| Hotline: 0983.970.780

Nhà văn Nguyễn Một và ký ức người thầy đầu tiên

Thứ Năm 19/11/2020 , 19:44 (GMT+7)

Nhà văn Nguyễn Một từng có 15 năm dạy học ở Đồng Nai, bây giờ dù đã rời xa bục giảng nhưng ký ức về người thầy đầu tiên vẫn cồn cào mỗi dịp 20/11.

Nhà văn Nguyễn Một có 15 năm đứng trên bục giảng.

Nhà văn Nguyễn Một có 15 năm đứng trên bục giảng.

Hôm ấy, trời đầu thu chớm lạnh, ông ngoại kêu tôi dậy sớm, sau khi diện bộ quần áo mới ông dắt tay tôi ra trước bàn thờ. Trên bàn thờ ông bày xôi gà hoa quả, ông nói “Hôm nay con đi học, lễ này là lễ cúng khai tâm để ông bà phù hộ độ trì cho con tâm hiền trí sáng, học năm ba cái chữ mà phòng thân”

Trong lúc tôi cúi lạy tổ tiên cậu tôi chuẩn bị gánh lúa chiêm. Giống lúa hạt nhỏ và đều rưng rức nghe nói của người Chiêm Thành để lại. Lúa trồng 6 tháng mới gặt, quê tôi dành để giỗ chạp và tết thầy, chứ không dám ăn. Cậu đặt mấy cuốn tập và bút chì trên một thúng lúa. Còn thúng kia cậu đặt con gà trống mà ông bà tôi đã chăm chút từ nhiều tháng qua.

Cậu tôi, vai gánh lúa, tay dắt tôi đi qua bờ ruộng trơn trượt. Cánh đồng sau mùa gặt vắng hoe, xa xa phía gò mả tổ làn khói bếp mỏng manh bay lên từ mái tranh trơ trọi của bà Nồng, bỗng dưng tôi nghe tim mình đập thình thịch. Tôi bước thấp bước cao theo cậu đến trường làng.

Trường làng tôi là ngôi đình cũ dưới gốc đa già xanh um, cạnh cái ao vuông vức, người dân quê tôi gọi là “ao vuông” nước quanh năm đầy ăm ắp, tương truyền cái ao này là do người Chiêm Thành đào lấy đất để xây tháp chàm Mỹ Sơn.

Cậu tôi sẽ sàng đặt gánh lúa dắt tay tôi đến trước thầy giáo và khoanh tay nói: “Xin thầy cho cháu ít cái chữ, tội nghiệp nó mồ côi mồ cút, không có chữ sau này bị đời ăn hiếp thầy ạ” Rồi cậu quay qua tôi nói: “Con chào thầy đi con!” Tôi rụt rè chào thầy. Thầy xoa đầu tôi và dắt vào lớp .

Không đánh đòn, không quát tháo, người thầy kiên nhẫn dìu bàn tay cứng ngắt của tôi tập những chữ viết đầu tiên trong đời, hết ngày này qua ngày khác, tay tôi cũng mềm mại dần và những con chữ xinh xắn cũng hiện ra theo ý mình. Không chỉ có tôi mà các bạn tôi cũng được thầy chăm chút như vậy, sau này đi dạy tôi chưa thấy thầy cô nào kiên nhẫn như thầy.

Nhà văn Nguyễn Một và ngày 20/11 với các học trò ở Long Khánh - Đồng Nai cách đây 25 năm.

Nhà văn Nguyễn Một và ngày 20/11 với các học trò ở Long Khánh - Đồng Nai cách đây 25 năm.

Quê tôi, ai cũng nhắc đến tên thầy Hồng một cách trìu mến, tôi tự hào được làm học trò của thầy. Thời chiến tranh, chẳng có trường, thầy dạy tự nguyện, trò học tự nguyện, hết giờ học thầy cũng ra đồng cày cuốc kiếm cái ăn như người nông dân.

Dòng đời cuốn đi, thời gian đã xóa đi nhiều ký ức đẹp đẽ và cả những ký ức u buồn trong đầu của con người nhưng có một kỷ niệm về người thầy đầu tiên dưới ngôi đình làng ấy mãi mãi đọng lại trong tôi. Một buổi sáng trong giờ ra chơi, thầy đứng ở hiên nhìn học trò chơi bỗng dưng thầy hét lớn “Nằm xuống!” quen với chiến tranh nên chúng tôi phản xạ nhanh, nghe tiếng thầy tất cả nằm xuống đất.

Tôi chơi gần thầy nên thầy nằm phủ lên người tôi với thằng Tựu bạn tôi. Một tiếng nổ lớn cạnh bờ ao vuông, cát đá bay rào rào. Tới giờ này tôi cũng không biết lúc ấy chuyện gì xảy ra nhưng hình ảnh người thầy dùng thân mình phủ che cho học trò mình tôi nhớ mãi…

Có lẽ do ảnh hưởng của thầy Hồng nên sau này gần 15 năm đi dạy tôi nhất quyết không dạy thêm, không cầm đồng tiền từ tay học trò, lương không đủ sống sáng đi dạy chiều về chở thùng cà rem đi bán, đến lúc trụ không nỗi tôi bỏ nghề.

Nhân ngày 20/11 nhiều học trò cũ từ hàng chục năm trước về thăm tôi. Ôm bó hoa trên tay, tôi nhớ người thầy đầu tiên của tôi.

Xem thêm
Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm