| Hotline: 0983.970.780

Nhà khoa học thăm mô hình dùng bèo hoa dâu nuôi cá

Thứ Sáu 06/09/2024 , 09:01 (GMT+7)

HÀ NỘI Tranh thủ ngày nghỉ Quốc khánh, PGS.TS Nguyễn Thị Trâm, TS Ngô Kiều Oanh, TS Phạm Gia Minh, TS Đỗ Thị Thanh Vân đã đi thăm mô hình dùng bèo hoa dâu để nuôi cá.

Từ trái sang: TS Ngô Kiều Oanh, TS Đỗ Thị Thanh Vân và PGS.TS Nguyễn Thị Trâm chụp ảnh cùng ông Đỗ Tiến Thiện. Ảnh: TS Phạm Gia Minh.

Từ trái sang: TS Ngô Kiều Oanh, TS Đỗ Thị Thanh Vân và PGS.TS Nguyễn Thị Trâm chụp ảnh cùng ông Đỗ Tiến Thiện. Ảnh: TS Phạm Gia Minh.

Cái ao bèo là “niêu cơm Thạch Sanh”

Cách thả bèo hoa dâu này rất "thuận thiên", nghĩa là không phải chăm sóc gì nhiều nhưng lạ thay cả mấy năm liền nó cứ như “niêu cơm Thạch Sanh” không bao giờ hết dù vớt liên tục làm thức ăn để nuôi cá. Điều đó khiến các chuyên gia nông nghiệp cảm thấy vô cùng thích thú. Ngắm ao bèo hoa dâu dày đặc, xanh ngát, TS Ngô Kiều Oanh luôn miệng xuýt xoa: “Ôi giời ơi, đẹp quá cơ, đẹp khủng khiếp. Ở đây sát Vân Đình nên sẽ tạm gọi tên là giống bèo hoa dâu chịu nhiệt Vân Đình”.

Còn TS Phạm Gia Minh thì mừng rỡ: “Ngay những ngày nắng nóng như thế này mà bèo hoa dâu vẫn mọc xanh tốt là điều đáng mừng”. Và ông đưa ngay clip đó lên nhóm zalo phục hưng bèo hoa dâu mà tôi là một thành viên, đề rõ địa điểm làng Tảo Khê, xã Tảo Dương Văn (huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) cho những ai quan tâm, tìm hiểu. Tình cờ, chiều hôm đó có việc đi qua đây nên tôi liền ghé thăm cho thỏa chí tò mò.  

Tương truyền Tảo Khê là một trong 9 huyệt đất tốt do chính Cao Biền - tiết độ sứ An Nam viết sớ gửi về cho vua Đường (Trung Quốc xưa). Thực hư chẳng biết thế nào nhưng nay làng nổi tiếng bởi sự hiếu học, nhiều người đỗ đạt, thành danh như ông “vua đại số” - GS Ngô Thúc Lanh; GS toán học Ngô Bảo Châu - người đoạt giải thưởng Fields; cố Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Văn Lộc...

Ông Đỗ Tiến Thiện vớt bèo hoa dâu cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Đỗ Tiến Thiện vớt bèo hoa dâu cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Lúc tôi đến, ông Đỗ Tiến Thiện đang vớt bèo hoa dâu từ cái ao thả riêng sang ao cá, lũ trắm nhỏ nghe chừng khoái khẩu cứ nổi lên đớp phát ra những tiếng tọp tọp. Vốn là công nhân xây dựng thủy điện Sông Đà, tới năm 1990 thì ông nghỉ về quê làm thợ cơ khí, năm 2005 ra khu chuyển đổi thủy sản của thôn Tảo Khê nhận 20 sào Bắc bộ (sào 360m2), đào 1 ao nhỏ rộng 4 sào để thả cá giống, 1 ao lớn rộng 7 sào để thả cá thịt, phần còn lại trồng cỏ voi.

Ông nuôi cá hương đến khoảng 300gram thì xuất bán, để lại một phần thả sang ao cá thịt. Thành phần giống cá có trắm chiếm 50%, chép 20%, còn lại là trôi, rô Phi. Đã là cá trắm cỏ giống thì không thể thiếu được thức ăn là các loại bèo nhỏ như bèo cánh gián, bèo tấm và bèo hoa dâu chiếm đến 80% khẩu phần, còn lại 20% là thức ăn tinh.

