ, điều động, bổ nhiệm 6 lãnh đạo sở, ngành và địa phương.