Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn
Loạt bài: Cây trồng chuyển gen - Thành tựu loài người, NNVN nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp của nhà quản lý, nhà khoa học cùng một số DN trong và ngoài nước. Đặc biệt, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, người am hiểu sâu sắc Nông nghiệp Việt Nam, tư duy đổi mới, cũng bày tỏ quan điểm của mình về lĩnh vực này. Sau đây là nội dung trả lời phỏng vấn của nguyên Phó Thủ tướng với PV NNVN.
Thưa nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Rõ ràng cây trồng chuyển gen là thành tựu của loài người nhưng chớp lấy cơ hội này không phải quốc gia nào cũng thuận lợi, vì thực tế xung quanh việc sử dụng cây chuyển gen còn nhiều vấn đề tranh cãi?
- Đúng như vậy, công nghệ gen ứng dụng vào nông nghiệp là một thành tựu lớn của loài người, nhưng việc sử dụng sản phẩm nông nghiệp chuyển gen đang gây nhiều tranh cãi. Không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới, thậm chí có nước khi đặt ra tiêu chí sản phẩm nông nghiệp sạch và hữu cơ cũng loại trừ sản phẩm nông nghiệp chuyển gen. Mối lo ngại của người tiêu dùng về sản phẩm chuyển gen không đáng ngạc nhiên, vì lịch sử công nghệ chuyển gen, một công nghệ mới lạ ứng dụng vào nông nghiệp trong thời gian quá ngắn ngủi, dẫn đến một thực trạng phải thừa nhận là: những người cho rằng sản phẩm chuyển gen vô hại đối với sức khoẻ con người chưa đủ căn cứ, ngược lại những người cho rằng sản phẩm chuyển gen có hại cho sức khoẻ cũng chưa có đủ căn cứ.
Tuy vậy, vẫn không thể phủ nhận 1 thực trạng là: Trên thế giới cây trồng biến đổi gen đã có số lượng đáng kể, trong đó có ngô, bông, đậu tương, cải dầu, đặc biệt là đậu tương có đến 75% diện tích đậu tương trên thế giới sử dụng giống biến đổi gen. Đậu tương là cây thực phẩm quý nhất của loài người, là cây vừa giàu đạm, vừa giàu chất béo, vừa giàu chất đường bột, là thành phần chủ yếu của thức ăn chăn nuôi giàu đạm, cũng là cây tạo ra nguồn thức ăn giàu đạm trực tiếp trong bữa ăn hàng ngày của cư dân nhiều nước trên thế giới.
Trên thế giới có 52 nước trồng đậu tương, sản lượng 220,9 triệu tấn (năm 2008), đứng đầu là Mỹ với 72,9 triệu tấn, sau đó là Brazil 61,0 triệu tấn, Argentina 46,2 triệu tấn, đều là những nước sử dụng giống đậu tương chuyển gen, với tổng sản lượng 180 triệu tấn, chiếm 80% sản phẩm đậu tương toàn thế giới, chủ yếu để xuất khẩu. Như vậy, hầu như các nước nhập khẩu đậu tương đều sử dụng đậu tương chuyển gen. Nếu các nước từ chối thì làm gì có nguyên liệu giàu đạm làm thức ăn chăn nuôi để nuôi đàn gia súc, gia cầm và thuỷ sản khổng lồ làm thực phẩm động vật cho loài người. Đến thời điểm này chưa có nước nào sử dụng đậu tương chuyển gen làm thức ăn chăn nuôi chỉ ra tác hại của đậu tương chuyển gen với ngành chăn nuôi và sức khoẻ con người. Có lẽ những sản phẩm chuyển gen mà các nước đã cho phép sản xuất sẽ lan toả ra thị trường thế giới, loài người sẽ quen dần và sẽ vui lòng chấp nhận.
Nguyên Phó Thủ tướng là người theo dõi Nông nghiệp Việt Nam lâu năm, ông có kinh nghiệm hoặc đề xuất gì đối với việc tiếp cận cây trồng nhạy cảm này? Theo ông “kịch bản” đón nhận công nghệ này ra sao? Chúng ta đi từ đâu, với lộ trình thế nào?