Để có thức ăn cho chúng, lúc trước ông Thiện phải đi khắp các cánh đồng trong và ngoài xã tìm đến những chỗ trũng, ít dùng thuốc trừ cỏ để vớt bèo. Gặp buổi trời gió bèo dạt vào một góc thì vớt nhanh, còn không bèo tản mát khắp nơi phải vài tiếng mới được 4 - 5 bao tải. Bèo hoa dâu chỉ có từ tháng 4 - 8, những khi không kiếm được bèo, ông đành cắt cỏ non thay thế.

Bèo hoa dâu và bèo cánh gián. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bèo hoa dâu và bèo cánh gián. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về sau, thấy đi vớt bèo vất vả, bèo trong tự nhiên cũng càng ngày càng ít do nông dân dùng nhiều thuốc trừ cỏ nên ông Thiện quyết định thử mang giống về thả. Lúc đầu, ông thả xuống ao cá giống rộng 4 sào, mực nước sâu 1,5m, tận dụng khoảng thời gian ao để không để xử lý tạp nhưng thấy bèo phát triển chậm. Tuy nhiên khi rút nước xuống còn 60 - 70cm thì lại lớn nhanh, chỉ 2 rổ bèo giống mà sau 20 ngày đã nở ra thành hơn 30 rổ (mỗi rổ chừng 20kg bèo).

Trong mấy năm thả bèo hoa dâu, chỉ duy nhất một lần ông Thiện thấy chúng bị nhiễm nấm, gây thối từng chòm, phải vớt vứt đi rồi thử dùng thuốc trừ sâu đục thân của lúa để phun, không ngờ khỏi hẳn.

Được thể ông phá bỏ diện tích trồng cỏ, đắp bờ cao lên, dâng nước 60 - 70cm để tạo ra cái ao rộng 2 sào chuyên thả bèo với 3 giống gồm bèo cánh gián, bèo tấm và bèo hoa dâu nhưng một thời gian sau bèo hoa dâu sinh trưởng át hết các loại khác, đạt năng suất cao.

Để giúp bèo phát triển tốt, mỗi năm đôi ba lần ông dùng 200kg phân lợn ủ hoai trộn với 5 - 7kg phân NPK bón xuống ao. Rét quá thì dồn bèo vào một góc và che lại bằng lưới đen bởi ông quan sát trong tự nhiên vào mùa đông dưới những gốc cây to ngoài đồng vẫn còn bèo hoa dâu bởi tán cây đã che bớt sương muối. Nóng quá thì tăng mực nước ao lên 80 - 90cm bởi ông lấy kinh nghiệm nuôi cá cứ vào hè phải làm như vậy để cho chúng mát.

Nhờ cách làm đó, 2 năm nay ao bèo hoa dâu tồn tại liên tục, đủ để cho ông vớt 3 - 5 rổ mỗi ngày. Hôm nào vớt quá nhiều, thấy mặt nước thưa bèo ông lại mang sào tre ra dập như bà con xã viên đã từng làm những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Dập như thế sẽ khiến cây bèo tách ra, sinh sôi nhanh hơn.

“Khi cá trắm to thì vừa cho ăn cỏ vừa cho ăn bèo hoa dâu, cá chép cũng ăn bèo hoa dâu nhưng ít hơn, cá rô Phi ít ăn hơn nữa còn cá trôi thì không ăn. Mỗi năm tôi thu 3 lứa cá giống, 2 lứa cá thịt, bán lãi được khoảng 100 - 120 triệu đồng. Lao động chính chỉ có mình tôi, ngày ngày vớt bèo cho cá ăn mất khoảng 40 phút, 15 - 20 ngày lại dập cho bèo sinh sôi mất khoảng 30 phút”, ông Thiện chia sẻ.

