Nhà thơ Vân Long tên thật là Nguyễn Văn Long, sinh ngày 6/3/1934, quê quán Khoái Châu - Hưng Yên. Nhà thơ Vân Long sáng tác từ thời niên thiếu, và có tập thơ đầu tay “Tia nắng” vào năm 28 tuổi.
Thời niên thiếu của nhà thơ Vân Long gắn bó với phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Gia đình có hiệu trà và có tiệm may, nhưng nhà thơ Vân Long lại chọn con đường đi riêng. Năm 1959, ông vào ban giao hưởng hợp xướng của Đoàn Ca múa nhạc kịch Việt Nam, với vai trò một nhạc công violon.
Muốn theo đuổi văn chương chuyên nghiệp, nhà thơ Vân Long xin chuyển về Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng từ năm 1966 đến 1975, rồi chuyển về Ty Văn hóa Thông tin Hà Sơn Bình từ năm 1975 đến năm 1980. Sau hơn 20 năm bôn ba, nhà thơ Vân Long mới được làm công tác văn nghệ tại Thủ đô, bằng niềm riêng “Ai may áo mới cho Hà Nội/ Vồng ngực ai căng đợi tỏ bày”.
Nếu ngõ Tràng An cho nhà thơ Vân Long cảm giác “Tôi thả bước lơ ngơ/ Trưa vàng/ Ngõ cũ/ In một bước tình cờ/ Lên dấu chân ngày nhỏ” thì những mảnh đất đã từng cư ngụ cũng hiện diện khá rõ nét trong thơ ông. Nhà thơ Vân Long viết về Hải Phòng: “Thành phố này – tôi yêu/ Một tình yêu kỳ lạ/ Bằng cái đau của mái trường giặc phá/ Bằng nỗi vui một buổi thông cầu/ Cái trăn trở của không gian vùng bom nổ chậm/ Cái hào hùng trong tiếng hát trầm sâu” và viết về xứ Đoài mây trắng “Trận mưa thu ào qua/ Nắng lại xòe diêm đầu lá ướt”.
Nhà thơ Vân Long tự nhủ “Là hoa, đến thời, cứ nở/ Ngại chi giông gió phũ phàng” nên ông cứ cặm cụi với thi ca. Từ những tâm tình nhẹ nhàng như “Tàu biệt mưa phùn về xứ nắng/ Con thoi đan dệt giữa hai vùng/ Ấm êm bỗng chốc thành xa vắng/ Anh dệt hai mùa sợi nhớ thương” hoặc “Gặp nhau non buổi chiều/ Ngẩn ngơ tròn buổi tối/ Đường về quên mất lối/ Bước nhầm tới nhà em”, ông có những phút giây cồn cào: “Em làm rỗng căn buồng/ Một nửa trời xanh theo em đi vắng/ Chái bếp lạnh tanh/ Bát đũa nằm lẳng lặng/ Một mình anh/ Một mình anh với chiếu giường một nửa/ Chợt bàng hoàng/ Nếu em vắng mãi/ Thành phố này/ Thui thủi mình anh”.
Nhà thơ Vân Long quan niệm: “Làm thơ là một quá trình đi tìm cái đẹp cho con người và thiên nhiên, qua đó làm giàu thêm đất nước. Nếu không có được cái riêng của ngôn từ để biểu hiện, thăng hoa những điều tìm kiếm được, thì mọi thể nghiệm và mọi ý tưởng đều sẽ trở thành dã tràng xe cát”.
Ngoài những tập thơ “Vào thu”, “Những khối hình câm”, “Dưới lá xanh”... nhà thơ Vân Long còn có sở trường viết chân dung văn học. Công việc một biên tập viên đã hình thành ở nhà thơ Vân Long thói quen tận tụy đọc tác phẩm để hiểu cuộc đời mỗi tác giả.
Chính thái độ ân cần “tôi dõi ngàn lá/ phận phồng tim cây/ ước mình gốc cỗi/ lá còn thơ ngây” mà những tập chân dung như “Những gương mặt - Những trang đời” hoặc “Những người rót biển vào chai” của nhà thơ Vân Long, ít nhiều giúp công chúng có thêm tư liệu bổ ích về diện mạo văn chương nước nhà.
Những năm nghỉ hưu, thơ Vân Long càng cô đọng lại, đôi khi thảng thốt “hoa đại đầu thế kỷ/ rụng vào tôi bây giờ”. Thế nhưng, ông vẫn không nguôi khao khát dâng hiến cho văn chương bằng nỗi băn khoăn: “Thời gian ăn mòn ký ức/ Dĩ vãng cuốn phim mốc/ Lốm đốm/ Dị hình/ Thời gian ăn vào tương lai/ Nhưng mà này/ Những con chữ của ta/ Có khó nhai không đấy?”.
Lễ tang nhà thơ Vân Long được cử hành từ lúc 9h30 đến 10h15 ngày 9/5/2022 tại Nhà tang lễ Cầu Giấy, số 01 Trần Vỹ, Cầu Giấy, Hà Nội. Linh cữu nhà thơ Vân Long được hỏa táng tại Đài hóa thân Hoàn Vũ, và an táng tại Nghĩa trang chùa Am, Sơn Tây, Hà Nội.