| Hotline: 0983.970.780

Sau kiện toàn, Văn phòng nông thôn mới ở Hà Tĩnh bộc lộ bất cập

Thứ Tư 30/08/2023 , 06:00 (GMT+7)

Chính quyền Hà Tĩnh cho rằng, Văn phòng NTM chưa được xác định rõ vị trí pháp lý là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp hay một loại hình nào khác.

Chính vì điều này sau kiện toàn sắp xếp, mô hình này đang như mớ bòng bong, công chức, người lao động sa sút tinh thần, phong trào làm NTM tại các địa phương giảm sút, nhiều tiêu chí vì thế mà có nguy cơ tụt hậu.

Một Hà Tĩnh được Thủ tướng Quyết định giao nhiệm vụ xây dựng tỉnh NTM vào năm 2025 nhưng với cách vận hành như hiện nay, nếu không giải quyết kịp thời thì nguy cơ tỉnh NTM sẽ nằm trên giấy.

Kiện toàn đúng quy định nhưng hiệu quả hoạt động giảm sút

Câu chuyện “khắc nhập, khắc xuất” hay kiện toàn lại các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng bộc lộ khá nhiều bất cập, lúng túng, ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hiệu quả công việc.

Việc kiện toàn văn phòng điều phối nông thôn mới (NTM) cấp tỉnh, huyện tại Hà Tĩnh theo Quyết định 1920/QĐ-TTg ngày 05/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ đang đặt ra nhiều vấn đề.

Trong báo cáo mới nhất Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh ký gửi Bộ NN-PTNT và Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã phân tích rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập của mô hình tổ chức văn phòng NTM cấp tỉnh, huyện sau một thời gian kiện toàn, hoạt động.

Đối với văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh: Theo Quyết định 1920, văn phòng NTM cấp tỉnh chưa được xác định rõ vị trí pháp lý là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp hay một loại hình nào khác. Do không có căn cứ pháp lý quy định cụ thể nên trong tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, có nhiều nhiệm vụ UBND tỉnh giao hoặc các nhiệm vụ phát sinh khi văn phòng NTM tỉnh tham mưu lại phải chuyển Sở NN-PTNT tham mưu.

Việc điều phối thực hiện chương trình xây dựng NTM chưa thực sự hiệu quả vì văn phòng NTM tỉnh là tổ chức giúp việc cho BCĐ các Chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh, không phải là cơ quan tham mưu giúp việc UBND tỉnh nên không điều phối được một số nội dung trong triển khai thực hiện chương trình.

Thời gian trước, vai trò tham mưu, đôn đốc cơ sở thực hiện Chương trình của văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện rất quan trọng và phát huy hiệu quả tốt. Ảnh: Thanh Nga.

Thời gian trước, vai trò tham mưu, đôn đốc cơ sở thực hiện Chương trình của văn phòng điều phối nông thôn mới cấp tỉnh, huyện rất quan trọng và phát huy hiệu quả tốt. Ảnh: Thanh Nga.

Ngoài các chức năng, nhiệm vụ được giao như trong giai đoạn 2016 - 2020 thì hiện nay bổ sung một số nhiệm vụ mới với khối lượng công việc lớn như tham mưu BCĐ các chương trình MTQG và xây dựng đô thị văn minh tỉnh thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021 - 2025” và 6 chuyên đề chuyên sâu về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành thì cơ cấu tổ chức bên trong của văn phòng NTM cấp tỉnh không có phòng chuyên môn, nghiệp vụ nên khó khăn trong việc phân công nhiệm vụ cho công chức để triển khai thực hiện.

Các công chức làm việc chuyên trách tại văn phòng NTM cấp tỉnh nhưng biên chế thuộc Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT) nên gặp rất nhiều khó khăn. Rõ nhất là các bất cập trong công tác thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức như việc sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, nâng bậc lương; đánh giá, xếp loại; khen thưởng, xử lý kỷ luật; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ và thực hiện các chế độ, chính sách khác đối với công chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Chi cục Phát triển nông thôn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của cán bộ, công chức; chưa tạo được động lực, ý chí phấn đấu, môi trường để cán bộ, công chức yên tâm công tác, phấn đấu và cống hiến.

Đặc biệt, văn phòng NTM cấp tỉnh cũng chưa có cơ sở lập, trình thẩm định phê duyệt dự toán và thực hiện công tác quyết toán ngân sách hàng năm và không có cơ sở để quản lý, sử dụng tài sản do chưa xác định rõ thuộc cấp dự toán ngân sách nào.

Đối với cấp huyện, theo quy định của Quyết định 1920 thì nhân sự làm việc tại văn phòng điều phối NTM cấp huyện gồm một số công chức chuyên trách của Phòng NN-PTNT (phòng Kinh tế) trong tổng biên chế được giao và công chức cấp phòng của các phòng, ban liên quan cử đến, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, trong khi khối lượng công việc của các phòng chuyên môn cấp huyện nhiều, biên chế được giao ít nên việc bố trí công chức làm việc tại văn phòng NTM cấp huyện gặp nhiều khó khăn, không phát huy được hiệu quả.

Chùng xuống đáng báo động

Qua trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, từ những người đứng đầu, thực hiện nhiệm vụ chuyên trách NTM cho đến cán bộ cấp huyện, xã, thôn xóm và người dân đều nhận thấy một thực tế đáng báo động, phong trào NTM ở Hà Tĩnh đã chùng xuống rất nhiều so với giai đoạn trước, nếu không muốn nói “đi thụt lùi”.

