| Hotline: 0983.970.780

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn: Làm sao ta lại tự bó tay mình?

Thứ Hai 07/11/2011 , 09:42 (GMT+7)

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khẳng định với báo NNVN, không SX được giống mà không cho trồng cây chuyển gen khác nào tự mình bó tay mình…

Đoàn công tác của Chính phủ tham quan ruộng khảo nghiệm ngô chuyển gen tại VN

Liên quan đến cây trồng chuyển gen đang gây ồn ào bởi nhiều luồng dư luận, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn khẳng định với báo NNVN, không sản xuất được giống mà không cho trồng cây chuyển gen khác nào tự mình bó tay mình…

Trước tiên tôi hoan nghênh Báo NNVN đã làm một diễn đàn đa chiều về cây trồng chuyển gen bổ ích và thẳng thắn. Trong công nghệ sinh học linh hồn của nó là công nghệ gen. Đột phá của công nghệ sinh học đóng góp cho nền kinh tế cũng phải dựa vào công nghệ gen. Sử dụng đúng công nghệ gen sẽ không lãng phí nguồn tài nguyên trí tuệ của loài người.

 Theo tôi hãy đem tách đôi vấn đề của công nghệ gen thành cây trồng chuyển gen và chuyện sản xuất giống biến đổi gen. Phải xét bản chất của công nghệ gen là tốt hay không tốt chứ tự sản xuất hay nhập giống biến đổi gen là một chuyện khác. Không nên vì lý do anh không sản xuất được giống mà không cho áp dụng công nghệ biến đổi gen. Giả thiết mình làm tốt còn xuất khẩu đi nữa cơ mà. Làm sao phải tự mình bó tay mình?

 Đã là chuyên môn hóa, miễn là hiệu quả thôi chứ xuất nhập là bình thường. Nước nào cũng muốn xuất siêu, đóng cửa không nhập của ai thì làm gì còn nền kinh tế phát triển? Đâu còn thương mại hóa toàn cầu? Làm sao anh giỏi tất cả mọi thứ?

Ông nhận xét thế nào về lộ trình, bước chấp nhận của Chính phủ VN với cây trồng biến đổi gen? Chậm, đủ hay là nôn nóng?

Lộ trình đó không có gì phải bàn, ta đi từng bước thế là được, không có gì nôn nóng cả. Thế giới hiện có 7 tỉ người nhưng khi lên 10 tỉ người thì cây trồng biến đổi gen sẽ là vấn đề khác. Loài người hiện chưa có sức ép lắm về dân số. Biến đổi khí hậu vào cuối thế kỷ này cộng với 10 tỉ người khi đó tự nhiên vấn đề biến đổi gen sẽ được chấp nhận dễ dàng, thông thoáng, cởi mở kể cả dùng cho thực phẩm.

Trong cây trồng biến đổi gen theo tôi nên phân định mức độ chấp nhận ra làm mấy loại: Loại cây trồng biến đổi gen để làm nguyên liệu thì đặc biệt khuyến khích nhập ngay lập tức như bông chuyển gen, cây lâm nghiệp, cây lấy nhựa. Loại cây trồng để làm nguyên liệu phục vụ cho thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương cũng nên ủng hộ. Loại thứ ba, cây trồng biến đổi gen liên quan đến lương thực, thực phẩm cần có bước đi cần thiết trong đó có lúa gạo.

Bảo cấm chẳng phải mà ồ ạt làm bây giờ cũng chưa nên, ta cần phải nghiên cứu tiếp để có những ứng dụng. Ví dụ đang biến đổi khí hậu, ta đưa gen lúa chịu mặn, lúa phát triển nhanh vào các vùng đang chịu cảnh nước biển dâng, ngập lụt thì tốt quá. Biến đổi khí hậu là xu hướng không chống lại được, chỉ có thể giảm bớt đi chút nào nên ta phải chung sống với nó.

