| Hotline: 0983.970.780

Nhà nước tạo động lực để doanh nghiệp chuyển đổi số

Thứ Sáu 15/04/2022 , 17:09 (GMT+7)

Đó là nhận định của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022, chủ đề 'Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai'.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, từ thực tiễn kinh tế - xã hội, vị trí, vai trò của mình và trên cơ sở chính sách chung của trung ương, TP.HCM đã và đang tập trung triển khai Chương trình chuyển đổi số của Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, gắn chương trình này với 6 chương trình đột phá trong giai đoạn 2021-2025 .

Theo ông Mãi, TP.HCM đã vượt qua vô vàn khó khăn của đại dịch Covid-19, chính trong bối cảnh khó khăn đó, công nghệ số đã trở thành một công cụ quan trọng trong công tác phòng chống dịch, duy trì chuỗi cung ứng và hoạt động sản xuất kinh doanh và đây là thực tiễn minh chứng cho tính hiệu quả của chuyển đổi số.

Trong “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP.HCM giai đoạn 2022-2025”, Thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách: Thúc đẩy quá trình phục hồi tăng trưởng gắn tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng cạnh tranh, tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa - dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững; biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị; tạo sự đột phá trong việc xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển; giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi mong muốn nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu để TP.HCM phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố.

Ông Mãi cũng cho biết, TP.HCM ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…

Robot Misa ứng dụng trí tuệ nhân tạo biết mắc cỡ, biết đặt đồ ăn cho khách... Ảnh: Nguyễn Thủy.

Robot Misa ứng dụng trí tuệ nhân tạo biết mắc cỡ, biết đặt đồ ăn cho khách... Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đặc biệt, triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm Hợp tác về chuyển đổi số với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Tập trung giải quyết vấn đề liên thông, kết nối dữ liệu ở phạm vi toàn Thành phố và phát triển kho dữ liệu dùng chung; Triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030”; Phát triển đồng bộ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030;

Nghiên cứu triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới; Tập trung triển khai Trung tâm khởi nghiệp đối mới sáng tạo, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Thành phố; Nghiên cứu Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM.

Theo ông Mãi, mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, trong đó nổi bật là yếu tố nhân lực kể cả 2 khía cạnh là nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp - động lực và trở lực đang đan xen nhau.

“Quá trình chuyển đổi số vấn đề công nghệ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân có lẽ là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số”, ông Mãi nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, có 5 yếu tố giúp TP.HCM phát triển kinh tế số. Đó là nhân tài; doanh nghiệp số; hệ sinh thái cho doanh nghiệp công nghệ số; sự sẵn sàng để huy động nguồn lực vật lý vào môi trường số; tài sản số và lợi nhuận số được pháp luật công nhận, bảo vệ.

“Mỗi người dân có cơ hội trở thành một “doanh nhân số”. Mỗi doanh nghiệp, mỗi hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội trở thành một “doanh nghiệp số”. Chuyển đổi số thành công thì cần nhỏ tới mức từng người dân, từng doanh nghiệp, từng tổ chức nhỏ. Vì nhỏ nên có thể nhanh, linh hoạt. Chuyển đổi số thì cá nhanh thắng cá chậm, chứ không phải cá to nuốt cá bé”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Huy Dũng nói.

Xem thêm
Hơn 500 kg lòng lợn hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ

Lực lượng chức năng tỉnh Thái Nguyên phát hiện 520kg lòng lợn bốc mùi hôi thối sắp được bán lại cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và sản xuất lạp sườn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

STP hỗ trợ ngư dân trả góp lồng nuôi thủy sản HDPE không cần thế chấp

Nhằm giúp ngư dân chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản HDPE, STP Group đưa ra 3 chương trình hỗ trợ thuận lợi để bà con tiếp cận công nghệ nuôi biển mới.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.