| Hotline: 0983.970.780

Nguy hiểm sử dụng chất nhuộm vải để sản xuất ruốc mặn

Thứ Sáu 07/12/2018 , 14:50 (GMT+7)

Rhodamine B – chất nhuộm vải, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm và không được phép sử dung, vừa được lực lượng chức năng Hà Tĩnh phát hiện sử dụng để làm chất tạo màu trong chế biến ruốc mặn.

Đây là hành vi vi phạm chất lượng ATVSTP mang tính chất nguy hiểm và rất nghiêm trọng. Hiện UBND tỉnh Hà Tĩnh đã vào cuộc, yêu cầu các ngành chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSTP nông, lâm, thủy sản trên phạm vi toàn tỉnh, đặc biệt là trong thời điểm cận kề dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi. Trường hợp phát hiện vi phạm, xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

16-03-31_2
Một số cơ sở SX ruốc tại huyện Lộc Hà sử dụng chất nhuộm vải để tạo màu đã bị lực lượng chức năng sở NN-PTNT phanh phui, xử phạt nặng. Ảnh: VK


8/20 mẫu ruốc mặn chứa Rhodamine B

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 514 cơ sở SX, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Trong đó, có 97,65% cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATVSTP; gần 28.000 cơ sở SX ban đầu nhỏ, lẻ đã được thống kê và tiến hành ký cam kết đảm bảo ATVSTP theo quy định. Trong 10 tháng đầu năm 2018, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở NN-PTNT đã lấy 428 mẫu thực phẩm các loại để kiểm tra chỉ tiêu ATVSTP, kết quả có 8 mẫu vi phạm chất lượng, chiếm 1,87%.

Nếu nhìn vào kết quả trên, tỷ lệ mẫu vi phạm về chất lượng ATVSTP đang ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, vấn đề đáng báo động là cả 8/8 mẫu vi phạm đều liên quan đến các loại hóa chất nằm ngoài danh mục cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Theo đó, trong quá trình kiểm tra 32 lượt cơ sở SX, chế biến ruốc mặn trên địa bàn toàn tỉnh; lấy 20 mẫu ruốc các loại tại 15 cơ sở để kiểm tra dư lượng các chất độc hại như: Chì, thủy ngân, phenol, Rhodamine, Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) đã phát hiện 8 mẫu ruốc (chiếm 40%) tại 7/15 cơ sở (3 cơ sở SX ở huyện Lộc Hà và 4 cơ sở kinh doanh ở TP Hà Tĩnh) có dư lượng Rhodamine B, được sử dụng trái phép để làm chất tạo màu. “Đây là hành vi vi phạm chất lượng ATVSTP mang tính chất nguy hiểm và rất nghiêm trọng”, văn bản Sở NN-PTNT nhấn mạnh.

Một cán bộ Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Tĩnh thông tin, sau khi phát hiện các cơ sở kinh doanh ruốc tại chợ TP Hà Tĩnh vi phạm, lực lượng chức năng truy xuất nguồn gốc, bắt quả tang 3 cơ sở SX ở huyện Lộc Hà sử dụng Rhodamine B làm chất tạo màu, bao gồm: cơ sở Nguyễn Hải Hà (200kg ruốc); Phan Thị Huệ (42 kg); Nguyễn Thị Tâm (35kg). Ngay lập tức, lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng; đồng thời, buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng ruốc trên; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở trong thời hạn 5 tháng.

Ngoài 3 cơ sở SX vi phạm trên, mới đây lực lượng chuyên môn Sở NN-PTNT tiếp tục phát hiện thêm cơ sở Thuần Hoành cũng sử dụng Rhodamine B để tạo màu chế biến ruốc mặn (100kg). Vi phạm tại cơ sở này đã được bàn giao cho UBND huyện Lộc Hà xử lý.