Là một người rất thông thạo tình hình nông nghiệp của Trung Quốc, ông thấy cách ứng xử của TQ đối với cây trồng biến đổi gen ra sao?

TQ có rất nhiều viện nghiên cứu, trường đại học đã nghiên cứu công nghệ mới này. Giới khoa học TQ không có tranh luận nặng nề về vấn đề nên hay không nên trồng cây biến đổi gen. Theo tôi chỉ một thời gian ngắn nữa thôi là công nghệ chuyển gen, ghép gen sẽ thành phổ cập ở nước họ. Riêng tôi đã cử một cán bộ của Trường Đại học Thành Tây sang Đài Loan nghiên cứu về đưa gen men vi sinh vào cây lúa để tăng chất lượng cho gạo. Thành công rồi. Công nghệ đã nắm vững rồi và sẽ thử nghiệm ở Việt Nam.

Có một số ý kiến sợ rằng khi cho phép trồng cây biến đổi gen ở diện rộng tại Việt Nam sẽ lệ thuộc vào các công ty giống đa quốc gia?

Một số công ty của nước ngoài đang nắm độc quyền về công nghệ biến đổi gen vì đấy là sáng tạo, là bản quyền của họ. Anh phải chấp nhận khía cạnh đấy. Theo tôi độc quyền sẽ dần dần bớt đi với tốc độ khoa học phát triển nhanh như hiện nay. Vả lại khi khoa học phát triển, một vài anh sẽ không thể dùng lá bài độc quyền để gây sức ép lớn quá được vì người ta sẽ có nhiều sự lựa chọn khác.

Có luồng ý kiến e ngại bảo phải lùi lại 10, 20 năm nữa mới chấp nhận cây trồng biến đổi gen vào VN nhưng theo tôi không có thời gian để đợi chờ. Không phải giống nào mình cũng tự túc. Ta mạnh cái gì thì làm, kém cái gì thì nhập. Cứ cái hay nhất của thế giới ta nhập về làm công nghệ nguồn.

Ông thấy luồng dư luận phản đối gay gắt cây trồng biến đổi gen vừa rồi ra sao?

Dư luận vừa rồi rất khó hiểu, tôi không muốn bình luận gì nhiều. Theo tôi càng ít hiểu biết thì càng sợ nên các phương tiện thông tin đại chúng cần cung cấp một cách cởi mở cả hai luồng ý kiến, đồng tình và phản đối. Thử hỏi xem dân nước nào ăn sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen có hại không? Không có. Chẳng có căn cứ khoa học nào bảo cây trồng biến đổi gen có hại cho sức khỏe cả mà cứ đi truyền miệng thì là bệnh tâm lý rồi.

Theo tôi ngay cả sách giáo khoa từ tiểu học trở đi cũng phải đề cập đúng vấn đề cây trồng biến đổi gen. Đừng để các cháu bé bị ấn tượng sai lầm rồi khi lớn lên sẽ sợ nó. Ngô, đậu tương mình nhập cả triệu tấn mỗi năm cũng toàn cây trồng biến đổi gen chứ đâu? Ta không làm nấy mà chỉ nhập thì còn có hại hơn, tự anh làm khổ anh.

Hiện công nghệ gen đang là thế yếu nhất của mình, thành quả chưa có. Tại sao? Bởi thiết bị của ta lạc hậu. Bởi đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học của ta chưa đến nơi đến chốn. Bởi đầu tư tiền quá ít. Các nhà khoa học của ta rất nghèo, làm cái gì bán được nhanh như làm giống họ mới có tiền ngay. Làm biến đổi gen bán cho ai? Chỉ được cái tiếng khoa học thôi. Khó ở chỗ đó. Vì thế nhà nước cần phải đầu tư thỏa đáng vì đây là khoa học cơ bản, là công nghệ nguồn.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Bầu Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029

Sáng 21/12, Hội Khoa học Kỹ thuật Thú y Việt Nam (Hội Thú y Việt Nam) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.