Diễn biến phức tạp
Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, kể từ khi có Chỉ thị 30/CT-TTG của Thủ tướng Chính phủ về Tăng cường đấu tranh chống thuốc lá nhập lậu, các địa phương, các lực lượng chức năng đã tiến hành đồng bộ các mặt công tác và bước đầu kiềm chế, đẩy lùi nạn buôn lậu thuốc lá trên địa bàn cả nước.
Cơ quan chức năng tịch thu thuốc lá nhập lậu. |
Tuy nhiên, lượng thuốc lá nhập lậu vào nội địa bị bắt giữ chỉ chiếm hơn 1% so với thực tế lượng nhập lậu tràn vào Việt Nam mỗi ngày.
Hiện nay, hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn ra khá nhiều ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh biên giới Tây Nam, nhất là các địa bàn trọng điểm như: Long An, An Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Tháp, TP.HCM…
Theo ước tính, trung bình mỗi ngày, lượng thuốc lá nhập lậu qua các tỉnh biên giới 400 - 500 ngàn bao các loại, trong đó 80% là Jet và Hero.
Trong quá trình hoạt động, thuốc lá được ngụy trang cất giấu rất tinh vi, các đường dây vận chuyển được tổ chức hoạt động rất chuyên nghiệp, đặc biệt là luôn cử người theo dõi các lực lượng chức năng 24/24h…
Tại TP.HCM những điểm bán thuốc lá lậu nổi tiếng như chợ Học Lạc quận 5, chợ Trần Quốc Toản quận 3; chợ Tây Ninh quận Tân Bình vẫn khá tấp nập dù công khai như trước.
Tác hại khôn lường
Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, giai đoạn 2013-2018, ngành thuốc lá chịu nhiều thách thức từ thuốc lá nhập lậu và bình quân tiêu thụ thuốc lá nhập lậu lên đến trên 700 triệu bao mỗi năm, có năm chiếm tới 25% thị trường. Tuy nhiên lượng bắt giữ còn rất hạn chế so với tình hình thực tế.
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, từ ngày 1/10/2014 - 10/2019 các lực lượng chức năng cả nước đã bắt giữ, xử lý 52.375 vụ; tịch thu hơn 39 triệu bao; khởi tố hình sự hơn 917 vụ và trên 1.150 đối tượng.
Buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu không chỉ gây thất thu ngân sách Nhà nước, gây mất trật tự xã hội mà thuốc lá nhập lậu điển hình là JET và HERO còn gây hiểm họa khôn lường đối với người sử dụng bởi chất lượng không được một cơ quan nào kiểm soát.
Thuốc lá nhập lậu không tuân thủ bất kỳ quy định nào của pháp luật Việt Nam: không in cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh, không ghi rõ nơi sản xuất, ngày tháng, năm sản xuất và thời hạn sử dụng, không dán tem thuốc lá, không thực hiện quy định về công bố chất lượng, quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm và lộ trình giảm Tar và Nicotin do đó không kiểm soát được chất lượng khi tiêu thụ trên thị trường.
Theo lực lượng chức năng, thuốc lá lậu thường vận chuyển lén lút qua biên giới bằng đường sông, đường mòn, lối mở không được bảo quản theo quy định nên dẽ bị nấm men, nấm mốc phát triển, gây nguy hiểm cho người tiêu dùng như: ngộ độc, ung thư, thậm chí có thể gây tử vong khi sử dụng.
Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đang bàn giải pháp để các lực lượng chức năng sớm xử lý lượng thuốc lá nhập lậu trong thời gian vừa qua, đảm bảo yêu cầu xử lý được đối tượng, xử lý được tang vật đảm bảo ngăn chặn được tình trạng buôn lậu thuốc lá qua biên giới rất phức tạp.
Các địa phương kiến nghị Chính phủ nên tiếp tục cho tiêu hủy thuốc lá điếu nhập lậu, tránh việc tái xuất gây thẩm lậu ngược vào thị trường, bên cạnh đó cần có cơ chế hỗ trợ các lực lượng tham gia chống buôn lậu và tăng cường chế tài xử phạt tạo tính răn đe đối với tội phạm.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả quốc gia cũng đã có văn bản yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nhất là các tuyến, địa bàn trọng điểm) chỉ đạo các lực lượng chức năng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 30/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; xử lý nghiêm các vụ việc, vụ án buôn lậu thuốc lá.