| Hotline: 0983.970.780

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: Tôi hài lòng về cao su Tây Bắc

Thứ Hai 02/01/2017 , 09:01 (GMT+7)

Cao su Tây Bắc vừa mở mủ thành công với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình. Tuy nhiên, để có được thành quả ngày hôm nay, cây cao su trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm. Chứng nhân cho sự thăng trầm ấy, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, ông Trương Vĩnh Trọng...

Chứng nhân cho sự thăng trầm ấy, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc, ông Trương Vĩnh Trọng, có lẽ là người phấn khởi nhất. Ông là một trong những “VIP” đã theo cây cao su Tây Bắc từ thủa sơ khai.

14-54-19_truong-vinh-trong-1
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng
 

I. Tôi là dân Bến Tre. Sau khi chuyển từ Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp về làm Trưởng ban Nội chính Trung ương, tôi được Bộ Chính trị phân công kiêm nhiệm thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc, nơi anh Tư Sang (nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang) làm Trưởng ban. Trước Đại hội 10, Bộ Chính trị dự kiến anh Tư Sang làm Thường trực Ban Bí thư. Nhưng nếu anh Tư về Thường trực Ban Bí thư thì không thể nào làm Ban Chỉ đạo Tây Bắc được. Lúc đó, Bộ Chính trị họp, bàn tới bàn lui mới quyết định điều động tôi đi làm Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc.

Đưa lên vùng Tây Bắc tôi thấy là một sự ngỡ ngàng với mình. Vì hồi xưa đến giờ mình ở ĐBSCL, cạnh sông nước mà đưa về chỉ đạo miền núi. Đây là khu vực có đường biên giới 1.400 km, dọc với phía TQ. Đây cũng là khu vực khó khăn, an ninh chính trị phức tạp. Khi đó, người nói ra nói vào, nhưng với tôi, Đảng đã phân công thì chấp hành vô điều kiện.

Lên vùng Tây Bắc, thấy đồng bào khó thật. Nhưng khái quát lại có mấy cái: Tây Bắc là vùng khó khăn nhất cả nước. Khó khăn toàn diện. Trình độ dân trí thấp. Sản xuất thì mang tính chất tự cung tự cấp. Ngoài ra, đây là vùng lưu giữ nguồn nước cho cả miền Bắc, có thủy điện sông Đà, có điện lai Châu... nhưng lại là vùng điện khí hóa chậm nhất. Hơn nữa, lúc đó chưa có đường, nếu từ Điện Biên xuống Sơn La thì phải đi qua đèo Pha Đin. Nhưng đèo Pha Đin lúc đó cao lắm chứ chưa được hạ thấp như bây giờ. Có một hình ảnh mà tôi nhớ và buồn mãi, đó là đoàn cán bộ Ngân hàng Nhà nước của TP.HCM ra lên thăm chiến trường Điện Biên, qua đèo Pha Đin thì cả đoàn xe bị lao xuống vực và qua đời.

Đường 70 từ Yên Bái lên Lào Cai cũng rất thê thảm, nắng thì bụi, mưa thì bùn. Tôi đã từng có những lần đi mà đói không biết ăn ở đâu, rồi đi bộ dọc đường là chuyện bình thường.

Đặc biệt, đất nông nghiệp thì rất ít. Tìm một mảnh đất để cất căn nhà thật khó. Nếu không may bị sạt lở là đẩy cả gia đình đi. Sản xuất nông nghiệp thì ít nhưng diện tích đất trống đồi trọc lại nhiều. Có những mảnh đất không trồng thứ gì được.

Khí hậu ở đây cũng rất khắc nghiệt, mùa đông lạnh ghê gớm, và có sương muối. Thiên tai hiểm họa, lũ ống, lũ quét thì ngoài sức tưởng tượng. Đồng thời, lực lượng cán bộ nói chung ít, yếu, đặc biệt cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật rất yếu. Để làm một dự án mà tìm được người quản lý điều hành khó lắm.

Nhưng có một điều đáng nói, người dân rất thủy chung cách mạng, khó khăn không kêu ca mà cắn răng chịu đựng, không xin ai. Nói chuyện thật tình, thật lòng. Họ không bao giờ nói xạo.
 

II. Giờ đồng bào nghèo xơ xác thì mình làm cái gì?

Tôi bàn với các anh bên Vinamit xin 600 cây mít, trồng ở Tây Bắc, lấy cái mắt cây ghép với gốc mít địa phương. Rồi làm khoai môn sấy, chuối sấy..., rồi đưa DN lên thì đời sống bà con mới khấm khá được. Rồi thì trồng cà phê, trồng các loại cây ăn quả khác.

Nhưng tính tới tính lui, trồng mấy loại cây này đồng bào chỉ đủ ăn thôi. Đồng bào nói: “Cái nào mấy ông Đảng và nhà nước dạy dân trồng là đều thất bại rồi”. Sau cùng, anh Tư Sang suy nghĩ và bảo với tôi rằng, bây giờ chỉ có thể trồng cao su. Khi tôi lên là tôi bắt tay vào làm ngay. Nhưng đồng bào không có tiền để trồng và cũng chưa trồng bao giờ. Mà họ nghe nói là thời Pháp thuộc, người Pháp đã lên nghiên cứu rồi, cây cao su ở đây không hiệu quả. Nhưng mình xía vô làm, mình cũng trăn trở, nếu trồng cây cao su mà thất bại thì cũng coi là trồng một loại cây che phủ rừng và giữ nước cho đồng bào.