Ao thả bèo và ao cá giống sát nhau, tiện cho việc vớt bèo cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ao thả bèo và ao cá giống sát nhau, tiện cho việc vớt bèo cho cá ăn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Mơ về thương hiệu cá nuôi bằng bèo hoa dâu

Khu chuyển đổi nuôi trồng thủy sản của làng Tảo Khê có hơn 30 hộ, hầu hết đều nuôi theo kiểu vừa nuôi cá giống vừa nuôi cá thịt và dùng bèo làm thức ăn ở giai đoạn cá nhỏ. Tuy nhiên đa số đều thả bèo cánh gián, bèo tấm và bèo hoa dâu thẳng xuống ao cá giống lúc diệt tạp, để trống, khoảng 20 - 30 ngày sau thì dâng nước thêm, thả cá vào cho chúng ăn hết là xong. Mỗi năm họ nuôi 2 - 3 lứa cá giống là 2 - 3 lần thả bèo.

Như nhà ông Trương Đỗ Nam có 2 mẫu ao, trong đó 1,2 mẫu nuôi cá giống, 8 sào nuôi cá thịt. Cứ thu cá xong là ông gieo sạ lúa, thả bèo cánh gián, bèo tấm vào ao rồi đợi chừng 1 tháng cho lúa, bèo phát triển thì dâng nước, thả cá giống vào. Chỉ 20 - 25 ngày là cá ăn hết cả bèo lẫn lúa. Mỗi năm 2 lần thu cá là 2 lần ông thả bèo.

Khi tôi hỏi tại sao không thả bèo hoa dâu thì ông trả lời: “Bèo cánh gián, bèo tấm nhỏ nên vừa miệng cá giống, còn bèo hoa dâu cá đớp vào dễ vỡ ra, gây thối nước. Bởi thế, cách thả bèo hoa dâu hợp nhất là phải có ao riêng như nhà ông Thiện”. Ông Thiện ngoài dùng bèo hoa dâu cho cá ăn còn cho cả gà ăn, giúp thịt của chúng thêm rắn chắc, thơm ngon, trứng lòng đỏ to và đỏ.

Cá nuôi bằng bèo hoa dâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cá nuôi bằng bèo hoa dâu. Ảnh: Dương Đình Tường.

Điều đáng buồn là dù cá ăn bèo hoa dâu hay cá thả ruộng lúa chất lượng thịt rất khác biệt, thơm ngon nhưng vẫn chỉ bán bằng giá cá nuôi cám công nghiệp nên không kích thích được người dân trong vùng mở rộng diện tích.

Ông Thiện thổ lộ rằng: “Tôi ước mơ sẽ có thương hiệu cá nuôi bằng bèo hoa dâu, có một HTX nuôi cá bằng bèo hoa dâu bởi riêng thôn tôi đã có khoảng hơn 100 mẫu chuyển đổi theo dạng lúa - cá - vịt rồi nhưng đến nay vẫn hoàn toàn chưa có thương hiệu”. Bởi muốn nhân rộng mô hình này nên nếu ai muốn ông Thiện đều sẵn sàng cho hàng rổ bèo hoa dâu về nhân giống.

TS Đỗ Thị Thanh Vân - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây cách đây ít lâu cũng xin ông Thiện ít bèo giống mang lên đơn vị để nhân nuôi, thử nghiệm cho gia súc ăn xem có ảnh hưởng gì đến năng suất, chất lượng thịt, sữa không. Nếu thành công, đây sẽ là cánh cửa mở rộng việc ứng dụng bèo hoa dâu vào sản xuất.   

Xem thêm
Người chăn nuôi trắng tay, cạn kiệt vốn liếng sau bão

HẢI PHÒNG Không chỉ thiệt hại nặng nề, sau bão, nhiều trang trại chăn nuôi đang cạn kiệt vốn liếng, đối mặt nguy cơ dịch bệnh, rất khó khăn trong khôi phục sản xuất.

Nỗi niềm cán bộ thú y: [Bài cuối] Nghề 'tâm sự, trò chuyện' cùng vật nuôi

Công việc nhiều, lòng nhiệt tình có thừa, nhưng thu nhập lại... khiêm tốn. Đó là câu chuyện của những nhân viên thú y ở huyện biên giới Ia Grai, tỉnh Gia Lai.

Đê vỡ, đập tràn, vựa dâu tằm tan hoang

YÊN BÁI Trận đại hồng thủy hung tàn đã biến vựa dâu tằm ở xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thành những cánh đồng chết, cây cối tan hoang, chưa biết khắc phục bắt đầu từ đâu.