Nhà văn Võ Bá Cường bước vào nghề văn khá muộn màng so với bạn bè đồng trang lứa. Nhà văn Võ Bá Cường từng dạy học trên đảo Vân Hải, rồi làm cán bộ văn hóa huyện Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh trước khi trở về quê nhà để công tác tại Hội Văn nghệ Thái Bình mà chuyên tâm theo đuổi sự nghiệp viết lách.
Kỳ lạ hơn, nhà văn Võ Bá Cường khởi sự văn chương bằng thơ. Những tác phẩm ban đầu của ông đến với bạn đọc là những tập thơ như “Nỗi nhớ mùa thu” (1989) “Khi chúng mình yêu nhau” (1990) “Miền gió thức” (1991) “Nỗi buồn con gái” (1992) “Trăng lại mọc” (1993) “Dưới bóng tre xanh” (1996)... Ông được kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam bằng tư cách một nhà thơ.
Sau khi nghỉ hưu, ông mới dồn sức viết văn xuôi. Với ấn tượng của các tiểu thuyết như “Ở làng lắm chuyện”, “Trở mặt”, “Người đánh thức cánh đồng”, “Ông tướng miền Tây”, “Gió Thượng Phùng”... thì ông định vị một nhà văn Võ Bá Cường.
Thế nhưng, sở trường vượt trội của nhà văn Võ Bá Cường nằm ở thể loại truyện ký. Bởi lẽ, ông là người chịu khó thâm nhập thực tế để gặp gỡ, lắng nghe và ghi chép. Những trải nghiệm sinh động đã giúp ông có được nhiều tập truyện ký có tiếng vang như “Chuyện tướng Độ”, “Những kẻ đeo mặt nạ”, “Người thầy đặc biệt”, “Mây trắng về đâu”, “Chảo lửa”, “Cầu Bo qua phố”...
Nhà văn Võ Bá Cường quảng giao và không ngần ngại gõ cửa bất cứ nơi nào để có cơ hội tiếp xúc nhân vật đặc biệt, kể cả quan chức lẫn doanh nhân. Không thể phủ nhận, nhà văn Võ Bá Cường chịu lao động và biết cách chơi.
Sau tuổi 70, dù có căn nhà khang trang ở thành phố Thái Bình, ông vẫn dành dụm để biến mảnh đất thân thuộc của mình ở làng Chàng, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình thành một khu vườn tượng danh nhân.
Khi trưng bày những bức tượng các tên tuổi lừng lẫy như Lê Quý Đôn, Nguyễn Du, Võ Nguyên Giáp, Văn Cao, Võ An Ninh... với tâm niệm “có một vườn tượng nhỏ nhoi ở một làng quê yên tĩnh cũng nói lên được điều gì của dân tộc mình trong công cuộc kháng chiến, giữ nước, giữ nhà”, thì nhà văn Võ Bá Cường bỗng nảy sinh khao khát phác họa thêm những chân dung bằng ngôn ngữ văn chương. Và cuốn sách “Chim sơn tiêu” đã ra đời, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.
Với cuốn sách “Chim sơn tiêu”, nhà văn Võ Bá Cường góp phần giúp giới mộ điệu hiểu hơn về số phận của các tài danh như nhà thơ Quang Dũng, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Thanh Tùng, họa sĩ Nguyễn Sáng, nhà viết kịch Tào Mạt... và những chính khách như Võ Văn Kiệt, Lê Huy Ngọ...
Vốn làm thơ, nên nhà văn Võ Bá Cường viết chân dung văn học có giọng điệu riêng. “Chim sơn tiêu” nhiều hình ảnh mơ mộng, nhiều chi tiết lãng mạn và nhiều ngôn từ bay bổng.
Sau cuốn sách “Chim sơn tiêu”, nhà văn Võ Bá Cường đang hoàn thành tiểu thuyết viết về mối quan hệ giữa Nguyễn Trãi và Nguyễn Du. Nhà văn Võ Bá Cường, lão mà chưa an ở tuổi 83, tự thú: “Tôi viết tay. Thời đại 4.0 mà tôi vẫn không dùng máy tính. Động vào máy tính đầu óc tôi như trơ ra, cứ sột soạt từng chữ một trên trang giấu thấy hay hơn”.