- Vào thời điểm này, chúng ta bày tỏ thái độ ủng hộ ngay việc cho phép sản xuất và sử dụng sản phẩm có biến đổi gen, e rằng chưa phù hợp.
Theo tôi, thái độ đúng mực của chúng ta đối với các sản phẩm biến đổi gen có lẽ nên xử sự như sau:
Loại 1: Loại sản phẩm biến đổi gen chỉ sử dụng làm nguyên liệu cho công nghiệp: cây lâm nghiệp chuyển gen lấy nguyên liệu sản xuất gỗ, sản xuất giấy; cây trồng chuyển gen làm nguyên liệu sản xuất nhiên liệu sinh học; cây trồng làm nguyên liệu sản xuất vải sợi (như bông), v.v, không sử dụng trực tiếp làm thức ăn cho người, nên khuyến khích sản xuất và sử dụng rộng rãi.
Loại 2: Loại sản phẩm biến đổi gen để phục vụ ngành chăn nuôi, sau đó qua sản phẩm vật nuôi để phục vụ con người, chẳng hạn ngô, đậu tương làm thức ăn chăn nuôi. Nếu chúng ta tự sản xuất được thì phải dựa vào công nghệ sản xuất đã được các nước cấp chứng chỉ về an toàn sinh học hoặc nếu nhập khẩu thì phải xác định nguồn gốc sản phẩm biến đổi gen được đảm bảo an toàn sinh học.
Loại 3: Những sản phẩm biến đổi gen sử dụng trực tiếp cho người như gạo, rau, quả v.v... cho phép sản xuất thử, phải được giám sát chặt chẽ.
“Sản phẩm biến đổi gen” đưa vào thị trường nước ta còn rất xa lạ, có lẽ phải chấp nhận một thời gian thử nghiệm, tranh thủ sự đồng tình của người tiêu dùng. Trong quá trình đó, các nhà khoa học phải đưa ra kết luận có tính khoa học về sản phẩm chuyển gen, hoặc dựa vào kết quả khảo nghiệm trong thực tế để xác nhận tính vô hại của sản phẩm biến đổi gen đối với sức khoẻ con người thì có thể đưa ra những quyết sách dứt khoát hơn.
Việt Nam thời gian qua có một số thành tựu phát triển nông nghiệp, nhưng thách thức hiện nay rất lớn: Đất nông nghiệp mất quá nhanh, rồi ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề, còn dân số lúc nào cũng đứng trước nguy cơ bùng nổ? Vậy tạo một cách mạng mới trong nông nghiệp phải chăng chúng ta phải tiếp nhận mạnh mẽ và dứt khoát công nghệ sinh học mà đi đầu là công nghệ gen?
- Loài người trong đó có nước ta đang đối mặt với những thách thức mang tính toàn cầu về khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng môi trường...
Dân số loài người sẽ tăng lên trên 10 tỷ người trong tương lai gần, diện tích đất nông nghiệp ngày càng suy giảm, nhất là nguy cơ biến đổi khí hậu toàn cầu đang uy hiếp đến các vùng đất ven biển của nhiều nước, nhất là nước ta, thì loài người nhất thiết phải đưa ra những giải pháp đột phá chiến lược để tự cứu lấy loài người, cứu lấy Trái đất. Trong bối cảnh đó, việc ứng dụng công nghệ sinh học, mà hạt nhân là công nghệ gen nhằm tìm kiếm những giống mới về cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao, có sức đề kháng cao, có tính thích nghi rộng, tạo ra bước phát triển nhảy vọt về sản xuất nông nghiệp thế giới, sẽ là 1 giải pháp được ưu tiên lựa chọn của loài người trong thế kỷ 21, trong đó có nước ta.
Xin cảm ơn nguyên Phó Thủ tướng về cuộc trao đổi cởi mở, chân tình này. Chúc nguyên Phó Thủ tướng dồi dào sức khỏe, có nhiều ý kiến đóng góp cho Nông nghiệp nước nhà!