Nhưng giống ở đâu? Tôi mời Tập đoàn Cao su lên, nói họ nghiên cứu, rồi đầu tư. Tập đoàn Cao su bỏ 4.000 tỷ, ngoài ra không có bất cứ bộ, ngành nào của Chính phủ bỏ tiền đầu tư hết. Rồi họ thành lập nhiều công ty để trồng. Nhưng cơ chế thế nào? Đất là đất của dân. Dân bảo “trời ơi tôi có ít đất để trồng trọt, giờ bắt trồng cao su thì mấy năm đầu lấy gì ăn?”.

Tôi mới trả lời, bây giờ bà con cứ gom đất vào trồng cao su, mỗi ha đất tính ra là 10 triệu đồng, coi như mua cổ phần để cùng làm với nhà nước. Đầu tiên tôi cho thí điểm ở Sơn La, có những lao động tính ra làm được tới 60.000 đồng/ngày công, có người 120.000 đồng, thậm chí có người 160.000 đồng, tùy theo năng suất lao động.

Một ngày thời đấy mà làm được 60.000 đồng là quý giá lắm. Nên họ trở thành công nhân của công ty. Mình đối xử với họ rất nhân hậu, tình nghĩa, nên sự gắn bó giữa đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc ngày càng thắm thiết. Sau Sơn La, đến Điện Biên và Lai Châu bắt đầu trồng cao su. Không khí ở Lai Châu nóng chứ không lạnh như các nơi khác, nhưng khi phát triển, họ bắt đầu trồng lan ra. Và đến giờ này được 28.000 ha.

14-54-19_truong-vinh-trong-3
Những năm đầu tiên đưa cao su lên Tây Bắc, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng thường xuyên đi kiểm tra
 

Qua quá trình trồng, một số người hoan nghênh, nhưng có những người mạt sát. Họ nói mình liều lĩnh rồi đủ thứ. Họ bảo trồng thì tốt đấy nhưng sau mà không có mủ thì tiêu đời. Nhưng mình vẫn quyết tâm làm, và không có sự nhiệt tình của Tập đoàn Cao su thì không thể có lực để làm.

Đầu tư cao su ở đây, nói theo sách vở thì là tri ân. Nhưng đến nay thì thấy nó hiệu quả thật. Tôi nhớ những ngày đầu đưa cây cao su lên trồng, đưa những đồng chí còn trẻ lên đến công ty, có những cô gái miền Trung khi ấy chỉ mới 18 – 20, nhiều cô chưa chồng nhưng vẫn bám riết với vùng đất này, vui cùng đồng bào, buồn cùng đồng bào, lo cùng đồng bào. Nên tôi hay lên Tây Bắc, vài tháng tôi lại lên, thấy cao su tốt, tôi mừng lắm.

Sau anh em nói riêng với tôi, so với miền Đông thì không bằng, nhưng chắc mủ cao su ở đây cũng phải gần tương đương.

Những đêm rét lạnh, ở Hà Nôi tôi điện liên hồi, xem cao su các vùng có chết không? Có rụng lá không? Nếu cây cao su có chết thì tôi cũng chết theo. Còn khi tôi chết đi rồi, thì linh hồn tôi cũng phiêu diêu ở những cánh rừng cao su. Thậm chí, tôi còn đùa, nếu các đồng chí có cúng, thì mời tên tôi về uống rượu với đồng bào.
 

III. Hồi đó, cứ lãnh lương là tôi lại mang đi cho dân. Và hầu như lần nào lên Tây Bắc, người dân cũng cho tôi một giỏ trứng gà nhỏ, hay thêm trái bầu, trái bí, giá trị không có bao nhiêu nhưng tình cảm chứa đựng trong đó rất dạt dào.

Tôi nghĩ, tới giờ phút này, chúng ta vẫn chưa thực sự thỏa mãn với hiệu quả cây cao su Tây Bắc, nhưng bước đầu đã gặt hái được thành công. Hiện tại, nông dân Tây Bắc nói với tôi, mủ cao su làm ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết, rồi XK. Tôi mừng lắm. Giá dầu lên là mủ cao su lên, giá mủ cao su lên thì đời sống đồng bào khấm khá hơn. Như vậy, khi tôi chết thì có thể nhắm mắt xuôi tay và hài lòng về bản thân mình.

Tôi nói là, nếu trồng cao su ở Tây Bắc mà thất bại thì cứ đem chém tôi. Phải như thế. Người lãnh đạo phải dám đương đầu với khó khăn, chịu đựng khó khăn và tìm cách vượt qua khó khăn.

Sắt thép tinh ròng, binh tướng mạnh

Không sao thắng được trái tim người

“Mình nằm trên đống vàng, nhưng không có vàng đeo. Mình nằm trên đống lúa, nhưng không có gạo ăn. Còn nói một cách khái quát, mình nằm trên những mảnh đất màu mỡ, nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Ngành nông nghiệp những năm qua làm nên những điều kỳ diệu.

Nhưng bên cạnh chuyện kỳ diệu thì cũng lắm chuyện kỳ cục, kỳ khôi. Vì sản xuất lúa gạo mà lúa gạo chẳng có thương hiệu, sản xuất trái cây thì trái cây cũng không có thương hiệu thế giới. Đó là điều kỳ cục chứ còn gì. Vậy trách nhiệm thuộc về ai thì cần phải phân định rõ ràng chứ?”, nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng.

 

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...