16-03-31_3
UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các sở ngành, địa phương tăng cường thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về ATVSTP. Ảnh: VK


UBND tỉnh vào cuộc

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm nêu trên, tránh gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động SX, kinh doanh của các cơ sở đảm bảo ATVSTP khác trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các sở, ngành: NN-PTNT, Y tế, Công thương, Công an tỉnh và UBND 13 huyện, thị xã, TP đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát ATVSTP trong SX, kinh doanh, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản nói chung, thực phẩm ruốc nói tiêng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Sở NN-PTNT được giao chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra công tác quản lý nhà nước về ATVSTP tại các địa phương theo kế hoạch đã được duyệt; tham mưu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân, đơn vị vi phạm theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến các các địa phương về tăng cường công tác quản lý nhà nước, hạn chế tối đa các vụ vi phạm điều kiện đảm bảo ATVSTP, đặc biệt là sử dụng chất cấm trong chế biến thực phẩm. Sở Y tế tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản tại các nhà hàng, bếp ăn tập thể, lưu ý các sản phẩm ruốc, dạng ruốc; hướng dẫn, khuyến cáo với các nhà hàng, bếp ăn tập thể lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cam kết đảm bảo chất lượng để sử dụng; ngoài ra chủ động kiểm tra chất lượng trước khi đưa vào chế biến thực phẩm.

Đối với lực lượng Công an tỉnh, chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương phối hợp ngành NN-PTNT kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm ATVSTP, đặc biệt là đối với hành vi sử dụng chất Rhodamine B để tạo màu trong chế biến ruốc; nếu phát hiện vi phạm tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe.

Về phía chính quyền các địa phương, ngoài công tác thanh, kiểm tra; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm ATVSTP theo quy định, UBND tỉnh yêu cầu thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến liên tục đến tận các cơ sở SX, chế biến thực phẩm và người tiêu dùng trên địa bàn quản lý về tác hại của Rhodamine B đối với sức khỏe con người.

Rhodamine B tích lũy lâu dài sẽ gây ung thư

Rhodamin B được sử dụng trong sinh học như là phẩm nhuộm phát huỳnh quang, nó thường được kết hợp với Auramine O trong phép nhuộm rhodamin-auramin để phát hiện sinh vật kháng acid (kháng cồn toan). Tuy nhiên, Rhodamine B dùng trong công nghiệp là chất nhuộm vải, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm và không được phép sử dụng. Dù chúng tạo màu đỏ nhưng chúng là hóa chất độc hại với sức khỏe con người. Rhodamine B là chất có nhiều gốc như: Rhodamine A, Rhodamine B, Rhodamine C, Rhodamine S nhưng đặc điểm của nó là cho màu đỏ đẹp và bền. Còn với Rhodamine B tổng hợp có 1 hoặc nhiều vòng thơm benzen. Vòng thơm Benzen là tổ hợp hóa học có thể gây ung thư.

Rhodamine B là chất độc cấp và mãn tính. Nếu ăn phải thực phẩm có chất này vào cơ thể thì sẽ thâm nhập qua đường tiêu hóa gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng trong đó có gan, thận. Mức nhẹ có thể gây nôn mửa, hoặc ngộ độc, nếu lâu dài sẽ tích lũy có thể gây ung thư. Nếu tiếp xúc qua đường hô hấp thì có các triệu chứng như khó thở, tức ngực, ngứa cổ, ho như viêm họng. Còn tiếp xúc qua da sẽ cảm thấy dị ứng, mẩn ngứa.

 

Xem thêm
Trung Quốc vẫn sẽ là điểm đến tiềm năng nhất của sắn Việt Nam

Tuy nhiên, tại thị trường này, sắn và tinh bột sắn của Việt Nam đang phải cạnh tranh mạnh với Thái Lan, Lào và Campuchia.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.

Thu ngân sách hơn 1,8 triệu tỷ đồng, vượt 6,3% dự toán

Qua 11 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, bằng 106,3% dự toán, tăng 16,1% so cùng kỳ 2023; trong đó, thu ngân sách trung ương vượt hơn 10%.