Bị cáo Nguyễn Thành Tài – nguyên Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, đã bị khởi tố và bắt giam vì liên quan đến hai vụ án thao túng đất công. Ngày 19/11, bị cáo Nguyễn Thành Tài bị Tòa án Nhân dân TP.HCM tuyên phạt 5 năm tù vì tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án hoán đổi trụ sở Trung tâm ca nhạc nhẹ TP.HCM từ số 185 Hai Bà Trưng sang số 57 Cao Thắng.
Hôm nay, 29/11, bị cáo Nguyễn Thành Tài lại có mặt trong phiên tòa phúc thẩm tại Tòa án cấp cao TP.HCM vì liên quan đến vụ án thao túng khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM. Trước đó, phiên sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài mức án 8 năm tù vì tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Hình ảnh bị cáo Nguyễn Thành Tài liên tục đứng trước tòa án, khiến không ít người chạnh lòng xót xa. Với góc độ bạn học cũ của bị cáo Nguyễn Thành Tài là nhà thơ Phạm Trung Tín- Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đã có sự chia sẻ về thân phận một con người.
Năm 1991 - 1992, chúng tôi là những học viên dự lớp học hoàn chỉnh Đại học lý luận Mác- Lê Nin, do trường Đại học Tuyên giáo tổ chức tại Trường Đảng TP.HCM. Lớp học hơn 100 người, phần nhiều học viên là cán bộ đương chức của Thành ủy, UBND và các sở, ban ngành như: Nguyễn Thanh Tài (phó Chủ tịch UBND Quận 4), Nguyễn Hoàng Năng (phó Bí thư Thành đoàn TP.HCM), Nguyễn Thanh Bình (Sở Tư pháp TP.HCM) Mã Diệu Cương và Nguyễn Quý Hòa (Đài Truyền hình TPHCM). Lớp học còn có các giáo viên dạy lý luận chính trị của các trường Đại học trên địa bàn TP.HCM.
Đã ba mươi năm, nhưng tôi còn nhớ Trường Đảng TP.HCM quản lý giờ giấc học tập rất chặt chẽ, có nhiều học viên hay đi trễ, về sớm để tranh thủ giải quyết việc cơ quan) đều bị nhắc nhở phê bình.
Trong một buổi sinh hoạt lớp, ông lãnh đạo Trường Đảng TPHCM sau khi nghe một số học viên đề nghị nhà trường lới lỏng, du di về giờ giấc học tập cho học viên vừa học vừa làm, đã thẳng thừng: “Các học viên là cán bộ đảng, chính quyền, các thầy giảng dạy ở các trường đại học nay dự học lớp hoàn chỉnh để cấp bằng cử nhân đầu tiên trong hệ thống giáo dục, càng phải gương mẫu chấp hành nội quy kỷ luật học tập”.
Có một vài ý kiến của học viên, nhưng tôi nhớ ý kiến của Nguyễn Thành Tài. Với giọng nói hùng biện, Nguyễn Thành Tài nói: “Nếu đã là thầy, là cán bộ đi học, không lẽ chúng ta thiếu lịch sự, thiếu văn hóa tôn trọng các thầy của trường Đại học Tuyên giáo từ Hà Nội vào dạy chúng ta sao?”. Lời nói bộc trực của ông đã tác động tình hình chấp hành nội quy kỷ luật của lớp. Thời gian còn lại của khóa học, tôi không thấy họp lớp để nhắc nhở việc đi học trễ lần nào nữa.
Tôi biết Nguyễn Thành Tài từ những năm 1979 – 1985. Lúc đó tôi mới chuyển ngành, làm bí thư chi đoàn của xí nghiệp (thuộc doanh nghiệp trung ương đóng tại Quận 4- TP.HCM) sinh hoạt đoàn trực thuộc quận đoàn Quận 4 do ông Nguyễn Văn Đua giữ chức Bí thư. Hàng tháng tôi đều dự các cuộc họp do quận đoàn tổ chức. Lúc này hình ảnh Nguyễn Thành Tài- một cán bộ quận có dáng người chắc nịch, nước da bánh mật, chạy xe Honda 67, có trình độ năng lực, có tiếng nói mạnh mẽ được nhiều người ngưỡng mộ và cảm phục.
Mô típ cán bộ của TP.HCM bấy giờ đa số trưởng thành từ phong trào đấu tranh đô thị thời học sinh -sinh viên xuống đường, hoặc những người thoát ly ra “R” kháng chiến. Trẻ trung, có năng lực trình độ và dám nói dám làm kiểu “vừa là thủ trưởng vừa là thủ lĩnh” nên uy tín lãnh đạo rất cao.
Lớp hoàn chỉnh Đại học của chúng tôi, học xong trở về đơn vị đều được bố trí vào đội ngũ kế cận. Tốt nghiệp, chúng tôi được cấp bằng cử nhân chuyên ngành triết hoặc kinh tế chính trị học (là lớp đầu được cấp bằng cử nhân trong hệ thống chuyển đổi bằng cấp của Bộ Giáo dục Đào tạo). TP.HCM đang thời kỳ đổi mới, lớp cán bộ lứa tuổi U40 chúng tôi đều có đất dụng võ.
