Nhà thơ Phạm Trung Tín sinh năm 1956 tại Hiệp Hòa, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Từ năm 2013 đến nay, nhà thơ Phạm Trung Tín đã xuất bản các tập thơ “Dặm dài ký ức”, “Miền tâm tưởng”, “Lời của đá”, “Khoảng thức”, “Đường chân trời”...
Tập thơ “Đối diện chính mình” của của nhà thơ Phạm Trung Tín, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn vừa ấn hành, không dành cho những ai tìm kiếm sự cầu kỳ của vần điệu hoặc sự cách tân của chữ nghĩa. Tập thơ “Đối diện chính mình” giống như một lời thì thầm, để an ủi sự mất mát, để vỗ về sự bất an. Nói cách khác, nhà thơ Phạm Trung Tín đã “đối diện chính mình” bằng sự nhân hậu với người dưng.
Nhà thơ Phạm Trung Tín chân thành cả trong đời và trong thơ. Ông không chọn cách đứng riêng và cách nhìn riêng để bày tỏ cảm xúc. Ông chan hòa với những đối tượng thẩm mỹ, để viết cho họ như viết cho mình. Ông không chỉ tôn kính viết về mẫu thân “lưng còng trĩu bóng mẹ hiền” mà ông còn ân tình viết về người bạn học một thời quan chức bỗng vướng vòng lao lý “kiếp người mờ ảo chiêm bao”.
Đã qua tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận”, nhà thơ Phạm Trung Tín thấu hiểu “Vuông tròn phúc phận đẩy đưa/ Đa đoan sinh kế, nhặt thưa lộc đời”, nên ông càng ứng xử nhẹ nhàng hơn với mọi thiệt hơn và bao dung hơn với mọi trắc ẩn. Một lần “Uống rượu cùng trăng” cũng khiến ông thấm thía cõi dương gian nhiều thương khó: “Tay cầm ly chạm nhẹ tênh/ Giật mình đáy cốc lênh đênh phận người”.
Nhà thơ Phạm Trung Tín đa đoan và đa mang. Ông xao xuyến với hạnh ngộ của con người “Chỉ e phố núi tùy duyên mỏng/ Ta nợ em rắc rải ưu phiền/ Bám víu thang mây tìm ước vọng/ Tự mình huyền ảo giữa vô biên” và ông sốt ruột với biến động của thiên nhiên “Rừng thiêng mất dấu lưng đồi/ Tiếng rơi đất lở, nước sôi mặt hồ”.
Đọc thơ Phạm Trung Tín, dễ dàng nhận ra một cốt cách thật thà và chung thủy. Ông nỗ lực gìn giữ những bùi ngùi “Chao nghiêng ký ức thực mơ/ Gọi tên bến cũ lòng ngơ ngác chiều”, ông gắng gượng níu kéo những xa xôi “Lênh đênh thuyền đợi bến trông/ Đơn côi dòng lạnh trôi không lục bình”. Vì vậy, trong thơ Phạm Trung Tín không có những oán than, không có những trách móc, không có những nghi ky, không có những đổ vỡ.
Những câu thơ hiền lành và giản dị của nhà thơ Phạm Trung Tín không giúp độc giả bay bổng cùng trí tưởng tượng hay dằn vặt cùng sự ngổn ngang. Những câu thơ cất lên từ sự yếu mềm đôi khi có chút sơ hở của ông, giúp độc giả hiểu rằng giữa người và người luôn cần có nhau trong những kết nối thật đơn sơ và thật ấm áp, dẫu người đã khuất thanh thản “Trăm năm góp một đục trong/ Cốt xương gởi đất, hồn rong ruổi trời” hay người đang sống bộn bề “Hoang mang gọi thánh hô thần/ Giữa huyền ảo thật ngàn lần âu lo”./.