| Hotline: 0983.970.780

Nguy cơ thiếu nước lưu vực sông, hồ chứa lên tới 40% cuối mùa khô 2023

Thứ Ba 09/05/2023 , 18:31 (GMT+7)

Các hồ chứa lớn; hệ thống lưu vực sông khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ dự báo có thể thiếu hụt nước từ 15 - 40% vào cuối mùa khô 2023.

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có khuyến cáo về tình trạng thiếu hụt nước trên các hệ thống sông chính của khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và các hồ chứa nước vào các tháng cuối mùa cạn năm nay.

Theo Bộ này, hiện nay, mực nước các hồ chứa lớn, quan trọng đều đang ở mức rất thấp, thiếu hụt so với quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trong thời kỳ mùa cạn trên các lưu vực sông.

Mực nước hồ chứa trung bình thấp hơn trong khoảng từ 0,4m đến 24m, tương ứng tổng lượng nước thiếu hụt trong khoảng từ 16 đến 389 triệu m3. Cụ thể một số hồ chứa lớn như hồ Bản Vẽ (thiếu hụt 389 triệu m3), Ngàn Trươi (thiếu hụt 222,7 triệu m3), A Vương (thiếu hụt 48,26 triệu m3), Buôn Tua Srah (thiếu hụt 111,3 triệu m3), Sông Tranh 2 (thiếu hụt 68,4 triệu m3)…

Hồ thủy lợi Ngàn Trươi.

Hồ thủy lợi Ngàn Trươi.

Với tình trạng thiếu hụt nguồn nước như nêu trên, cùng với nhận định xu thế khí tượng thủy văn, khả năng ảnh hưởng của hiện tượng El Nino và nhận định sớm về nguy cơ thiếu hụt nguồn nước đến cuối mùa cạn năm 2023 của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.

Trong đó, dòng chảy có thể thiếu hụt từ 15 - 50% trên các sông so với trung bình nhiều năm. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn được dự báo thấp hơn từ 15 - 35% so với trung bình nhiều năm.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn có khả năng sẽ diễn ra nghiêm trọng.

Ban bố giải pháp cấp bách giảm thiểu nguy cơ thiếu nước

Để chủ động, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thiếu nước có thể xảy ra trên các lưu vực sông miền Trung, Tây Nguyên, bảo đảm cân đối đủ nguồn nước cấp cho hạ du các lưu vực sông trong mùa cạn năm 2023, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và sản xuất trong thời kỳ nắng nóng, cao điểm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị: 

Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Trung tâm điều độ hệ thống điện Quốc gia, các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa lập kế hoạch, phương án huy động, kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện cho phù hợp với hiện trạng nguồn nước và các quy định của quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, đặc biệt là các hồ chứa đang có mực nước hồ thấp, trên nguyên tắc ưu tiên cân đối nguồn nước cấp cho hạ du trong thời gian còn lại mùa cạn, bảo đảm các yêu cầu sử dụng nước và giảm thiểu tối đa nguy cơ thiếu nước ở hạ du các lưu vực sông.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các cơ quan chức năng tính toán, lập kế hoạch lấy nước cụ thể phục vụ sản xuất vụ hè thu năm 2023; chủ trì, thống nhất với các cơ quan liên quan về thời gian cụ thể và phương án điều tiết nước cho hạ du theo hướng linh hoạt về thời gian lấy nước và mực nước hạ du sông, bảo đảm phù hợp khả năng lấy nước hiệu quả của công trình thủy lợi; hướng dẫn các địa phương khu vực hạ lưu thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với thời gian xả nước gia tăng của các hồ chứa theo kế hoạch, không để kéo dài thời gian lấy nước.

Trạm bơm Bình Phan (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cạn khô nước trong đợt hạn mặn 2020. Ảnh: TL.

Trạm bơm Bình Phan (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang) cạn khô nước trong đợt hạn mặn 2020. Ảnh: TL.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi phía hạ du rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, đặc biệt là các công trình lấy nước dọc dòng chính và các hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du tránh lãng phí nguồn nước, đặc biệt trên các lưu vực sông Mã, Cả, Vu Gia - Thu Bồn và sông Ba.

Bộ Xây dựng chỉ đạo các cơ quan chức năng, các đơn vị quản lý, vận hành các nhà máy nước lớn, quan trọng, rà soát, nâng cao năng lực, hiệu quả lấy nước phù hợp với điều kiện nguồn nước các hồ chứa và trên các lưu vực sông, bảo đảm cấp nước an toàn cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân ở hạ du các lưu vực sông, đặc biệt trên các lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, Ba và sông Đồng Nai.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo lập kế hoạch sử dụng nước phù hợp trong điều kiện thiểu hụt nguồn nước; quản lý vận hành hệ thống công trình thủy lợi thực hiện việc lấy nước phù hợp với thời gian, kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong triển khai thống nhất mùa vụ, thời gian lấy nước phù hợp với kế hoạch vận hành xả nước của các hồ chứa; đồng thời cải tạo, nâng cấp, bổ sung công trình để chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức lấy nước trong điều kiện nguồn nước tiếp tục có nguy cơ thiếu hụt trong thời gian tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa trên các lưu vực sông theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến khí tượng thủy văn, dự báo, tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành, điều tiết hồ và cung cấp thông tin, số liệu theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa; vận hành hồ với lưu lượng, thời gian xả theo quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; bảo đảm yêu cầu cấp nước an toàn cho hạ du các lưu vực sông đến cuối mùa cạn.

Xem thêm
Ông Trịnh Văn Bình làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Giang

Ngày 4/11, UBND tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trịnh Văn Bình, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản làm Phó Giám đốc Sở NN-PTNT.

Hà Lan tiếp tục hỗ trợ quản lý nước, rủi ro về nước vùng ĐBSCL

Chiều 4/11, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp tiếp và làm việc với bà Meike van Ginneken, Đặc phái viên về nước của Hà Lan. 

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.