| Hotline: 0983.970.780

Thứ Năm 30/05/2024 , 06:28 (GMT+7)
Lê Thiếu Nhơn

Lê Thiếu Nhơn

Nhà thơ 06:28 - 30/05/2024

Nhà ở xã hội góp phần giảm thiểu hỏa hoạn đô thị

Nhà ở xã hội được triển khai một cách hiệu quả, sẽ góp phần ngăn ngừa những vụ hỏa hoạn gây hậu quả thương tâm từng xảy ra tại các khu dân cư chen chúc.

Nhà ở xã hội đã được khuyến khích từ lâu nhưng ít có chuyển biến tích cực. Sau nhiều vụ hỏa hoạn tại những khu dân cư chen chúc làm thiệt hại nhiều tài sản và nhân mạng (ví dụ, vụ cháy chung cư mi mi ở Khương Hạ, Hà Nội vào tháng 9/2023 và vụ cháy ở ngõ Trung Kính, Hà Nội ngày 24/5 mới đây) thì giải pháp nhà ở xã hội một lần nữa được đặt ra cấp thiết hơn.

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 34-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội. Mặc dù đã có Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, nhưng kết quả rất chừng mực. Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế, và giá nhà ở xã hội bình quân còn quá cao so với thu nhập của đối tượng thụ hưởng.

Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư nêu rõ, cần huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho phát triển nhà ở xã hội, ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước từ trung ương và địa phương tương xứng, kịp thời.

Đồng thời, nghiên cứu hình thành quỹ phát triển nhà ở xã hội, hoặc mô hình định chế tài chính phù hợp để phát triển nhà ở xã hội dài hạn, bền vững. Tiếp tục mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.

Có lẽ phải nhắc lại một sự thật, dòng người di cư từ các địa phương đến những đô thị lớn như Hà Nội và TP. HCM vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhu cầu nhà ở của người dân đô thị càng ngày càng khó khăn. Những người lao động nghèo phải chui rúc trong những khu dân cư chật chội và ngột ngạt với điều kiện sinh hoạt tạm bợ. Cho nên, chỉ cần một sự bất cẩn xảy ra hỏa hoạn thì tai ương không thể lường hết.

Đành rằng, cơ quan chức năng cũng liên tục đưa ra khuyến cáo phòng cháy chữa cháy, nhưng chủ cơ sở cho thuê và người dân sinh sống tại các nhà trọ vẫn khó tuân thủ tuyệt đối những quy định nghiêm khắc như phương án thoát nạn, lắp đặt các thiết bị cảnh báo, quản lý chặt chẽ nguồn lửa và nguồn nhiệt, sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ, hoặc trang bị mặt nạ phòng độc…

Bởi lẽ, đòi hỏi diện tích tối thiểu 12m2 cho mỗi người, ở địa bàn dân nhập cư túng bấn và lam lũ, là điều bất khả thi. Khi xảy ra hỏa hoạn, lại thẩm tra và truy cứu trách nhiệm, thì mọi việc đã muộn màng.

Giải pháp tối ưu để giảm thiểu hỏa hoạn khu dân cư các thành phố lớn, vẫn là tăng cường cung cấp nhà ở xã hội bằng hình thức bán trả góp hoặc cho thuê dài hạn.

Chỉ thị 34-CT/TW của Ban Bí thư yêu cầu, đến năm 2030 hoàn thành ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp tại khu vực đô thị. Vậy thì, cần làm gì để đạt mục tiêu quan trọng ấy?

Trước mắt cần thúc đẩy giải ngân gói tín dụng 12.000 tỷ đồng dành cho phát triển nhà ở xã hội. Tại sao các dự án nhà ở xã hội ít được triển khai?

Có ba nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, các chủ đầu tư gặp vướng mắc thủ tục đất đai, mà chính quyền sở tại cũng không có động lực tháo gỡ vì không thu được tiền sử dụng đất. Thứ hai, vị trí dành cho dự án nhà ở xã hội không được ưu tiên như dự án nhà ở thương mại, nên các nhà đầu tư không mặn mà.

Thứ ba, lãi suất 7-8% đối với khoản vay làm nhà ở xã hội là bài toán kinh tế không đơn giản với nhà đầu tư, vì đối tượng mua nhà ở xã hội có khả năng thanh toán rất thấp.