Thời gian gần đây phong trào xây dựng NTM ở cơ sở đã chùng xuống đáng báo động. Ảnh: Thanh Nga.

Thời gian gần đây phong trào xây dựng NTM ở cơ sở đã chùng xuống đáng báo động. Ảnh: Thanh Nga.

“Trước đây nhà nhà làm NTM, người người làm NTM nhưng giờ thì không. Cái dễ nhận thấy nhất chính là việc chỉnh trang đường làng ngõ xóm và vệ sinh môi trường nông thôn. Khi có cán bộ tâm huyết, xuống cơ sở động viên, đôn đốc người dân sẽ xắn tay cắt tỉa hàng rào xanh hay dọn vệ sinh liên tục nhưng bây giờ, gần như chẳng ai làm những việc đó nữa”, một trưởng thôn ở xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn nhìn nhận.

Ngay Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thạch Hà cũng thẳng thắn nói: “Trước đây khi chưa kiện toàn văn phòng NTM vào Phòng nông nghiệp, tính chuyên trách của công chức thể hiện rõ nét nhưng bây giờ khi nhập vào Phòng, công chức phải kiêm nhiệm thêm nhiều nhiệm vụ nên hiệu quả công việc hạn chế rất nhiều. Nói chung hình ảnh văn phòng NTM cấp huyện bây giờ mờ nhạt, khó chỉ đạo cấp xã. Mà khi trên không có gam độ mạnh thì ở dưới có làm cũng một vừa hai phải”.

Oái oăm hơn, như huyện Kỳ Anh, thời điểm này đang “chạy nước rút” phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM trong năm 2023 nhưng sau khi kiện toàn, qua các giai đoạn, cán bộ phụ trách NTM ở huyện này “rơi rụng dần”, không có người kế nhiệm. Mỗi giai đoạn là một người mới nên công tác cập nhật, báo cáo tiến độ, tham mưu chỉ đạo thực hiện chương trình gặp nhiều khó khăn.

Khi tâm lý công chức không còn mặn mà cống hiến thì phong trào xây dựng NTM sẽ khó bền vững. Ảnh: Thanh Nga.

Khi tâm lý công chức không còn mặn mà cống hiến thì phong trào xây dựng NTM sẽ khó bền vững. Ảnh: Thanh Nga.

“Phòng chỉ có 4 biên chế, phụ trách cả núi việc liên quan đến mảng trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, phòng chống thiên tai của 20 xã đã rất vất vả. Bây giờ thêm mảng NTM nữa mà mỏng người quá nên việc khâu nối, tổng hợp, tham mưu Ban chỉ đạo khó kịp thời”, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kỳ Anh nói.

Rõ ràng, sau khi kiện toàn lại theo Quyết định 1920, quyền lợi của 15 biên chế chuyên trách Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh đang bị ảnh hưởng rất lớn. Bản thân người lao động hoang mang, chán chường khi cống hiến mà không được ghi nhận. Các chế độ thi đua khen thưởng hàng năm trước đây được quan tâm bao nhiêu thì bây giờ thiệt thòi bấy nhiêu.

“Khi tâm lý công chức không còn mặn mà cống hiến thì phong trào xây dựng NTM sẽ chùng xuống. Nếu Trung ương không có những hướng dẫn đồng nhất mô hình văn phòng NTM cấp tỉnh, huyện trong toàn quốc sẽ rất khó để các địa phương vận hành hiệu quả”, một cán bộ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Hà Tĩnh nói.

Trên cơ sở những vướng mắc từ thực tiễn hoạt động hiện nay, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ NN-PTNT, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phối hợp Bộ Nội vụ nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền quy định hoặc quy định, hướng dẫn cụ thể các nội dung liên quan đến mô hình tổ chức của văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh theo hướng:

“Là tổ chức trực thuộc UBND tỉnh, thực hiện chức năng giúp BCĐ các Chương trình MTQG quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu tổ chức bên trong, bố trí từ 2 - 3 phòng trực thuộc. Việc tổ chức phòng trực thuộc phải đảm bảo tiêu chí thành lập phòng của các tổ chức hành chính theo quy định pháp luật hiện hành”, văn bản nêu.

Kiện toàn lại để nâng cao hiệu quả chương trình song nếu kiện toàn lại mà bộc lộ quá nhiều bất cập thì cũng cần xem xét lại để điều chỉnh phù hợp thực tiễn. 

Kiện toàn lại để nâng cao hiệu quả chương trình song nếu kiện toàn lại mà bộc lộ quá nhiều bất cập thì cũng cần xem xét lại để điều chỉnh phù hợp thực tiễn. 

Mỗi tỉnh làm một kiểu

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM toàn quốc, giai đoạn 2021 - 2025, báo cáo của Bộ NN-PTNT cũng đã nhận thấy những hạn chế về “mô hình tổ chức và cơ chế làm việc của văn phòng điều phối NTM cấp tỉnh ở các địa phương có sự khác nhau, chưa có sự đồng nhất (có địa phương văn phòng NTM tỉnh trực thuộc UBND tỉnh; có địa phương trực thuộc Sở NN-PTNT; có địa phương thuộc Chi cục Phát triển nông thôn…).

Văn phòng điều phối NTM cấp huyện không có con dấu riêng mà sử dụng con dấu chung của Phòng NN-PTNT hoặc Phòng Kinh tế nên hạn chế tính chủ động trong quá trình triển khai công việc.

Cán bộ làm công tác xây dựng NTM ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai công việc cũng như theo dõi, tổng hợp thực hiện chương trình ở cơ sở”.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.