Riêng tôi, làm kinh doanh kiêm công tác công đoàn của doanh nghiệp ngành thủy sản trung ương tại TP.HCM, nên cũng lắm “vui buồn lênh đênh”. Từ 1995 đến 2003, tôi làm trưởng phòng pháp chế kinh doanh kiêm chủ tịch công đoàn Công ty xuất nhập khẩu thủy sản - Bộ Thủy sản. Khi doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa, cộng với uẩn khúc riêng của gia đình, tôi xin nghỉ, về Bình Dương vui thú điền viên.
Qua bạn bè và xem thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, được biết các bạn học lớp hoàn chỉnhh đại học năm xưa rất phát triển. Nguyễn Hoàng Năng làm Bí thư Thành đoàn TP.HCM rồi chuyển về Bí thư Quận 7. Mã Diệu Cương và Nguyễn Quý Hòa thay nhau làm giám đốc Đài Truyền hình TP.HCM.
Còn Nguyễn Thành Tài với bản lãnh khí chất năng động của mình đã thăng tiến vững chắc. Nguyễn Thành Tài nổi tiếng là người bộc trực, dám nghĩ dám làm, đã có thành tích xây dựng quận 4 từ một địa phương nghèo khó với các khu nhà ổ chuột trở thành một quận khang trang đẹp đẽ. Khi làm Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, rồi Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, Nguyễn Thành Tài để lại nhiều dấu ấn khó quên.
Thời gian lặng lẽ trôi, cuộc sống có những quy luật cao trào, thoái trào vận hành bền bỉ và liên tục. Lớp học viên năm nào đầy tài năng nhiệt huyết nay đã ở giai đoạn U70 như chúng tôi đều đã về hưu. Mỗi người tùy duyên, tùy tâm tham gia các hoạt động văn hóa xã hội hoặc thúc thủ tại gia theo hoàn cảnh, sức khỏe, tinh thần của mỗi người.
Với Nguyễn Thành Tài, những năm hưu trí không hề êm ả. Do những vướng mắc trong quá trình xử lý công việc thời làm Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, ông phải vướng vòng lao lý. Tôi không thể không ngậm ngùi khi nhìn mái tóc bạc lơ thơ, khi nghe ông nói trước tòa: “Thế là hết, xóa sạch quá trình cống hiến của tôi. Tôi chưa làm tròn chữ hiếu. Mẹ tôi có 4 người con đi bộ đội, trong đó 3 người đã ngã xuống. Đến giờ mẹ vẫn nghĩ là tôi đang đi học. Với tư cách một con người, một công dân, một người lính, tôi mong sự công bằng, lương tâm”
Tôi nhói lòng khi nghe Nguyễn Thành Tài nhắc lại quá khứ của ông: “Đã tham gia cách mạng 55 năm, 3 lần đối mặt với cái chết”. Vậy mà sau 8 năm về hưu, Nguyễn Thành Tài bị khai trừ Đảng, bị tạm giam 3 năm để điều tra hai đại án. Trong những ngày buồn tủi ấy, Nguyễn Thành Tài đã nhận ra sai sót trong quá trình công tác. Hiện nay, Nguyễn Thành Tài đang điều trị bệnh hiểm nghèo nên thể lực suy giảm, đi lại khó khăn.
Với nhận thức và chiêm nghiệm của mình, tôi cho rằng trong quá trình lao động và cống hiến, không ai có thể nói mình không có sai phạm gì. Có những lỗi lầm, do mình thiếu ý thức, thiếu tỉnh táo, thiếu trách nhiệm gây ra nên phải trả giá “tay trót nhúng chàm”.
Trong thương trường, trong chính trường đều có những qui luật vận hành riêng. Thành công - thất bại đều có nguyên nhân khởi nguồn, tạo phát và kết cục. Nhận thức không sai và hành vi hợp lẽ sẽ tránh xảy ra những lỗi lầm trong xử thế. Trong thực tế nghiệt ngã, lằn ranh họa - phúc rất mỏng manh, mơ hồ, khó minh định rõ ràng. Đa số các cú vấp ngã của người có chức quyền đều xuất phát từ sự tác động không thể chế ngự được lòng tham, từ sự chủ quan khinh xuất để mất đi sự tỉnh táo, sự nhận định sắc bén mọi sự vật, hiện tượng diễn ra trong hào quang quyền lực quanh mình.
Thật đau xót cho Nguyễn Thành Tài vì ở tuổi “thất thập cổ lai hy” khi vấp ngã thì làm gì có cơ hội để sửa sai.
Suy nghĩ mông lung, tôi như có sự hoang mang đan xen xót xa đau buồn trong tâm trạng của một đảng viên hơn 40 tuổi đảng. Bởi trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng và chính quyền TP.HCM thời gian qua đã có nhiều người “ngã ngựa” và đã phải trả giá.
Với Nguyễn Thành Tài, trước đây tôi luôn thán phục ngưỡng mộ về tâm huyết, tài năng bản lãnh quyết đoán của ông. Bây giờ, tôi tiếc nuối cho Nguyễn Thành Tài vì thiếu trách nhiệm mà vi phạm pháp luật, để “thân bại danh liệt”. Cuộc đời có những ngã rẽ thật không ngờ.